Thursday, July 9, 2009

Chuyện Mật Của Một Đơn Vị Mật: Tuyển Mộ&Huấn Luyện Biệt Kích


LTS: Sau bài lịch sử người nhái của Nha Kỹ Thuật đã được đăng trong số báo ra ngày Thứ Bảy, 17 tháng 4/99, tòa soạn nhận được thêm chi tiết về nhiều “bí mật một thời” của các chiến sĩ Biệt Kích Quân của Nha Kỹ Thuật KT, do cựu Trưởng Công Tác Nguyễn Vinh viết lại. Xin mời độc giả theo dõi những bí mật của một đơn vị tham dự chiến tranh bất quy ước của QLVNCH, từ việc tuyển mộ, huấn luyện, xâm nhập, tiếp tế tới triệt xuất... của những toán biệt kích trên khắp các chiến trường Nam Bắc Việt Miên Lào, như sau.
Nhiệm vụ của NKT thay đổi tùy theo thời gian cũng như tình hình của địch. Trong thời kỳ khởi đầu đến cuối năm 1963, Sở Bắc hay phòng E-45 gởi nhiều toán điệp báo ra Bắc để thu nhập tin tức cũng như để liên lạc với một số nhân vật chống cộng có uy tín còn ở lại miền Bắc với mục đích tạo cơ sở nằm vùng, xây dựng ngầm một lực lượng nổi dậy làm đầu cầu cho đoàn quân Bắc Tiến Giải Phóng Miền Bắc khi tình hình chính trị cho phép.
Sau chính biến 1963, tiếp tục xâm nhập các Toán Biệt Kích qua đường hàng không, và Biệt Hải qua đường biển. Sở Phòng Vệ Duyên Hải (SPVDH) được tăng cường các chiến dịch PTF. Sở Tâm Lý Chiến (STLC) phát triển mạnh mẽ hệ thống phát thanh các công tác Chiến Tranh Chính Trị. Hai sở này hợp tác thả rất nhiều tặng phẩm cho dân chúng miền Bắc. Quà tặng thường là các nhu yếu phẩm, máy thâu thanh để đồng bào có thể nghe tiếng nói của Đài Tự Do, đài Gươm Thiêng Ái Quốc. Các tặng phẩm thường được thả dù từ phi cơ hoặc từ ngoài biển trôi vào. Trong thời gian này một số khá đông người dân miền Bắc được tàu của SPVDH đưa về một đảo bí mật thuộc “Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc” chiếm đóng. Ở đó họ được hướng dẫn đường lối giải phóng của phong trào rồi được giao phó vài nhiệm vụ khi họ trở về địa phương mình.
Ngoài ra STLC cũng dùng đài phát thanh để nhắn tin gia đình cho các Toán đang hoạt động tại miền Bắc. Vì biết chắc phía địch cũng đang theo dõi các buổi nhắn tin này nên Đoàn 68 đã lồng vào việc phát thanh nhắn tin gia đình cho các Toán có thật cũng như các Toán giả tạo, và để tăng thêm ngờ vực cho đối phương. Trung ương đã cho máy bay thả những kiện hàng tiếp tế xuống vùng các toán giả tạo, trong kiện hàng, ngoài vật dụng thường tiếp tế cho các Toán có thật còn có chứng từ giả tạo của gia đình, thân nhân gửi cho từng người trong Toán. Trong nhiệm vụ lừa địch còn có những Toán giả tạo xâm nhập vào những vùng hẻo lánh miền Bắc mà sự thật chỉ là 5,7 chiếc dù được cột vào tảng nước đá, với thời gian nước đá sẽ tan, chỉ còn những chiếc dù lơ lửng trên cây hoặc trên bờ bụi, khiến địch lầm tưởng đã có toán xâm nhập thật và huy động người đi lùng kiếm. Còn nhiều công tác ly gián bằng cách xử dụng các hồi chánh viên cũng như các tù binh chính quy Bắc Việt.
Trong thời kỳ từ 1969 đến 1975, tình hình chiến sự trở nên ác liệt hơn sau khi bộ đội Bắc Việt tấn công miền Nam, các Toán NKT tăng phái nhiều thêm cho Quân Đoàn để thám sát sau hậu tuyến địch, cung cấp những tin xác thật để khai thác.



TUYỂN MỘ
Để thi hành hiệu quả những nhiệm vụ khó khăn và cấp thời, việc tuyển mộ nhân viên để thi hành các kế hoạch trên đòi hỏi một sự cân nhắc lựa chọn hết sức tỉ mỉ.
Trước tiên, Toán viên công tác hay nhân viên nằm vùng phải hội đủ điều kiện học vấn, có khả năng về quân sự, hiểu biết về công tác bí mật và nhất là Tóan viên phải là người đã từng sống tại các vùng hoạt động là điều rất may mắn - vì như chúng ta đã biết, ngành tình báo nhân dân trong vùng cộng sản chiếm đóng rất bén nhạy - mọi sơ hở dù nhỏ bé đến đâu đều có thể làm cho Toán bị bại lộ. Do đó, nhân viên hoạt động nằm vùng phải hết sức thận trọng mỗi khi phải tiếp xúc với dân địa phương. Ngoài ra Toán viên phải thông suốt ngôn ngữ, tập tục cũng như màu sắc ăn mặc của người địa phương để bảo Toàn an ninh cho Toán.
Vì những lý do trên, nguồn nhân lực cung cấp cho Toán nằm vùng tại miền Bắc trước tiên là những quân nhân trong quân đội, những người đã sinh sống tại vùng mục tiêu, đã được huấn luyện nhuần nhuyễn đầy đủ về quân sự và sẵn có một tinh thần yêu nước và chống cộng triệt để, tiên khởi là Liên Đội quan sát I.
Nguồn nhân lực thứ hai là những thanh niên miền Bắc, di cư vào Nam sau Hiệp Định Genève, họ đã căm thù cộng sản và hiện sống tại các khu định cư Hố Nai, Canh Lâm, Ngã Ba Ông Tạ v.v...
Nguồn nhân lực thứ ba là các thanh niên thuộc các Bộ Lạc Sắc Tộc chống cộng đã phải di cư sang Lào hay vào Nam đang sống tại Tùng Nghĩa, Đức Trọng hay làng Hòa Bình ở Ban Mê Thuột.
Sau nầy, vào năm 1968, sau Tết Mậu Thân, nhiều Toán Phượng Hoàng và nhiều điệp viên Singleton đã được tung vào nội địa Kampuchia - để theo dõi hoạt động của đối phương. Việc tuyển mộ các Toán viên nầy được chọn lựa trong số Toán viên người Kampuchia thuộc lực lượng Mike Force của Mỹ và những thanh niên đang phục vụ trong đội Thám Sát P.R.4 tại Tây Ninh. Họ được huấn luyện thêm về công tác điệp viên và sau đó với vỏ bọc Việt Kiều buôn bán, tại chợ trời Gò Dầu Hạ hay Phước Tân. Họ được trang bị đầy đủ thẻ tùy thân, thẻ đảng viên Đảng “Sangum” là đảng của Sihanouk đang có thế lực ở Kampuchia.
Với những giấy tờ giả mạo do phía Hoa Kỳ cung cấp, họ di chuyển rất dễ dàng đến các mục tiêu chỉ định, nơi Việt Cộng đang chiếm đóng như Mimot, Kreek, Kratíc Ba Thu và hải cảng Sihanoukville là hải cảng xâm nhập vũ khí từ miền Bắc.
Cũng vào năm 1968, sau Tết Mậu Thân, nhiều cán binh bộ đội miền Bắc ra hồi chánh, Hoa Kỳ và Nha Kỹ Thuật đã phải khai thác đúng lúc lực lượng mới nầy, Đ 68/NKT đã phái người đến Trung Tâm Chiêu Hồi tiếp xúc để tuyển chọn cán binh chiêu hồi, thành lập nhiều toán Đề Thám.
Sau khi được huấn luyện, các cán binh chiêu hồi được trang bị như các binh sĩ trong Bộ Đội Miền Bắc. Họ được nhảy dù hoặc trực thăng vận hoặc xâm nhập vào đất Miên hoặc Lào, từ các đồn biên giới của LLĐB để thám sát hay đột kích vào các căn cứ địa của cộng sản, một số lớn Đề Thám đã hoạt động rất đắc lực, có Toán đã giải cứu tù binh Mỹ và Việt đang bị Việt Cộng giam giữ tại đất Miên.



