Thursday, May 6, 2010

Lịch Sữ Nha Kỹ Thuật / Trung Tá Lữ Triệu Khanh




NHA KỸ-THUẬT
BỘ TỔNG THAM MƯU
QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA

Mục đính của người viết bài này không ngoài hoài bão cung cấp cho các cựu quân nhân và cựu nhân viên dân chính đã từng phục vụ trong các đơn vị trực thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM / QLVNCH hiện định cư tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia khác trên Thế giới Tự Do, một sự hiểu biết tổng quát về sự tổ chức cũng như những hoạt động đặc biệt của đơn vị này.
Vì tính cách đặc biệt về tổ chức và nhiệm vụ của Kỹ Thuật / BTTM, ngay chính những quân nhân phục vụ tại một đơn vị của Nha Kỹ Thuật / BTTM cũng không hiểu rõ về đơn vị này. Do đó, nếu có sự hiểu lầm hay một sự hiểu biết thiếu chính xác của một số đơn vị bạn cũng không phải là một điều ngạc nhiên.
Danh hiệu Nha Kỹ Thuật / BTTM chỉ là một danh hiệu " vỏ bọc " để bảo vệ những hoạt động thực sự đối với Cộng Sản cũng như đối với các đơn vị bạn khác. Nha Kỹ Thuật / BTTM chính thức là Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ, ngang hàng với cấp Sư đoàn Tổng Trừ bị do một cấp Thiếu Tướng làm Tư lệnh.
Nha Kỹ thuật / BTTM trải qua rất nhiều lần cải danh và thay đổi về tổ chức và nhiệm vụ, tùy theo sự biến chuyển về tình hình chính trị quốc nội cũng như tình hình quân sự trên chiến trường.
Trước khi đi sâu vào vấn đề này, kẻ viết bài này xin mạn phép trình bày sơ lược về cá nhân và sự liên hệ đối với Nha Kỹ Thuật / BTTM kể từ năm 1961 cho đến ngày chính Thức giải tán đơn vị này vào ngày 28 tháng 4 năm 1975 do khẩu lệnh của Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng / QLVNCH, trước khi Đại tướng từ chức vụ Tham Mưu trưởng.
Vào cuối năm 1960, trong khi phục vụ tại một đơn vị thuộc Sư đoàn 1 Bộ Binh đồn trú tại Quảng Trị, tôi đã được lệnh cấp tốc trình diện Phủ Tổng Thống. Thật là một ngạc nhiên to lớn đối với một cấp úy nhỏ như tôi. Sau khi được đơn vị trưởng cấp sự vụ lệnh, tôi được một vị đại diện Phủ Tổng Thống từ Huế ra đón và đưa thẳng về Đà nẵng. Tại đây, tôi lại được một đơn vị khác tiếp xúc, bắt tôi thay thường phục và đưa ra phi trường đáp phi cơ Air Việt Nam về Saigon. Tại Phi trường Tân sơn nhất, tôi lại được một đơn vị khác đón và đưa về một căn nhà tại khu Tân Định, nằm trong một ngõ hẹp. Dù tôi có ý gợi chuyện trong lúc đi đường, các vị này đều có vẻ huyền bí và rất ít nói chuyện. Tại căn nhà này, tôi lại càng ngạc nhiên hơn vì lần đầu tiên tôi được gặp và giới thiệu với một số nhân viên Hoa Kỳ. Tôi không biết các vị này cả Việt lẫn Mỹ, thuộc đơn vị hay cơ quan nào. Tôi cũng chưa biết vị chỉ huy tôi là ai, quân nhân hay dân sự. Một nhân viên Hoa kỳ có vẻ ngạc nhiên về khả năng Anh văn của tôi. Tôi cho ông ta biết là tôi đã tốt nghiệp khóa 6 tháng thông dịch viên Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ vào đầu năm 1958.
