Thursday, July 9, 2009

Biệt Kích Nhảy Bắc trong cuộc chiến Việt Nam (Tiếp theo và hết)

Biệt Kích Nhảy Bắc trong cuộc chiến Việt Nam (Tiếp theo và hết)
Friday, July 06, 2007


Toán Hadley chụp hình tại Trung Tâm Huấn Luyện Long Thành. (Hình: Biệt Kích Nhảy Bắc cung cấp)

Nguyên Huy/Người Việt

Bài V: Một vài suy nghĩ về những chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc

Trong bút ký “Bè bạn gần xa” của ký giả Lô Răng, tức cựu Trung Tá Phan Lạc Phúc, một ký giả tên tuổi trong làng báo Việt Nam trước năm 1975, ông đã viết về những chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc mà ông gọi là biệt kích dù như sau: “Chúng tôi đi cải tạo sau Tháng Tư đen năm 1975, dù đớn đau khổ nhục đến đâu vẫn có tên, có tuổi, hàng tháng, hằng quý vẫn còn liên lạc được với gia đình. Anh em, bè bạn ở nước ngoài vẫn còn để mà theo dõi. Những anh em biệt kích dù thì đúng là “thượng diệt, hạ tuyệt”, không có quân bạ, quân số, không có tên tuổi nào được đăng ký, không có chính phủ nào, quân đội nào công nhận có những con người ấy ở dưới tay. Không được liên lạc với ai, coi như không còn hiện diện trên trái đất. Ở trên trời rơi xuống Bắc Việt vào đầu thập niên 1960 thời Ðệ I Cộng Hòa, những anh em biệt kích dù đã tham dự một cuộc chiến tranh tối mật (secret war). Những người tình nguyện tham gia cuộc chiến này đã tự coi như mình đã chết. Nhảy xuống, tìm được địa bàn hoạt động, trà trộn được, ẩn dấu được là sống là thi hành xong nhiệm vụ, nếu bị lộ, bị bắt, bị giết thì ‘anh tự lo liệu cho cái thân anh, không có cơ quan nào, tổ chức nào đứng ra can thiệp hay bảo trợ cho anh được.’ Những người từ ‘đứt dây rơi xuống’ này không được hưởng chút quyền lợi nào từ Quy Chế Tù Binh (Geneve). Các cơ quan nhân đạo quốc tế như Hội Hồng Thập Tự, Hội Ân Xá Quốc Tế cũng không biết làm sao can thiệp vì các anh đâu có quân bạ, quân số, đâu có tên có tuổi được đăng ký hợp pháp ở một chính phủ nào.”

Những nhận định của ký giả Lô Răng quả là chính xác và đúng thực tế về “thân phận” người lính Biệt Kích Nhảy Bắc.

Họ có được biết không?

Chắc chắn là có. Bởi khi được tuyển mộ, họ đã được các sĩ quan trưởng công tác cho biết nhiều lần tùy từng giai đoạn để không bị tiết lộ bí mật quốc phòng. Ngay cả trước khi vào khu cấm họ vẫn có quyền từ chối công tác, chỉ phải chịu một vài biện pháp về an ninh để bảo vệ an toàn cho toán.

Vậy thì lao vào chốn hiểm nguy có phải vì quyền lợi vật chất dành cho người lính can trường này không? Cũng không. Vì ngoài một số tiền thưởng lúc gia nhập (giống như tiền đầu quân thuộc các đơn vị khác) là 15,000 đồng VNCH (vào thời điểm đó một tô phở giá 5 đồng), những chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Bắc cũng chỉ được ăn lương theo như các đơn vị khác của Nha Kỹ Thuật.

Không thể phủ nhận được lý tưởng của những người chiến sĩ này. Họ ra đi vì mong cho người dân, đồng bào của họ thoát được ách cộng sản và có được cuộc sống no ấm như ở miền Nam.

Chuyện ấy không phải là lý thuyết, là tôn xưng tâm lý chiến, là sự vinh danh quá lời. Thực tế, khi họ bị sa cơ, bị bắt, bị cầm tù, bị tra khảo, cực hình nhưng hầu hết họ vẫn can trường, vẫn giữ được lập trường, không đầu hàng địch, không làm tay sai cho địch.

Viết về tinh thần này, ký giả Lô Răng nhận xét: “Trên thực tế, anh em biệt kích dù suốt 20 năm tù đày gian khổ, vẫn tuân hành tuyệt đối mệnh lệnh của vị chỉ huy của họ, Ðại Úy Nguyễn Hữu Luyện. Ðây là một con người huyền thoại. Chúng tôi nghe đến tên anh từ lâu nhưng chưa bao giờ được gặp, vì anh không đi lao động ở ngoài...”

“Ðây là người tù sau 20 năm bị bắt vẫn còn tuyên bố: ‘Tôi Nguyễn Hữu Luyện, đại úy QLVNCH... tôi chưa thua các anh. Tôi mới thua một trận, chưa thua cuộc chiến này.’”