HUẤN LUYỆN
Vì nhiệm vụ mà mỗi toán viên sắp đảm nhiệm, nhiệm vụ tối quan trọng, do đó việc huấn luyện cũng phải rất đầy đủ và chu đáo.
Để giảm thiểu thời gian huấn luyện, các toán viên đầu tiên được tuyển chọn trong các đơn vị quân đội. Họ được tập trung về Liên Đội Quan Sát I.
Mọi nhân viên quân đội hay dân sự đều phải trải qua phần căn bản quân sự, học nhảy dù, biết xử dụng địa bàn, bản đồ, vũ khí, vượt sông và mưu sinh thoát hiểm v.v... Mỗi Toán trước ngày xâm nhập phải có đủ:
- 2 nhân viên truyền tin còn gọi là hiệu thính viên
- 2 chuyên viên phá hoại (mìn, chất nổ)
- 1 hoặc 2 chuyên viên vũ khí
- 1 hoặc 2 chuyên viên cứu thương
- 1 hoặc 2 chuyên viên về tâm lý chiến
Trong những năm đầu, các Toán được ăn ở và được huấn luyện tại các nhà an toàn (mỗi Toán một nhà riêng) vì lý do ngăn cách cũng như để bảo mật tối đa cho công tác.
Đầu năm 1963, vì nhu cầu thành lập cấp bách, các Toán xâm nhập miền Bắc, nhà an toàn không có đủ để chứa các Toán mới. Do đó một trung tâm huấn luyện được thành lập tại Long Thành, Biên Hòa và lấy tên là trại Demo hay Trung Tâm Huấn Luyện Phá Hoại. Vài tháng sau, trung tâm này đổi tên là trại Yên Thế. Tất cả mọi Toán đều tập trung về trại này để huấn luyện, vì nơi đây có sân bay, có đầy đủ phương tiện để huấn luyện và thực tập.
Các Huấn Luyện Viên gồm một số sĩ quan trẻ ưu tú được tuyển chọn trong quân trường và được chuyên viên Hoa Kỳ trau dồi thêm phần chuyên môn. Ngoài số HLV Việt Nam, còn có nhiều Huấn Luyện Viên dân sự người Mỹ trong đơn vị tình báo mang tên Combined Studies do Tòa Đại Sứ Mỹ phái đến, cùng một Toán chuyên viên quân sự của LLĐB Hoa Kỳ cũng được tăng phái để hỗ trợ cho việc huấn luyện các biệt kích.
Sau khi được thành lập và bổ sung đầy đủ chuyên viên, các Toán được thực tập xâm nhập đêm vào một vùng rừng núi xa lạ với trang bị đầy đủ, không khác gì khi Toán xâm nhập vào miền Bắc trong tương lai. Trong mỗi lần thực tập đều có Trưởng công tác Việt và Mỹ tham dự để đánh giá khả năng của Toán và rút tỉa kinh nghiệm vùng rừng núi Bun-Enao, Bun-Sa-Pa, Dan Gia, Deep, Khâm Đức là những vùng rừng núi thuận tiện và thích hợp cho việc thực tập này. Cũng trong thời gian thực tập, thường kéo dài một tuần lễ. Mọi công tác Toán sẽ áp dụng tại miền Bắc đều đem ra thực tập như liên lạc tầm xa, lập căn cứ an toàn, chọn bãi và nhận tiếp tế v.v…
Số tới: Biệt Kích Hành Quân

Chuyện Mật Của Một Đơn Vị Mật: Biệt Kích Hành Quân Ra Bắc


II. Trước ngày tháng xâm nhập mỗi Toán được tập trung tại “khu cấm” để chờ lệnh hành quân. Được gọi là “khu cấm” vì nơi đây chỉ dành riêng cho toán sắp hành quân, mọi người không phận sự không được vào khu nầy.
Sau khi thu nhập đầy đủ tin tức về thời tiết cũng như về an ninh tại vùng mục tiêu, lệnh hành quân được ban hành.
Toán hành quân được cấp phát đồ trang bị cho cá nhân. Mỗi toán viên thường được cấp phát trang bị như sau:
- 1 Áo vest mang vào người để đựng các đồ trang bị cho cá nhân
- 1 súng tiểu liên Thụy Điển hoặc tiểu liên Sten của Anh hoặc Uzi của Do Thái hoặc tiểu liên Đức có nòng giảm thanh và ba băng đạn.
- 1 súng lục 9 ly của Thụy Điển
- 1 bi đông nước
- 1 túi cứu thương cá nhân
- 1 bộ đồ...
- 1 dao găm
- 1 mũ nồi
- 1 bộ đồ bà ba đen hoặc nâu
- 1 đôi giày nhảy
- 1 dao bỏ túi
- 1 pen place
- 1 kính chiếu để liên lạc với phi cơ hay trực thăng
- 1 đèn pin để di chuyển trong đêm
- 1 máy radio National
- 1 bao thuốc lá Aka và diêm quẹt
- 1 lược chải đầu
- 1 bàn chải đánh răng và thuốc đánh răng
- 1 bản đồ
- 1 địa bàn
- 1 cuốn sổ và bút chì
- 1 gamen
- 1 đồng hồ đeo tay hiệu Rado hoặc Seiko
- 1 chai thuốc trừ muỗi hay vắt
- 1 toile de tent
- 1 mền ngủ
- 1 túi xắc mang trên vai
- 1 panneau để liên lạc với phi cơ
- và 3 ngày lương thực dự trữ cho mỗi cá nhân
Riêng Trưởng Toán còn được cấp phát một 6.35 và hai nhân viên truyền tin còn phải mang theo máy truyền tin RC 1 khá nặng nhảy dù theo người. Đó là trang bị cá nhân.
Trang bị cho toán, nằm trong các kiện hàng thường có:
- 3 tháng lương thực dự trữ cho các Toán
- Máy truyền tin RC 1 (dự trữ)
- 3 tháng đạn dự trữ
- Áo quần, mền dự trữ
- Thùng đồ phá hoại
- Bộ đồ hớt tóc
- Thùng thuốc chữa trị các bệnh thông thường
Sau khi mỗi toán viên đã nhận lãnh và sắp xếp đồ trang bị áo veste và túi xắc mang vai của mình, Toán sẽ tập trung để nhận lệnh hành quân.
Trưởng công tác Mỹ và Việt thuyết trình chi tiết về lệnh hành quân và thường kèm theo không ảnh vùng mục tiêu để Toán biết vùng mới sắp nhảy dù xuống. Sau đó toán Trưởng sẽ thuyết trình lại cho toán viên, cùng lúc Trưởng Công Tác Việt Mỹ có cơ hội nhận xét và bổ khuyết thêm nếu xét ra cần thiết.
Sau khi nghe xong thuyết trình, Toán được đưa vào sân bay Tân Sơn Nhứt hoặc sân bay Long Thành.
Từ Long Thành hay sân bay TSN, Toán sẽ được không vận đưa ra sân bay Đà Nẵng. Tại đây, đợi lúc trời tối, phi cơ cởi bỏ mọi huy hiệu, bay ra biển, và từ biển bay thẳng đến vùng mục tiêu. 10 phút trước giờ bãi nhảy n/v PD0 theo Toán, sẽ báo hiệu- mọi người gắn móc dù mình vào dây cáp và đợi đèn xanh. Toán viên theo thứ tự gấp rút nhào ra cửa phi cơ để xâm nhập vùng địch.
Cũng có nhiều lúc toán xâm nhập miền Bắc sử dụng sân bay UDON hay NAKOR-PHANOM ở Thái Lan. Tuy nhiên mọi công tác xâm nhập miền Bắc bằng trực thăng vận sau nầy đều xử dụng hai sân bay nói trên.