Tôi muồn nhắc đền sự việc này vì nhờ sự hiểu biết về anh văn mà tôi được giữ những chức vụ có liên quan đến việc tiếp xúc với cơ quan Tình báo Hoa Kỳ sau này. Vì nhân viên Hoa Kỳ này cho tôi biết là ngày hôm sau tôi sẽ được tham dự khóa " Tình báo đặc biệt " do các nhân viên tình báo Hoa kỳ đảm trách hướng dẫn. Người Mỹ gọi là khóa " Clandestine Operation " được huấn luyện cho các nhân viên điệp báo hoạt động tại hậu tuyến địch. Nói tóm lại đây là khóa huấn luyện gián điệp. Tôi có hỏi sau khóa này tôi sẽ làm gì nhưng không ai xác định gì cả. Họ chỉ cho biết là sau khóa huấn luyện tôi sẽ trở thành một " Case Officer " hay là " Trưởng công tác ". Tên tôi được biến thành Emile, cũng như các học viên khác Leon, Antoinne, Charles .v.v. . . Thật ra các tên tây phương này được đặt ra để giúp cho người Mỹ dễ nhớ trong khi huấn luyện cũng như khi hợp tác làm việc sau này. Ngoài các tên này, chúng tôi được gọi bằng những bí danh khác với mục đích bảo vệ lý lịch, đề phòng đối phương theo dõi trong thởi gian liên hệ với công tác tình báo. Đây chỉ là một trong những nguyên tắc căn bản của ngành điệp báo.
Sau khóa học kéo dài 4 tuần lễ, tôi được các vị huấn luyện viên Hoa Kỳ khen thưởng về sự cố gắng và thông suốt các nguyên tắc của ngành tình báo. Sau đó, tôi được trình diện đầu tiên với vị chĩ huy trực tiếp của tôi là vị Trưởng phòng 45 của Sở Khai thác Địa Hình trực thuộc Phủ Tổng Thống.
Tôi rất mừng rỡ vỉ vị chỉ huy trực tiếp của tôi là Đại Úy BÌNH tức là Đại Úy Ngô Thế Linh mà tôi đã làm dưới quyền tại Phòng III / Quân đoàn I tại Đà Nẵng vào đầu năm 1958. Sự nghiệp quân sự của tôi, giai đoạn có ý nghĩa nhất là bắt đầu khóa học tình báo đặc biệt này cho đến ngày cuối cùng của QLVNCH vào cuối tháng 4 năm 1975. Với hơn 14 năm được phục vụ tại một đơn vị đặc biệt, giữ những chức vụ tuy nhỏ nhoi nhưng được gần gũi với các cấp chỉ huy cao cấp và được sự tin tưởng của các vị này, cũng như các vị cố vấn Hoa Kỳ cao cấp, tôi đã theo dõi và chứng kiến các hoạt động của Nha Kỹ Thuật / BTTM, sự cải danh của nó, từ vị trí của một Phòng sở nhỏ trở thành một đại đơn vị có tầm mức chiến lược quan trọng.

Sự bành trường và lớn mạnh của Nha Kỹ Thuật / BTTM đều tùy thuộc và ảnh hưởng bởi các biến chuyển của tình hình chiến sự quốc nội, tình hình chính trị trên thế giới, đường lối chỉ đạo của Hoa Kỳ đối với chiến cuộc tại Việt Nam và cuối cùng là khả năng hoạt động của các đơn vị thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM.
Những tài liệu trình bày sau đây đều dựa theo trí nhớ của tôi. Do đó, về thời gian và không gian có thể có một vài sự sai lầm nhỏ hoặc một chút thiếu sót. Tôi nghĩ rằng dù nếu có một vài sự thiếu sót, ý nghĩa và mục đích của bài này sẽ không sai lạc và các điểm chính yếu tôi muốn nêu ra vẫn được bảo đảm.
Sở Khai thác Địa hình trực thuộc Phủ Tổng Thống, lúc bấy giờ do Cố Đại Tá Lê Quang Tung là Chỉ huy trưởng. Đơn vị này được giao phó rất nhiều công tác tình báo quan trọng, về quốc nội cũng như quốc ngoại, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong các cơ cấu tình báo, Phòng 45 hay Phòng E được đặc trách hoạt động thu thập tin tức tình báo tại miền Bắc vĩ tuyến 17, với các hệ thống điệp báo nằm vùng xâm nhập từ Miền NAM hoặc từ Đệ Tam Quốc gia bạn. Tại nội bộ đơn vị, Sở Khai thác Địa Hình cũng được gọi là KHIÊM QUANG, mỗi chữ biểu hiệu cho một Phòng của đơn vị. Phòng E sau này còn được gọi là SB, viết tắt cho Sở Bắc. Kể từ năm 1960 trở đi, hoạt động điệp báo tại miền Bắc được đặc biệt chú trọng vì nhu cầu tin tức chiến lược nhằm ước tính khả năng của Cộng Sản, hầu ngăn chặn mưu đồ xâm lược của miền Bắc.