Trong tập “Sơ Lược Kỷ Yếu” Biệt Kích Nhảy Bắc có đoạn kể rằng: “Từ những ngày còn ở trong nhà tù cộng sản, Biệt Kích Nhảy Bắc đã mang một nếp sống ‘lá lành đùm lá rách,’ biết bảo nhau, biết nghe nhau. Những nét vàng son đó đã được cán bộ coi tù tại các trại ghi nhận là nguy hiểm và áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng Biệt Kích Nhảy Bắc vẫn thầm lặng duy trì nếp sống riêng của mình.”

Với người viết loạt bài này, khi đi tù cải tạo ở ngoài Bắc, tôi đã có thời gian cùng chung trại tù với một số Biệt Kích Nhảy Bắc, đó là trại Thanh Lâm vào năm 1978. Nhiều anh em Biệt Kích Nhảy Bắc lúc này đã được cộng sản “thả lỏng” và được gọi là “công nhân.” Bởi sau trên dưới 20 năm trong ngục tù cộng sản, anh em hoàn toàn mất liên lạc với gia đình nên khi được thả cũng không biết về đâu và cứ nấn ná quần tụ lại với nhau ngoài trại tù trở thành những “công nhân” bất đắc dĩ cho bọn cán bộ coi trại.

Qua đôi lần được tiếp xúc lén lút, chúng tôi nhận thấy tinh thần anh em còn rất cao mặc dù nhiều người chỉ có trình độ nhận thức tiểu học. Họ vẫn một niềm kính trọng các anh em sĩ quan, dù chúng tôi có yêu cầu họ coi chúng tôi như anh em đồng tù. Tuy vậy, đối với những ai tỏ vẻ thân thiện hoặc cam tâm làm tay sai cho bọn cán bộ trại là họ phản ứng khinh miệt ra mặt.

Trại Thanh Lâm có 10 cựu quân cán chính cao cấp của VNCH trong đó có cựu Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, được cộng sản coi như thuộc “ban quản trị” của trại mà cộng sản gọi là Công Trường Thanh Lâm để lừa dối cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) viện trợ cho dụng cụ và thực phẩm. Mười vị quan chức này được ở riêng trong một căn nhà lá bên ngoài trại gần khu cán bộ coi trại. Anh em biệt kích đã không ngớt nhắn gởi cho họ rằng: “Chỉ xin các vị giữ lấy tư cách làm người, chẳng cần phải là tư cách của một sĩ quan cao cấp hay một công chức thuộc hàng lãnh đạo.”

Thái độ của anh em biệt kích ở trại Thanh Lâm, khoảng 30 người, đã làm chúng tôi hết lòng nể phục, nhất là anh em lại hay nhắc nhở đến người sĩ quan mà họ coi là lãnh đạo, Ðại Úy Nguyễn Hữu Luyện đang trong kiên giam tại trại Thanh Phong, cách Thanh Lâm mấy chục cây số đường rừng.

Nhắc lại chuyện người lính Biệt Kích Nhảy Bắc, qua một vài cuốn sách người Mỹ viết và qua những hồi ức một thời có liên quan đến công tác này, lòng tôi chợt cảm thấy bùi ngùi xót thương cho, không chỉ thân phận những người lính Biệt Kích Nhảy Bắc, mà chung cho cả những người lính QLVNCH, chung cho cả dân tộc Việt Nam, khi mà nhu cầu phục vụ cho quyền lợi nước Mỹ không cần thiết nữa thì bạn bè đồng minh gì cũng bị bỏ rơi hết mà người lính Biệt Kích Nhảy Bắc là một hình ảnh tượng trưng cụ thể nhất cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Chúng ta, những người lính một thời nói chung và cộng đồng người Việt tị nạn nói riêng không biết có còn nghĩ đến cái “thân phận” ngày nào ấy không mà sao vẫn chưa nắm được tay nhau kết thành một khối để “lá lành đùm lá rách,” bảo ban giúp đỡ nhau như anh em Biệt Kích Nhảy Bắc đã làm được khi còn trong các trại tù của cộng sản suốt mấy chục năm trời. (N.H.)

Lời ghi chú: Hôm nay Thứ Bảy 7 Tháng Bảy, 2007, vào lúc 5 giờ chiều tại nhà hàng Emerald Bay, 5015 V W. Edinger Avenue, Santa Ana, hơn 100 Biệt Kích Nhảy Bắc từ khắp nơi trên thế giới sẽ về họp mặt “lần đầu cũng là lần chót” để cùng nhau làm một cái lễ truy điệu những anh em đã chết trong tù, khi chiến đấu cũng như khi ra tù. Ðồng thời đây cũng là dịp để anh em gặp gỡ hàn huyên chuyện mới chuyện cũ để tìm những thông cảm thương yêu nhau như ngày còn trong ngục tù cộng sản.

Quí độc giả Người Việt có thể đến cùng anh em chung vui một buổi họp mặt hiếm có này.

No comments:

Post a Comment