Trường hợp xâm nhập bằng trực thăng: Việc xâm nhập được thi hành như sau.
Sau khi toán được không vận từ Long Thành hay từ TSN đến UDON hay NAKOR- PHANOM, toán sẽ lên trực thăng loại CH1 (là loại có trữ lượng nhiên liệu lớn có thể bay xa mà không cần tiếp tế nhiên liệu) và được trực thăng vận băng qua không phận Lào để tiến vào vùng mục tiêu trong lãnh thổ Bắc Việt. (Có lúc vì mục tiêu quá xa, trực thăng CH1 phải đáp xuống căn cứ bí mật của tướng Vang-Pao để nhận tiếp tế nhiên liệu).
Hầu hết mọi cuộc xâm nhập bằng trực thăng vào lãnh thổ miền Bắc thường xảy ra lúc xế chiều. Trái lại các toán xâm nhập bằng nhảy dù đêm, chỉ được xâm nhập vào những đêm có trăng và mùa trăng bắt đầu từ ngày 10 đến ngày 20 âm lịch.
Như trên đã trình bày mỗi nhân viên công tác đều được trang bị một radio nhỏ, không những để giải trí khi nhàn rỗi mà nhất là để giúp toán viên dễ dàng tập trung sau khi cánh dù của họ xuống đất. Mọi người đều biết chiếc dù T-10 rất khó điều khiển khi gió lớn, do đó có lúc gió kéo dù rời xa bãi đáp năm bảy trăm thước. Vì lý do trên, Trung Ương phải trang bị một máy beacom, máy này được đặt trong kiện hàng chính, được đẩy ra phi cơ cùng lúc với Toán xâm nhập. Lúc xuống đất mỗi toán viên sẽ mở máy radio của mình và di chuyển tập trung theo tín hiệu của máy beacom đặt ở kiện hàng chính.
Ngoài những phương cách xâm nhập biệt kích bằng đường hàng không, sở Bắc còn cho xâm nhập nhân viên bằng đường biển, hoặc đường bộ, hoặc xâm nhập chính thức vào miền Bắc từ một nước thứ ba. Vì lý do bảo mật và ngăn cách công tác, nên người viết bài này không biết rõ hết chi tiết, xin được miễn trình bày.
TIẾP TẾ
Như trước đây đã trình bày. Mỗi toán khi xâm nhập thường phải đem theo ba tháng lương thực và súng đạn cũng như chất nổ. Tuy nhiên Trung Ương thường phải tiếp tế cho Toán trước thời hạn. Về lựa chọn bãi thả có lúc do Toán thám sát xong và báo cáo về T.W. Cũng có lúc T.W dựa vào phi cơ ảnh hoặc bản đồ chỉ thị cho Toán đến thám sát và báo cáo về T.W.
Điều kiện cần thiết khi chọn bãi thả gồm có:
1. An toàn, xa làng xã, xa các trục lộ
2. Rộng, dài, đất bằng càng tốt
3. Hướng gió thổi nhẹ, nếu chọn thung lũng càng tốt
Sau khi nhận báo cáo tham sát bãi thả của toán, Trung Ương sẽ cho toán biết quyết định của Trung Ương về:
1. Ngày giờ máy bay đến bãi thả
2. Hướng máy bay sẽ đến
3. Toán phải đánh dấu bãi thả như thế nào
(Chữ T năm ngọn đèn Pin, hay pháo hiệu hoặc chữ L v.v...)
4. Số kiện hàng được tiếp tế
Mọi toán khi nhận được tiếp tế hàng không đều biết:
1. Giờ bãi thả là giờ máy bay đến tận nơi bãi thả
2. Luật chỉ cho phép toán đánh dấu hiệu bãi thả trước 5 phút và kéo dài thêm 5 phút sau giờ bãi thả. Phi cơ có đến bãi thả sẽ không thả tiếp tế nếu toán không đánh dấu hay đánh dấu sai. Phi cơ sẽ không được quay lại lần thứ hai trên bãi thả nếu không thấy dấu hiệu của toán vào giờ ấn định.
Việc tiếp tế cho các toán ở miền Bắc cũng chỉ được thi hành vào mùa trăng, tức khởi sự từ 10 đến 20 âm kịch mỗi tháng. Tuy vậy, cũng có vài trường hợp đặc biệt như toán Hector của Đại Uý Luyện năm 1966- vì toán này bị lộ, bị địch bao vây, bị mất máy truyền tin riêng, phóng pháo cơ của TW đã đến giải vây, cùng lúc đã bắn nhiều thùng containers để tiếp tế lương thực và đạn dược. Toán Ares hoạt động tại vùng Quảng Yên (Hải Phòng) thường nhận tiếp tế bằng đường biển, những năm 67,68, hải cảng Hải Phòng bị Hoa Kỳ phong tỏa bằng ngư lôi nên Trung Ương không thể tiếp tế cho Toán bằng đường biển như trước, vì thế toán được tiếp tế bằng đường hàng không theo chỉ thị như sau:
Vào “ngày N giờ G” quy định, Toán sẽ đánh dấu bãi thả bằng ba ngọn khói hình tam giác đều cạnh trên một thửa ruộng khô ở tọa độ ấn định. Đến giờ ấn định, một đoàn phóng pháo cơ sẽ bay lượn bắn phá vùng hải cảng Hải Phòng, cùng lúc một chiếc sẽ bắn xuống bãi thả của Ares hai container lương thực và súng đạn. Trong kiện hàng còn có 10 khâu vàng 24 cara để toán trao đổi mua bán với người địa phương.
TRIỆT XUẤT
Trước năm 1963-1964, mọi toán công tác miền Bắc nếu được triệt xuất, họ chỉ có thể băng qua lãnh thổ Lào và trình diện với cấp Chỉ Huy Trưởng của Tướng Vang-Pao để xin hỗ trợ. Hoặc di chuyển đường bộ về Nam băng qua sông Bến Hải và vùng phi quân sự. Trường hợp sau nầy chỉ thành công khi toán di chuyển từng người một.
Nhưng từ năm 1965 trở đi, việc triệt xuất toán về Nam được thi hành dễ dàng hơn bằng hai cách sau đây.
1. Triệt xuất bằng trực thăng
Đến ngày giờ ấn định đã được báo trước cho Toán. Hai trực thăng xuất phát từ phi trường UDON hoặc NAKOR- PHANOM ở biên giới Thái-Lào. Có lúc bay thẳng tới vùng triệt xuất. Có lúc vì đường bay quá xa, phi cơ trực thăng phải đáp xuống căn cứ bí mật của tướng Vang-Pao để nhận tiếp tế nhiên liệu, xong trực thăng mới bay xâm nhập vào vùng triệt xuất. Sau khi đã liên lạc được với Toán, Trưởng Công Tác báo về cho Trưởng Công Tác Hoa Kỳ và sau đó hai khu trục được bay đến để yểm trợ cho việc triệt xuất. Sau khi khu trục bắn phá và tạo một vùng an ninh vây quanh, Toán được triệt xuất. Một trong hai trực thăng sẽ đáp xuống bãi để triệt xuất Toán.
2. Triệt xuất bằng C 130, còn được gọi là Sky-Hook.
Toán hoặc nhân viên được triệt xuất, trang bị mỗi người một túi xách trong đó có bình hơi và bong bóng khá lớn- Đến giờ quy định đã được báo trước, nhân viên được triệt xuất bấm bình hơi, bong bóng sẽ căng và bay lên trời, dây ny lông có sẵn, nối liền bong bóng và nhân viên được triệt xuất. Phi cơ C.130 được trang bị thêm hai râu trước mũi bay đến và kẹp mạnh vào dây nylon và bắt đầu kéo nhân viên được triệt xuất vào. Phương cách triệt xuất này cũng thường được áp dụng để cứu các phi công bị bắn hạ tại Bắc Việt.
LIÊN LẠC
Các Toán họat động tại miền Bắc liên lạc về TW bằng máy RC1, một loại máy có tầm họat động rất xa, tuy nhiên rất cồng kềnh và khá nặng.
Để bảo đảm an ninh cho việc liên lạc, mỗi Toán đều có đặc lệnh truyền tin riêng rẽ, và mỗi hiệu thính viên của Toán cũng có riêng nhóm an ninh của mình, mà chỉ có phòng truyền tin Trung Ương mới được biết, và sĩ quan Trưởng Công Tác của Toán cũng không có quyền tìm hiểu. Mỗi nhân viên trước khi đi công tác, nhịp đánh “manip” của mỗi hiệu thính viên được ghi băng, đề phòng lúc địch xâm nhập vào hệ thống, nhịp điệu thật hay giả được đối chiếu.
Mọi điện văn sau khi mã hóa chỉ được chuyển về TW qua nhiều tầng số. Không khi nào quá 5 phút ở một tầng số. Các điện văn gửi về TW không khi nào được gửi trực tiếp mà phải qua đài “BUZZ” ở Phi Luật Tân và sau đó đài BUZZ mới chuyển về TW tại Sài Gòn.
- Các Toán Hồi Chánh còn gọi là Toán Đề Thám được thành lập năm 1968, cũng như các Toán Phượng Hoàng người Miên đều được trang bị máy truyền tin nhỏ hơn để dễ di chuyển, nhưng khả năng liên lạc tầm xa luôn luôn được bảo đảm. Nếu bị trở ngại liên lạc với phi cơ bằng pháo hiệu Den Flare hoặc bằng Panel hoặc bằng kính chiếu, hoặc bằng đốt khói v.v...
- Các điệp viên hoạt động trên lãnh thổ Kampuchia
Họ liên lạc về TW qua hộp số sống tại chợ Trời Gò Dầu Hạ, nơi người Miên và Việt tụ tập mỗi ngày để buôn bán. Nhân viên làm hộp số sống luôn có mặt tại tiệm buôn của mình được mở ngay trong chợ, để nhận báo cáo mọi lúc cần thiết.
NGUYỄN VINH