Để yểm trợ tài chính và kỹ thuật cho các công tác đặc biệt này, cơ quan Combined Studies thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon được giao phó phối hợp và đảm trách. Công tác tình báo và các hoạt động đặc biệt nhằm đối tượng Cộng Sản đều do cơ quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ cố vấn và tài trợ vì vấn đề kỹ thuật phức tạp và phí tổn to lớn. Cơ quan Combined Studies cung cấp chuyên viên, tin tức tình báo căn bản, các tài liệu và vật dụng cần thiết, cũng như nhu cầu tài chính để hoàn thành công tác.
Vì bài này chỉ giới hạn về tổ chức và nhiệm vụ tổng quát của Nha Kỹ Thuật / BTTM và các tổ chức tiền thân, nên tôi sẽ không đề cập đến chi tiết các hoạt động, cách tổ chức các Toán công tác cũng như thành quả của các Toán này. Tôi mong rằng sẽ có cơ hội trình bày trong những bài kế tiếp.
Vào đầu năm 1963, Sở Khai thác Địa Hình được biến cải thành Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, với hai đơn vị chiến đấu nòng cốt là Liên đoàn 77 và Liên đoàn 31. Đại Tá Lê Quang Tung cũng là vị Tư lệnh đầu tiên của đơn vị này. Sở Bắc vẫn tiếp tục hoạt động và duy trì sự phối hợp với cơ quan Combined Studies của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, trong khuôn khổ tổ chức của Bộ Tư Lệnh LLDB mới thành lập. Sau cuộc chính biến và Cách mạng 1963 và Đại tá Lê quang Tung bị sát hại. Và LLĐB được chỉ huy bởi một số các vị Tướng lãnh và sau đó dời về Nha Trang. Cũng trong thời gian này, Sở Bắc cũng được cải danh là Sở Khai Thác / BTTM và tiếp tục duy trì công tác đặc biệt, tách rời khỏi Lực Lượng Đặc Biệt. Vị Chĩ huy trưởng và Giám đốc đầu tiên của đơn vị này là Đại Tá Trần văn Hổ. Ngoài việc đảm trách công tác văn phòng, liên lạc phối hợp với ban Cố Vấn Hoa Kỳ, tôi vẫn tiếp tục tổ chức các Toán với tư cách Sĩ quan Trưởng Công tác. Một thời gian sau, Đại Tá Hổ chỉ định tôi làm Chánh Văn phòng. Song song với sự cải tổ về phía Việt Nam, Bộ Tư lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam MACV thay thế cho cơ quan Cố vấn Hoa Kỳ MAAG, cũng được thành lập. MACV - SOG là viết tắt của MACV - Studies and Observations Group, nhưng chính danh là Special Operation Group, được chỉ định Cố vấn và yểm trợ cho các công tác đặc biệt.
Ngoài các Toán Tình báo dài hạn xâm nhập Miền Bắc bằng Không vận hay Hải Vận và công tác Biệt Hải tập kích đánh phá các mục tiêu thuộc miền Bắc duyên hải. Sở Khai thác lại được lệnh tổ chức các Toán thám sát ngắn hạn hoạt động tại vùng biên giới Lào Việt nằm phía Bắc vĩ tuyến 17 cho đến vĩ tuyền 20. Các Toán này được gọi là các Toán Strata, viết tắt tiếng Mỹ là Short Term Reconnaisance and Target Acquisition teams. Hai đoàn công tác chính yếu của công tác Không vận lúc bấy giờ là Đoàn 68 đảm trách các công tác dài hạn vá các công tác đặc biệt khác Đoàn 11 phụ trách các công tác ngắn hạn.
Cũng trong thời gian này, vì nhu cầu khẩn cấp của chiến trường, Sở Khai Thác được chỉ thị huấn luyện các Toán Thám Sát đặc biệt mệnh danh là Shinning Brass tại căn cứ huấn luyện Long Thành, sau này gọi là Trung tâm Huấn luyện Quyết Thắng. Sở Liên lạc / BTTM cũng được thành lập trong thời gian này để đảm trách các công tác ngoại biên Việt-Miên và Việt-Lào. Các Toán này mang danh Lôi Hổ có nhiệm vụ thám sát, phá hoại các mục tiêu trọng yếu của địch, cùng công tác chỉ điểm mục tiêu cho các phi vụ không kích hoặc đánh phá xử dụng các lực lượng khai thác (Exploitation Forces ). Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Đại Tá Hồ Tiêu, trước phục vụ tại Sư đoàn Nhảy Dù. Sau đó Sở Liên Lạc được tiếp tục chỉ huy bởi các vị chỉ huy trưởng thuộc Sư đoàn Nhảy Dù. Các cuộc hành quân thám sát biên giới phát triển mạnh mẽ vào các năm 1966 – 1972, đặc biệt dưới sự chỉ huy của Đại Tá Liêu quang Nghĩa. Các vị chỉ trưởng sau này là Đại tá Nguyễn văn Minh và Đại Tá Nguyễn Minh Tiến.
Sở Liên Lạc (Biệt Kích Lôi Hổ) gồm có một Bộ Chỉ Huy đồn trú tại Saigon và 3 Chiến đoàn đồn trú tại Saigon và 3 Chiến đoàn đồn trú tại các Khu vực khác nhau, thích hợp với khu vực mục tiêu hoạt động:
• Chiến đoàn I đồn trú tại Đà Nẵng
• Chiến đoàn II đồn trú tại Kontum
• Chiến đoàn II đồn trú tại Ban mê Thuột.
Song song với các chiến đoàn này, MACV-SOG cũng có những cơ sở hành quân riêng rẽ đồn trú chung cùng doanh trại với các chiến đoàn. Kế hoạch hành quân được phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ chỉ huy Hoa Kỳ và Việt Nam liên hệ. Mỗi Chiến đoàn có nhiều Liên toán và mỗi Liên toán gồm có nhiều Toán. Các Toán này được tổ chức huấn luyện và hành quân theo Kỹ thuật của Lực Lượng Đặc biệt. Sự khác biệt là các Toán của Sở Liên lạc có nhiệm vụ hoạt động ngoài biên giới lãnh thổ và ngay trong lòng địch.
Khoảng năm 1965-1966, Sở Khai Thác / BTTM lại được đổi danh là Sở Kỹ thuật và sau đó không bao lâu, Sở này được nâng lên Nha Kỹ Thuật / BTTM, chỉ huy bởi một vị Giám đốc, cho phù hợp với tổ chức mới. Lúc bấy giờ Nha Kỹ thuật gồm có các đơn vị hoạt động trọng yếu như sau :
• Sở Liên Lạc
• Đoàn 11 và Đoàn 68 ( Sở Công tác được thành lập sau này )
• Sở Không Yểm
• Sở Phòng Vệ Duyên Hải
• Trung Tâm Huấn luyện Quyết Thắng
• Sở Tâm Lý Chiến (tuy là một Sở của Bộ Chỉ huy nhưng Sở này có tầm hoạt động rộng lớn và quan trọng).

• Sở Công tác sau này được thành lập với hai Đoàn Công tác 11 và 68. Sau khi Lực lượng Đặc biệt giải tán, Nha Kỹ thuật được tăng cường sĩ quan cán bộ cũng như nhân viên Toán hành quân. Các Đoàn kế tiếp được thành lập là Đoàn 71, 72 và Đoàn 75. Thời gian đầu tiên, Bộ Chỉ huy Sở đồn trú tại Nha Trang sau đó dời ra Đà Nẳng. Các Đoàn 11, 71 và 7 đồn trú tại Đà Nẳng
Các đoàn 11, 71 và 72 đồn trú tại Đà Nẳng, Đoàn 75 tại Ban Mê Thuột. Đoàn 68 vẫn tiếp tục duy trì tại Saigon, gần Bộ Chỉ huy Nha.