Các chiến đoàn Sở Liên lạc (SLL) thuộc Nha Kỹ thuật QL.VNCH tại mặt trận Cao nguyên đầu năm 1971



Trong loạt bài viết về các đơn vị đặc nhiệm, VB đã lược trình hoạt động của các biệt đội đặc nhiệm thuộc Nha Kỹ thuật-cơ quan tình báo chiến lược của QL.VNCH trong thời gian từ 1970-1974. Theo tổ chức, Sở Liên lạc/ Nha Kỹ thuật gồm có 3 chiến đoàn được phối trí như sau: Chiến đoàn 1 đóng tại Đà Nẵng, Chiến đoàn 2 đóng tại Kontum, Chiến đoàn 3 đóng tại Ban Mê Thuột. Các toán, các đại đội của mỗi chiến đoàn được huấn luyện để thực hiện các cuộc hành quân xâm nhập bằng không vận hoặc bằng đường bộ vào các cứ địa, mật khu của CSBV từ phía Nam vĩ tuyến 17 trở vào.
Tại chiến trường Tây Nguyên, trong năm 1971, tại Quân đoàn 2/Quân khu 2 (từ tháng 8/1970, các Vùng chiến thuật được cải danh thành Quân khu), vị tư lệnh lúc bấy giờ trung tướng Ngô Du đã liên lục cho mở các cuộc hành quân quy mô tấn công vào các mật khu của CSVN, giải tỏa áp lực địch ở biên giới. Cũng cần nói thêm rằng trước năm 1971, từ tháng 8/1970 đến tháng 12/1970, các đơn vị Dân sự chiến đấu tại 12 căn cứ biên phòng (Polei Kleng, Plei Mrong, Tieu Atar, Trang Phuc, Plei Djereng, Đức Cơ, Pleime, Bu Prang, Dak Pek, Dak Seang, Ben Het, Đức Lập đã được cải tuyển sang binh chủng Biệt động quân để thành lập các tiểu đoàn Biệt động quân Biên phòng: 62, 63, 71, 72, 80, 81, 82, 88, 89, 90, 95, 96, tất cả các đơn vị này trực thuộc quyền chỉ huy của bộ Chỉ huy Biệt động quân Quân khu 2.
Trong phạm vi và trách nhiệm của hai chiến đoàn của Sở Liên Lạc, từ tháng 1/1971, các đơn vị của Chiến đoàn 2 và Chiến đoàn 3 đã liên tục tung các đại đội xung kích xâm nhập vào những khu vực được ghi nhận là có các căn cứ hậu cần của địch. Ngay từ đầu năm 1971, tại vùng hoạt động của chiến đoàn 3, đại đội A được lệnh tấn kích một căn cứ của CQ thuộc khu vực F.701. Sau đây là diễn tiến cuộc hành quân này được ghi lại dựa theo hồi ký của vị sĩ quan đại đội trưởng (không nêu tên) phổ biến trong tạp chí KBC.
* Cuộc tấn kích căn cứ CSBV của 1 đại đội cảm tử quân thuộc Chiến đoàn 3 Xung kích/Sở Liên lạc/Nha Kỹ thuật vào đầu năm 1971
Cuộc hành quân được khởi động vào thời gian mà vị đại đội trưởng (tạm gọi là đại đội trưởng A) vừa thuyên chuyển về chiến đoàn. Mục tiêu là căn cứ tồn trử vũ khí, một bệnh viện lớn chứa hơn 100 binh lính thuộc khu vực F.071 của CSBV. Để chuẩn bị cuộc hành quân này, đại đội trưởng A phải bay không thám nhiều lần trong vùng hành quân. Ngoài việc chọn bãi thả, bãi đáp, còn phải có các yếu tố như cây cỏ, núi đồi, sông ngòi. Thậm chí phải biết hướng nước chảy, lưu lượng, độ dốc, độ sâu...
Khi đã có đủ yếu tố cần thiết, đại đội trưởng A lập sa bàn thuyết trình hành quân. Các trung đội trưởng cũng bay không thám nhiều lần trên các mục tiêu hầu có thể giúp đại đội trưởng khi cần thiết, sau cùng cho đại đội thực tập hành quân trên một địa thế tương đối giống như mục tiêu, đặc biệt là cách lên xuống trực thăng nhanh mà không loạn.
Theo kế hoạch, cứ mỗi toán 6 người, theo thứ tự từng trung đội sẽ được không vận xuống bãi đáp, thế nhưng, do chiến đoàn xung kích chỉ có 9 trực thăng H34 (còn gọi là King Bee) của Không quân VNCH biệt phái, trong khi tổng số đại đội là 144 người, đại đội trưởng A cần đến 24 chiếc để di chuyển quân. Đại đội trưởng A đưa chuyện ra bàn bạc với đại úy Nhơn, trưởng toán King Bee. Đại úy Nhơn cười: Chúng ta có sử dụng hết trực thăng của chiến đoàn cũng không đủ.
Sau cùng, chiến đoàn quyết định sử dụng Chinnok, 4 chiếc chở quân chính thức, 8 chiếc King Bee lượn nghi binh, 4 chiếc H U 1B lượn cấp cứu, 4 HU 1B võ trang, cùng với 4 Cobra yểm trợ. Trừ H34 thuộc 1 phi đoàn của Không quân VNCH, các phi cơ còn lại thuộc một đơn vị của Không lực Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có 4 F 5 luôn luôn không thám trên không phận, cộng với 4 oanh tạc cơ VN nằm tại phi trường Pleiku sẵn sàng cất cánh khi đại đội trưởng A yêu cầu.
Đại úy Nhơn thường xuyên cùng đại đội trưởng A bàn thảo về Không quân. Anh chỉ cho đại đội trưởng A biết thời gian hoạt động trên không, vận tốc bom, đạn, khả dụng của từng loại một. Vấn đề này rất cần thiết với đại đội A trong cuộc hành quân này. Để phối hợp với Không quân, đại đội trưởng A phải tính toán làm sao để lúc nào cũng có phi cơ trên đầu đại đội A. Có nghĩa là loại đánh phá bao lâu (tính bằng phút) sẽ rút thì loại khác phải thay thế liền. Cứ như vậy mà thay phiên nhau xa luân chiến theo thời gian và lời yêu cầu của cấp chỉ huy trên trận địa.