Đoàn 68 được giao phó tổ chức và hướng dẫn các Toán Tình báo dài hạn tại Miền Bắc. Các Toán được xâm nhập bằng Trực thăng vận từ lãnh thổ Đệ Tam Quốc Gia hoặc Nhảy Dù vào khu vực mục tiêu tại Miền Bắc. Một số Toán hoạt động tại vùng duyên hải Đông Bắc được đặt kế hoạch xâm nhập bằng hải vận. Nhiệm vụ chính yếu của các Toán này là thiết lập căn cứ hoạt động, quan sát và thám sát các mục tiêu, báo cáo về Trung Ương để nhận chỉ thị hoạt động. Các khu vực mục tiêu trọng yếu nằm dọc theo biên giới Hoa Việt, khu vực Đông Bắc Cao Bắc Lạng, khu vực Tây Bắc, sơn La, Lai Châu, khu vực Bắc vĩ tuyến Thanh Nghệ Tĩnh Bình. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là quan sát và báo cáo mọi chuyển quân của Bắc Việt trên các trục giao thông qua biên giới và xuống miền Nam. Các hoạt động trên bắt đầu giảm sút kể từ năm 1968.
Các Toán thám sát ngắn hạn thuộc Đoàn 11 lại được gia tăng và chú trọng hơn trong khi lực lượng chính quy Bắc Việt ồ ạt xâm nhập miền Nam qua các hành lang biên giới. Tuy vậy Đoàn 68 vẫn tiếp tục đảm trách các công tác đặc biệt khác, nhằm đánh lừa địch qua việc sử dụng các Hồi chánh viên cũng như tù binh chính quy, phối hợp với sở Tâm lý chiến.
Kể từ 1972 trở về sau, địa bàn hoạt động của các Toán thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM được thu hẹp lại cho thích hợp với nhu cầu chiến trường. Do đó, các Đoàn và Chiến đoàn công tác đều được tăng phái cho các Quân đoàn và thực hiện những cuộc hành quân thám sát nội biên sau hậu tuyến địch, nhằm mục đích cung cấp cho Quân đoàn những tin tức xác thực để khai thác.

Vị Chỉ huy trưởng đầu tiên của Sở Công Tác là Đại Tá Ngô thế Linh, nguyên là Phó Giám đốc Nha Kỹ Thuật / BTTM. Các vị chỉ huy kế tiếp là Đại Tá Nguyễn văn Hai và Đại Tá Ngô xuân Nghị trước phục vụ tại Sư đoàn Nhảy Dù.

Để yểm trợ cho các Toán hành quân Không vận của Sở Liên lạc và sở Công Tác. Sở Không Yểm có nhiệm vụ liên lạc với Bộ Tư lệnh Không quân, đáp ứng nhu cầu hành quân của Nha Kỹ thuật. Các nhu cầu này gồm phương tiện trực thăng xâm nhập và triệt xuất, các phi vụ thả toán xử dụng phi cơ từ C.47 đến C.123 và C. 130 do phi hành đoàn KQVN thực hiện. Các phi vụ quan sát bằn L.19 hay L.20, các phi vụ bảo trợ thả toán Skyraiders hay F.5. Các đơn vị Không quân này không trực thuộc Nha Kỹ Thuật nhưng các phi vụ đặc biệt này đều được ưu tiên thực hiện theo nhu cầu. Đặc biệt Phi Ðoàn trực thăng 219 được thường xuyên tăng phái cho Nha Kỹ Thuật / BTTM. Đơn vị này đồn trú tại Nha Trang, Những phi vụ tối ư đặc biệt và ngoài khả năng của KQVN đều do Không quân Hoa kỳ đảm trách, xuất phát từ các căn cứ trên lãnh thổ Đệ Tam Quốc Gia.
Trước năm 1964, một số phi vụ thả toán vào lãnh thổ Bắc Việt được thực hiện với các phi hành đoàn ngoại quốc do cơ quan tình báo Hoa Kỳ đảm trách và hoạch định qua hãng Air America tại Saigon. Sĩ quan liên lạc Không quân và cũng là Chỉ huy trưởng Sở Không Yểm từ năm 1961 cho đến tháng Tư năm 1975 là Đại Tá Dư Quốc Lương.