8 giờ sáng ngày N, đại đội A sẵn sàng ở phi trường Phụng Dực (gần Ban Mê Thuột). Đáng lẽ đại đội A rời phi trường lúc 9 giờ, nhưng vì thời tiết xấu nên mãi đến 11 giờ đại đội A mới được bốc. Thay vì đưa đại đội A đến căn cứ xuất phát ở trại Tiuata thì đại đội A được đưa thẳng đến mục tiêu. Do thời tiết xấu vã lại các loại trực thăng cần phải bay thấp để tránh sự quan sát cũng như phòng không của địch, còn phải lạng lách để nghi binh.
Khi đại đội trưởng A sắp xếp đội hình xong, lúc đó đã 1 giờ trưa. Đại đội A đã tiến thẳng về hướng Tây, với đội hình tam giác đi trước. Đại đội trưởng đi với trung đội 3. Trung đội 4 trừ bị sẵn sàng nhận lịnh của đại đội trưởng để thi hành bất cứ nhiệm vụ gì lúc cần.
Trên đường tiến quân, các tổ tiền sát báo cho đại đội trưởng biết họ không nhận được bất cứ một dấu vết gì chứng tỏ có địch hoạt động trong khu vực hành quân. Sau đó đại đội trưởng A nhận được báo cáo là “có một bộ xương nai, dấu mới làm thịt không quá ba ngày” và có “một con rắn lục” (đường mòn) đang sử dụng. Anh ra lệnh các toán không ai được vượt qua, phục tại chỗ, chờ đại đội trưởng A. Đại đội trưởng A cho mở cuộc phục kích chớp nhoáng, có cả mìn định hướng, đồng thời ra cho lệnh trung đội 4 chận hậu để đề phòng địch quân đánh úp từ phía sau, với khoảng cách từ 3 đến 500 mét.
Đại đội trưởng lại nhận được báo cáo là cách tổ tiền sát 50 mét có một con trăn lớn (đường xe chạy được) trâu bò (xe lớn) qua lại được, con đường rất mới. Được báo như thế, đại đội trưởng A ra lệnh: Quay về hướng đó. Phục tại chỗ. Tôi sẽ đến. Tránh ngộ nhận.
Đại đội trưởng A quyết định rút bớt 2 trung đội trong cuộc phục kích vừa rồi để phối hợp với trung đội 4 mở thêm một cuộc phục kích khác lớn hơn. Thế là đại đội A có hai cuộc phục kích mà hai tuyến đâu lưng lại với nhau. Bố trí phục kích xong thì đại đội trưởng A nghe có tiếng xe hơi “cà hự cà hự” càng lúc càng gần, mọi người hồi hộp chờ đợi. Tám chiếc xe Zin lần lượt chạy qua mặt đại đội A.
Tiếng nổ lớn, chiếc xe đầu bị hất tung cao khoảng 2 mét rồi lật úp trong làn bụi mịt mù. Trận đánh thật sự bắt đầu. Tiếng súng đủ loại, tiếng mìn nổ, tiếng la hét vang dậy cả một góc trời, bao quanh bởi núi và rừng. Cuối cùng địch quân bỏ chạy về hướng Tây, đại đội trưởng A cho lệnh truy kích bằng 2 trung đội 1 và 2. Trung đội 4 ở lại chận hậu, đồng thời thu dọn chiến trường.
Đơn vị truy kích do đại đội trưởng A chỉ huy, bất ngờ bị chận đứng lại bởi hai khẩu đại liên phòng không của địch bắn xối xả, tiện đứt những cành cây bằng cánh tay và cổ chân, ở cao độ từ 6 đến 10 mét, và cách đại đội trưởng A không quá 100 mét. Sau vài giây nhận định tình hình, đại đội trưởng A biết đây là loại phòng không đặt trên một cái dàn. Bên dưới nòng súng có một cái song ngang cản không cho nòng súng hạ xuống quá thấp (có lẽ không quá 45 độ). Đại đội trưởng A ra lệnh tấn công địch, sau 5 phút cầm cự, 2 ổ súng của CQ bị đại đội A bứng đi bằng các khẩu M 72 chống tăng.
Đại đội trưởng A chưa kịp nhìn thấy 2 khẩu súng này thì trung đội 2 báo cho biết, có khoảng 1 trung đội địch đang tiến vào vùng phục kích. Anh không hiểu tại sao toán địch này lại lọt vào ổ phục kích, chẳng lẽ địch không nghe súng nổ vừa rồi, mặc dù bị ngăn cách bởi núi rừng. Anh cho lệnh tấn công, đồng thời bốn Cobra tham chiến yểm trợ. (Ngay khi chạm địch, đại đội trưởng A đã báo ngay với trưởng toán Cobra nhưng yêu cầu ở ngoài, chỉ yểm trợ khi thật cần thiết. Nhưng với phi công Hoa Kỳ, đề nghị như vậy thì họ không thích, nên cứ cãi nhau). Vô tình đại đội trưởng A coi như bị “lưỡng đầu thọ địch”. Anh báo về Chiến đoàn và xin cho trực thăng lên để câu hai khẩu Đại liên phòng không về vì đại đội A không có khả năng mang nó theo suốt cuộc hành quân được. Tổng kết chiến lợi phẩm thu được: 2 đại liên, 24 vũ khí cá nhân đủ loại, 15 CQ bỏ xác tại trận địa. (Biên soạn dựa theo tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, tạp chí KBC, Đặc san Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù...)
VHA

Nha Kỹ Thuật



Orlando, Florida.- Nha Kỹ Thuật là một cơ quan tình báo chiến lược của QLVNCH. Đây không phải là một đơn vị tình báo thuần túy như Quân báo hay Phòng 2/TTM. Danh từ Nha Kỹ Thuật thật ra chỉ là cái tên, cái võ bề ngoài để che dấu nhiệm vụ hoạt động bí mật (underground-activities) không những đối Cộng Sản mà còn đối với các đơn vị bạn. Chính danh của Nha Kỹ Thuật/TTM là “Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ” (Unconventional Warfare). Bộ này được giao phó trách nhiệm thi hành những công tác đặc biệt, ngoại lệ hay bất quy ước, hoạt động song song với MACVSOG của Hoa Kỳ.