Nói về các hoạt động đặc biệt của Nha Kỹ Thuật mà không đề cập đến các công tác hải vận của đơn vị này là một thiếu sót đáng kể. Công tác Hải vận và Biệt Hải của Nha Kỹ Thuật / BTTM được giao phó cho Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Tiền thân của Sở này là căn cứ " Pacific ", trong hệ thống tổ chức của Phòng 45 thuộc Sở Khai thác Địa Hình. Sở Phòng vệ Duyên Hải được chính thức hoạt động Khoảng cuối năm 1964 và đầu 1965. Trước đó phương tiện xâm nhập các nhân viên điệp báo và các Toán tại các vùng Duyên hải Bắc Việt đều xử dụng các thuyền máy đánh cá, sửa chữa lại theo kiểu thuyền miền Bắc. Các thuyền này được đưa về Đà Nẳng để huấn luyện và thực tập về công tác xâm nhập cùng với nhân viên hay Toán hoạt động.
Sau này vì khả năng có giới hạn của các thuyền này và vì nhu cầu tốc độ và khả năng chiến đấu để bảo vệ, cơ quan Tình báo Hoa kỳ đã cung cấp cho Nha Kỹ thuật / BTTM các loại Chiến đỉnh SWIFT và NASTY, do một số thủy thủ đoàn ngoại quốc chỉ huy. Các Chiến đỉnh này có tốc dộ nhanh và được võ trang để tự vệ nếu bị Hải quân Cộng sản tấn công. Tuy vậy, các tàu này chỉ có tầm hoạt động ngắn, không qua vĩ tuyến 20. Sau này, sau khi MACV-SOG đảm trách yểm trợ NKT / BTTM, Sở Phòng vệ Duyên Hải được tăng cường các chiến đỉnh lớn PFT ( Patrol - Torpedo - Fast ) có tầm hoạt động xa, tốc độ nhanh và trang bị hỏa lực mạnh.

Các loại tàu này không những có khả năng tự vệ mà còn có khả năng đánh phá và tấn công các mục tiêu Cộng Sản nếu cần. Bộ Tư lệnh Hải Quân cũng được chỉ thị cung cấp các thủy thủ đoàn cho các chiến đỉnh này. Các hoạt động đặc biệt do Sở Phòng Vệ Duyên Hải thực hiện đều nằm trong sự kiểm soát và trách nhiệm của Nha KT / BTTM, không có liên hệ nào đối với Bộ Tư Lệnh Hải Quân và hoàn toàn được bảo mật tối đa. Các Thủy thủ đoàn này đều nằm trong Lực lượng Hải tuần trực thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Sở này được một vị cấp Tá do BTL / HQ biệt phái chỉ huy. Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Thiếu Tá Ngô thế Linh (từ năm 1964 đến 1966), sau đó là Trung Tá Hồ văn Kỳ Thoại, sau này được thăng cấp Đề Đốc. Các Toán người Nhái và hoạt động được gọi là Lực Lượng Biệt Hải và thuộc Lực lượng Biệt Hải của Sở này. Các Toán này được huấn luyện và thi hành những công tác đặc biệt tương đương với các Toán SEAL ( Sea Air Land ) thuộc Lực lượng Hoa Kỳ. Toán viên Biệt Hải được huấn luyện về bơi lội, xử dụng Scuba, Nhảy Dù ngoài những kỹ thuật hành quân đặc biệt khác.
Toán có khả năng xâm nhập nhảy dù xuống các vùng mục tiêu dọc theo miền duyên hải, xử dụng bãi nhảy sát bờ biển hay cả trên mặt nước. Sau khi hoàn thành công tác, Toán có thể triệt xuất bằng cách bơi ra khỏi để được tàu tiếp đón và đưa về căn cứ ở Miền Nam. Các công tác này rất nguy hiểm nên phải được thiết kế một cách chi tiết và thận trọng.
Sau hiệp định Paris, hoạt động của Sở này bị giảm thiểu đáng kể và sau đó được tăng phái hành quân cho các Quân đoàn để thi hành một vài công tác đặc biệt tại các vùng do Cộng Sản kiểm soát tại miền NAM.