Vì “bí mật” nên khó có một ai tự nhận mình hiểu rõ cơ cấu tổ chức này. Theo tài liệu, cơ quan này được chính thức thành lập kể từ đầu năm 1964 và tiếp tục hoạt động cho đến cuối tháng Tư năm 1975. Sự thực thì công tác điệp báo quan trọng tại miền Bắc đã khởi sự thực hiện vào đầu năm 1961. Nhân viên điệp báo hoạt động dưới hình thức cá nhân hay từng nhóm nhỏ và được tổ chức dưới trách nhiệm của Sở Khai Thác Địa Hình/Phòng E để việc phối hợp và yểm trợ được dễ dàng và hữu hiệu hơn.

Vào năm 1964 Phòng E được tách rời khỏi Lực Lượng Đặc Biệt, được tổ chức thành Sở Khai Thác, sau đó sở Khai Thác được cải danh là Sở Kỹ Thuật . Vào năm 1965 Sở Kỹ Thuật được nâng lên thành Nha Kỹ Thuật cho phù hợp với tổ chức và nhiệm vụ.

Về tổ chức, ngoài Bộ Chỉ Huy, Nha Kỹ Thuật có chín sở, gồm hai Sở Tác Chiến (Sở Liên Lạc và Sở Công Tác) còn các sở còn lại là yểm trợ hay chuyên môn. Ngoài ra Sở Tâm Lý chiến tuy là một cơ cấu tham mưu nhưng được giao phó nhiều kế hoạch tâm lý chiến đặc biệt như điều hành các hệ thống phát thanh mật. Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng tại Long Thành đảm trách việc huấn luyện cho nhân viên công tác.

Tổ chức và nhiệm vụ của Nha Kỹ Thuật/TTM được thay đổi theo nhu cầu tình báo cũng như tình hình quân sự và chính trị, đặc biệt là đường lối của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến tại VN. SOG (Studies Operation Group) thuộc MACV được thành lập để thay thế cho cơ quan tình báo Combined Studies , có nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và yểm trợ cho Nha Kỹ Thuật trong mọi nhu cầu cần thiết để thi hành các cuộc hành quân đặc biệt.

Cơ quan MACV/SOG cũng tổ chức các toán hành quân riêng, do quân nhân thuộc Lực Lượng Đặc Biệt HK chỉ huy công tác vượt biên. Hai cơ quan MACVSOG và Nha Kỹ Thuật đã hợp tác mật thiết tại Bộ Chỉ Huy Nha cũng như tại các đơn vị trực thuộc trong suốt thời gian từ 1964 đến 1972, như chương trình OPLAN 34 (Nhảy Bắc, trước năm 1964) và OPLAN 35 (sau năm 1964). Sau đây là một vài công tác đặc biệt quan trọng của Nha Kỹ Thuật/TTM được MACVSOG yểm trợ và phối hợp hoạt động.

1.Công tác Không Vận Dài Hạn tại Miền Bắc: MACVSOG phối hợp với Nha Kỹ Thuật tiếp tục các hoạt động tình báo xâm nhập miền Bắc. Ngoài nhiệm vụ thu thập và báo cáo tin tức tình báo, các toán sẽ được giao phó công tác phá hoại và đánh phá các mục tiêu quân sự. Nhiều toán đã mất liên lạc ngay sau khi xâm nhập hoặc chỉ liên lạc với TrungƯơng trong một thời gian ngắn. Một số đã bị bắt nhưng vẫn duy trì liên lạc trong một thời gian dưới sự điều động và kiểm soát của CS.

Các toán nhỏ đã xâm nhập hoạt động tại miền Bắc trong kế hoạch tình báo đặc biệt dài hạn. Biệt kích miền Nam đã xâm nhập nhiều khu vực quan trọng tại vùng Đông Bắc như Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu… Kế hoạch, đã gây nhiều xáo trộn và lo lắng cho CS Bắc Việt.

2.Công Tác Không Vận Ngắn Hạn tại miền Bắc: Năm 1967 Nha Kỹ Thuật/SOG đặt kế hoạch tổ chức các toán hành quân ngắn hạn. Mục tiêu được ấn định là từ vĩ tuyền 17 đến vĩ tuyến 20, khoảng 120 dậm. Tùy nhiệm vụ, toán có thể 4-8 nhân viên để dễ dàng xâm nhập và triệt xuất. Thời gian hành quân có thể kéo dài từ 15 đến 30 ngày. Nhiệm vụ chính là quan sát và báo cáo mọi tin tức liên quan đến hoạt động của các đơn vị CS. Nhiệm vụ phụ là đặt mìn cá nhân, bắt cóc tù binh để khai thác tin tức và rải tài liệu tâm lý chiến trong vùng hành quân. Phương tiện xâm nhập và triệt xuất là trực thăng CH3 do các phi hành đoàn HK đảm trách. Đa số các phi vụ yểm trợ đặt tại Thái Lan.

3.Công tác Vượt Biên - Vào những năm 1964-1965 Bắc Việt ồ ạt đổ quân vào miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, dọc theo hành lang biên giới Lào-Việt và Miên-Việt. Do đó Bộ TTM và MACV quyết định tổ chức những cuộc hành quân vượt biên để quan sát và chỉ điểm mục tiêu giúp các cuộc oanh kích của Không lực HK, đặc biệt B52 được thực hiện chính xác hơn.

4. Công tác đặc biệt ngắn hạn, công tác này đựơc giao phó với nhiệm vụ tổ chức các cuộc hành quân thám sát và phá rối hậu tuyến địch. Mặc dầu thường xuyên đụng độ địch sau khi xâm nhập, các toán công tác đã thâu lượm và báo cáo nhiều tin tức tình báo có giá trị.

5.Công tác Hải Vận - Sở Phòng Vệ Duyên Hải: Được chính thức thành lập năm 1964, ngoài công tác không vận, cơ quan tình báo HK còn phối hợp và yểm trợ kế hoạch xâm nhập nhân viên điệp báo, hoạt động nằm vùng tại Bắc Việt bằng đường biển. Lúc đầu phương tiện hải vận xâm nhập vào khu vực mục tiêu bằng thuyền máy. Sau đó thuyền máy được thay thế bằng những chiến đỉnh .


6. Công tác Tâm lý chiến. Sở Tâm Ly chiến là một tổ chức rộng lớn và quan trọng, có trách nhiệm điều động một hệ thống tâm lý chiến và phát thanh mật. Kế hoạch bao gồm nhiều công tác yểm trợ trực tiếp cho phong trào “Gươm Thiêng Ái Quốc”, là một mặt trận “giả tưởng”, xuất phát từ miền Bắc. Đài Gương Thiêng Ái Quốc là một trong nhiều đài thuộc hệ thống phát thanh mật. Đài “Tiếng Nói Tự Do” là một hệ thống phát thanh hướng về Miền Bắc. Hai đài được thiết lập ở Vùng I Chiến Thuật. Đàì phát tuyến ở Thanh Lam, Huế và Cồn Tre ở Quảng Trị, gần vĩ tuyến 17. Hai đài có tầm hoạt động rộng lớn bao gồm toàn lãnh thổ miền Bắc, vượt khỏi vùng biên giới Hoa -Việt.

Sau Tết Mậu Thân, HK muốn xúc tiến hòa đàm với CS Bằc Việt nên toàn bộ công tác đặc biệt ở miền Bắc phải chấm dứt cuối Tháng 3, 1968, ngay sau khi HK quyềt định ngưng oanh tạc Bắc Việt..

Tinh thần anh dũng cũng như sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ Nha Kỹ Thuật thực sự không thể diễn tả được bằng lời nói hay bằng ngòi bút. Họ là những người đã âm thầm hoạt động trong bóng tối, âm thầm bảo vệ đất nước, quê hương VN bằng những việc làm phi thường, ngoài sự hiểu biết của mọi người. Nhân dân Việt Nam không mấy ai biết rõ về công lao đóng góp xương máu của họ, cũng chưa một ai, có một lời nhắc nhở hay vinh danh họ. Họ thực sự là NHỮNG ANH HÙNG VÔ DANH:

“ Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước…”

HÀNH-QUÂN BIỆT-KÍCH Năm Khói-Lửa 1968 / Chiến Tranh Ngoại Lệ


HÀNH-QUÂN BIỆT-KÍCH Năm Khói-Lửa 1968
- Mở Đầu
Đầu năm 1968, Khe-Sanh là một trại biên phòng Lực-Lượng Đặc-Biệt. Đơn vị SOG xử dụng trại này làm căn cứ hành-quân tiền-phương. Nơi đây trở nên tiền đồn bảo vệ phía tây vùng phi-quân-sự. Trong căn cứ có 6000 quân thuộc trung-đoàn 26 TQLC/HK và tiểu-đoàn 37 Biệt-Động-Quân QL/VNCH. Bên ngoài có sự hiện diện của 20000 quân cộng-sản Bắc-Việt. Tất cả mọi hỏa lực đều tập trung xung quanh căn cứ, pháo binh, phi cơ, kể cả B-52 yểm trợ ngày đêm. Sự có mặt, cũng như hành quân vượt biên của đơn vị SOG được bảo mật, không ai biết đến.
- Phần 2
Bên trong Khe-Sanh, đơn vị SOG gồm 50 quân nhân LLĐB/HK và khoảng 500 Dân-Sự Chiến Đấu sống dưới hầm cũng như binh-sĩ TQLC/HK chịu đựng 1500 quả đạn đại-bác, súng cối của địch bắn vào căn cứ hàng ngày. Bên ngoài Khe-Sanh, trên những ngọn đồi, tử thần rình rập, các toán biệt-kích SOG phát xuất từ căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB 1) ở Phú-Bài, xâm nhập tìm mục tiêu cho phi cơ oanh-kích, đặt máy nghe lén điện thoại, và đặt máy dò thám điện tử.
Nơi hướng tây căn cứ Khe-Sanh bên kia biên giới Lào-Việt, các toán biêt-kích SOG khác phát xuất từ 'cửa hâu' của đơn vị SOG, phi trường Nakhon Phanom (NKP) bên Thái-Lan. Tại đây, SOG có bẩy nhân viên làm việc với phi-đoàn 21 'Pony' Hành-Quân Đặc-Biệt thuộc Không-Lực Hoa-Kỳ, đơn vị anh-em của SOG phi đoàn 20 Green Hornets. Từ tháng Giêng 1967, Ponies yểm trợ cho các toán biệt-kích SOG hoạt động ngoài miền Bắc Việt-Nam, các hoạt động của cơ-quan CIA bên Lào và đến cuối năm thả các toán biệt-kích SOG xâm nhập vào đất Lào. Căn cứ bên Thái-Lan trở nên quan trọng từ đầu năm 1968 khi trực thăng của SOG không hoạt động được trên phi đạo bên trong căn cứ Khe-Sanh.
Một trong những mục tiêu thường xuyên của SOG bên Lào là rặng núi Cơ-Rốc, cao 1800 bộ về hướng tây Khe-Sanh, quân Bắc Việt, đào hầm hố, đục đá núi làm đường chuyển quân. Ngày 12 tháng Giêng năm 1968, toán biệt-kích Indiana bị phục kích trên một sườn núi. Toán chạy lạc, phân tán, toán phó là Trung-Sĩ Jim Cohron cùng hai biệt-kích Nùng tách rời khỏi toán. Phần còn lại chạy đến được một con đường mòn, tìm cách liên lạc với Cohron. Nhóm này thoát, còn nhóm Cohron mất tích.
Tình báo Hoa-Kỳ cho rằng, toán Indiana đụng phải trung-đoàn 'Đồng Nai' CSBV. Hệ thống kiểm thính bắt được tần số của địch cho biết Cohren bị địch bắt và bị hỏi cung. Cho đến nay, Hà-Nội vẫn trả lời không biết gì về người lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ, quê quán ở tiểu bang Iowa.
Cách căn cứ Khe Sanh năm dặm về hướng tây, trong bóng của rặng Cơ-Rốc bên kia biên giới là trại LLĐB Lang-Vei do Đại-Úy Frank Willoughby chỉ huy. Do áp lực của quân đội Bắc Việt vào đầu năm 1968, 282 quân biệt-kích người Thượng được tăng cường thêm một đại đội biệt kích Thượng và quân Mũ-Xanh Lực-Lượng Đặc-Biệt Hoa-Kỳ.
Phần còn lại của toán Indiana đến trại LLĐB Lang-Vei một buổi tối cuối tháng Giêng sau nhiều ngày bị địch săn đuổi trên ngọn núi Cơ-Rốc. Trưởng toán Rick Bayer thông báo cho người hạ-sĩ-quan LLĐB của trại Bill Craig rằng: Toán biệt-kích Indiana trông thấy dấu xích xe-tăng của địch! Thêm điều nữa, trong khi đi ngang qua sông Xe-Kong lúc trời xập tối, toán biệt-kích trông thấy quân Bắc Việt thăm dò mực nước sông và đánh dấu bãi chuẩn bị hành quân vượt sông. Bayer không hoài nghi chuyện quân đội Bắc Việt sẽ đem xe tăng vào chiến trường miền Nam.
Khi được đưa vào Saigon để báo cáo, Trung-Sĩ Bayer nhớ lại 'Họ cho tôi là thằng nói dóc!'. Cấp chỉ huy của anh ta trong FOB 1, Thiếu-Tá Ed Rybat cũng mất mặt không kém. 'Tụi tôi gửi báo cáo về, họ trả lời rằng không có gì hết, đó là dấu xe ủi đất'. T ôi đã phục vụ trong đơn vị Thiết-Giáp trước đây, tôi bìết thế nào là dấu xích xe tăng. 'Đó là dấu thiết vận xa lội nước PT-76 của địch'. Trong Saigon, trùm đơn vị SOG là Đại-Tá Singlaub tin rằng quân Bắc Việt chuẩn bị xe-tăng để tấn công. Bộ Chỉ-Huy Quân Viện Hoa-Kỳ MACV bỏ qua lời báo động của ông ta.
Vừa quá nửa đêm ngày 6 tháng Hai, binh sĩ TQLC nơi giao thông hào phiá tây căn cứ Khe-Sanh nghe tiếng động cơ theo gío đưa tới, nghe như tiếng cưa máy - Xe Tăng! Trong trại LLĐB Lang-Vei, mặt đất rung chuyển khi mười một chiến xa PT-76 cùng một tiểu đoàn bộ-binh Bắc Việt được pháo binh 152 ly yểm trợ tràn vào trại. Đại bác 76 ly trên chiến xa bắn xập các pháo đài bên trong. Hơn nửa Dân Sự Chiến Đấu Thượng chết tại vị trí chiến đấu, sau khi bắn hết đạn súng Carbine, đại liên vào các chiến xa đang tiến tới của địch. Lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ dùng súng cối 106 ly tiêu diệt hơn nửa số PT-76.