Một bộ phận hoạt động quan trọng khác trong hệ thống trách nhiệm của NKT / BTTM là Sở Tâm Lý Chiến. Tuy rằng trong thành phần tổ chức của Bộ Chỉ Huy Nha, Sở Tâm Lý Chiến là một đơn vị hoạt động không phải thuần túy tham mưu. Sở này sử dụng đa sồ chuyên viên dân sự để điều khiển các hệ thống phát thanh và các công tác chiến tranh chính trị khác nhằm yểm trợ cho cho hoặt động đặc biệt tại miền BẮC. Sở có trách nhiệm điều khiển hai hệ thống phát thanh. Đài Tiếng nói Tự Do là một hệ thống phát thanh " Xám ", tiếng nói của những người mến chuộng Tự Do chống đối hệ thống tư tưởng Cộng Sản. Một hệ thống phát thanh bí mật khác là Đài " Gươm thiêng ái quốc ", tiếng nói của Mặt trận Giải phóng Miền Bắc, nhằm hỗ trợ cho các công tác của các Toán đặc biệt nằm trong lãnh thổ Miền bắc. Ngoài công tác phát thanh, Sở TLC / NKT đã thực hiện nhiều công tác ly gián, lừa địch, sử dụng các Hồi chánh viên và Tù binh chính qui Bắc Việt.

Hai Đài phát tuyến Cồn Tre tại Quảng Trị và Thanh Lam tại Huế có tầm hoạt động rộng lớn bao gồm cả lãnh thổ Bắc Việt cho đến biên giới Hoa Việt. Phần lớn các hoạt động Tâm lý chiến và phát thanh đều được cơ quan Tình Báo Hoa Kỳ tài trợ và cố vấn về kỹ thuật. Sau này, " Đài Gươm Thiêng Ái Quốc " chấm dứt hoạt động vì tình hình chiến sự và chính trị thay đổi. Đài " Mẹ Việt Nam " được nối tiếp để duy trì công tác phát thanh của Nha Kỹ Thuật.
Đại Tá Trần văn Hổ nhậm chức Giám đốc Nha Kỹ Thuật / BTTM kể từ năm 1964 cho đến tháng 8 năm 1968. Chính trong thời kỳ này rất nhiều kế hoạch và hoạt động đặc biệt nhằm vào lãnh thổ miền Bắc được thực hiện. Sau vụ tấn công của Cộng Sản vào Tết Mậu Thân và các cuộc hòa đàm giữa Hoa Kỳ và Bắc việt tại Paris, hoạt động đặc biệt lần lần bị giảm thiểu, nhất là những công tác ngay trong lãnh thổ Bắc Việt. Các công tác này được tập trung và gia tăng tại các vùng giáp tuyến và các vùng biên giới Lào Việt, Miên Việt. Đại Tá Đoàn văn Nu được Đại tướng Tổng Tham mưu Trưởng bổ nhiệm làm Giám đốc thay thế Đại Tá Trần văn Hổ vào khoảng tháng 8 năm 1968 và tiếp tục chỉ huy Nha Kỹ Thuật cho tới ngày cuối cùng của Nha.
Trong thời kỳ này, tình hình chiến sự và chính trị thay đổi, đặc biệt nhất là đường lối của Hoa kỳ đối với chiến trường Việt Nam không còn quyết tâm như trước, do đó các công tác đặc biệt không còn được hỗ trợ mạnh mẽ như trước năm 1968. Tuy vậy, Nha Kỹ thuật / BTTM vẫn tiếp tục thực hiện nhiều thành tích đáng kể. Các Toán hoạt động tuy không phải xâm nhập vào lãnh thổ Bắc Việt hoặc sâu vào biên giới Lào Miên, được trực thăng vận ngay vào các khu vực địch kiểm soát. Các cuộc hành quân này cũng không kém phần quan trọng và còn nguy hiểm hơn nhiều. Các Toán này đã gây trở ngại và làm chậm mức xâm nhập của Cộng Sản trong mưu đồ xâm lược miền NAM Việt Nam.
Các Toán hành quân của Nha Kỹ thuật, dù thuộc một đơn vị nào cũng luôn luôn chứng tỏ tinh thần dũng cảm, đầy nhiệt huyết, xem sự chết nhẹ tựa lông hồng, chiến đấu oai hùng trong mọi nguy hiểm và hoàn cảnh khó khăn. Cuộc chiến đấu chống Cộng tuy đã chấm dứt vào cuối tháng 4 năm 1975, nhưng tinh thần của cuộc chiến và những giờ phút oai hùng đó không dễ gì phai mờ trong tâm trí cũa những Cựu Chiến Sĩ Nha Kỹ Thuật này.

Viết tại Winston-Salem, North Carolina
Cựu Quân nhân Trung Tá Lữ Triệu Khanh
Thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM


No comments:

Post a Comment