Trùm đơn vị SOG thông báo về vụ tấn công trại LLĐB Lang-Vei cho cơ-quan MACV, vị tướng trưởng phòng Nhì cơ quan vẫn từ chối không tin. 'Làm gì có xe tăng ở Việt-Nam'. Trong khi trận đánh nơi Lang-Vei vẫn đang tiếp diễn, đơn vị SOG trong Khe-Sanh chuyển lời cầu cứu của trại LLĐB cần viện binh. Đại-tá David Lownds chỉ huy trưởng căn cứ Khe-Sanh từ chối ' Tôi không muốn hy sinh sinh mạng người Hoa-Kỳ'. Biệt-kích SOG kể rằng 'Ông ta liếc qua tụi tôi chớp nhoáng như máy quang tuyến, rồi khước từ một cách dã man'.
'Đúng vậy, chúng tôi có thoả thuận rằng sẽ đi tiếp cứu trại LLĐB Lang-Vei trong trường hợp căn cứ này có thể bị dứt điểm' Thiếu-Tá Jim Stanton, sĩ quan điều hợp pháo-binh TQLC trong căn cứ Khe-Sanh đã xác định bằng lời nói trên. 'Tình trạng chiến đấu trong căn cứ đã xuống thấp, không ai dám bảo đảm vấn đề an-toàn cho họ'.
- Phần 3
Sĩ-quan tùy viên cho tướng Westmoreland đánh thức ông ta dậy hai lần trong đêm cho biết trận tấn công trại LLĐB Lang-Vei. Đại-Tá Francis Kelly, chỉ huy trưởng Liên-Đoàn 5 LLĐB/HK yêu cầu ông gửi quân tiếp viện cho Lang-Vei, nhưng tướng Westmoreland ngần ngại ra lệnh cho bộ tư-lệnh TQLC/HK. Cá nhân tướng Westmoreland xem chuyện từ chối không tiếp viện cho trại LLĐB do sự mâu-thuẫn giữa bộ chỉ huy MACV của ông ta và bộ tư-lệnh TQLC/HK. Ông ra lệnh triệu tập một buổi họp với các vị tướng lãnh TQLC/HK tại Đà-Nẵng sáng hôm sau.
Trong trại LLĐB Lang-Vei, quân Bắc Việt đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Sĩ quan quân đội Bắc Việt ra lệnh tất cả quân nhân LLĐB/Việt-Mỹ mở cửa hầm chỉ huy và ra đầu hàng. Sĩ-quan Việt-Nam ra trình diện dường như bị bắn tại chỗ. Quân Bắc Việt dùng chất nổ phá cửa hầm, sức nổ làm tám quân Mũ-Xanh Hoa-Kỳ bất tỉnh.
Đến Đà-Nẵng, Tướng Westmoreland ra lệnh cho Trung-Tướng Robert Cushman cung cấp trực thăng đưa một đơn vị cấp cứu SOG trong căn cứ Khe-Sanh vào Lang-Vei ngay tức khắc. Sau này tướng Westmoreland biết được lệnh của ông ta không được thi hành. Ông ta viết 'Đó là điều xẩy ra trong thời gian tôi phục vụ tại Việt-Nam. Chuyện đó làm tôi muốn xin về hưu'.
Tại Khe-sanh, Thiếu Tá George Quamo, Thượng-Sĩ Charles 'Skip' Minnicks có thể nhìn thấy khói bốc lên từ trại LLĐB Lang-Vei. Quamo nói về sự nguy-hiểm đang chờ đợi họ, và hỏi 'Ai muốn đi?'. Một tá lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ xách tiểu-liên CAR-15, tập họp ba mươi biệt-kích Nùng, Thượng rồi leo lên trực thăng TQLC/HK ra đi.
Sự thờ-ơ của TQLC ảnh hưởng viên phi công lái trực thăng, không nhiệt tâm đi cứu. Kinh hoàng trông thấy xe tăng cháy, doanh trại đổ nát ở dưới, mất tay phi công CH-46 lái bay vòng vòng trên không. Cuối cùng Thiếu-tá Quamo ra lệnh 'vào' lúc đó họ mới hạ cánh.
Xuống tới đất, toán biệt-kích SOG, chia ra lục xoát các hầm hố, công sự phòng thủ tìm người sống sót. Hàng ngàn quân Bắc Việt trú ẩn xung quanh Lang-Vei sợ không-lực Hoa-Kỳ oanh-kích không tấn công tiếp. Hầu hết người Hoa-Kỳ sống sót nhờ Trung-Sĩ Nhất Eugene Ashley, chết sáng hôm đó trong những đợt phản công đẩy lui quân cộng sản ra khỏi Lang-Vei. Anh ta được ân thưởng huy chương Danh-Dự cao qúy nhất của chính phủ Hoa-Kỳ. Vài lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ thoát nhờ Thiếu-Úy Qúy lái xe Jeep xông vào trại đem họ đi.
Toán biệt-kích SOG gom tất cả những biệt-kích Hoa-Kỳ sống sót và đem thêm với khả năng của họ những biệt-kích quân Thượng bị thương ra bãi đáp chờ trực thăng bốc. Khi đoàn tầu bay lên, trưởng toán Alabama John Allen trông thấy một quân nhân Hoa-Kỳ chạy ra bãi đáp vẫy tay. Không thể quay trở lại, anh ta bị bỏ rơi cho số mệnh. Người biệt kích Hoa-Kỳ đó tên là Dennis Thompson, bị tù năm năm trước khi được trả tự do. Trong số hai mươi bốn quân nhân biệt-kích Hoa-Kỳ ở trại LLĐB Lang-Vei, Thiếu-Tá Quamo đem về được mười bốn, trong đó có một bị thương.
Đơn vị SOG đóng góp trong trận bao vây Khe-Sanh, cũng là thành quả lớn nhất của họ thâu thập bên Lào trong năm 1968, khám phá được căn cứ lớn, bộ chỉ huy, kho chứa đạn dược của địch gần rặng núi Cơ-Rốc. Phi vụ B-52 Arc Light được lệnh tiêu hủy mục tiêu này kết qủa gây ra nhiều tiếng nổ phụ trong vòng hai tiếng đồng hồ. Trong nhật ký của tướng Westmoreland, ông ta tin rằng trận đánh bom B-52 trúng bộ chỉ huy đầu não của địch trong trận bao vây Khe-Sanh. Hệ thống truyền tin của địch bị mất liên lạc trong vòng hai tuần lễ, chứng tỏ có sự bối rối trong hệ thống chỉ huy của địch, do đó quân Bắc Việt không mở trận tấn công lớn vào căn-cứ Khe-Sanh trong kỳ Tết Mậu-Thân.
Cuối tháng Ba, trong khi sư-đoàn 1 Không-Kỵ Hoa-Kỳ bắt đầu hành quân giải tỏa áp-lực của địch xung quanh căn cứ Khe-Sanh. Toán biệt-kích Asp xâm nhập khu vực cách Khe-Sanh 25 dặm về hướng tây bắc, theo dõi sự triệt thoái của các đơn vị Bắc Việt. Trưởng toán Asp là Trung-Sĩ Nhất George Brown, có Trung Sĩ Charles Huston và Alan Boyer. Toán Asp bị một đơn vị lớn của địch tấn công bất thần.
Một chiếc Kingbee vào cứu Brown và Huston bị hỏa lực địch bắn vào không được. Một chiếc Kingbee khác trông thấy Alan Boyer, thả thang dây xuống cứu anh ta, đạn bắn đứt thang dây, anh này rơi xuống vào giữa địch quân. Tất cả đều mất tích.
Hai trăm lẻ năm TQLC Hoa-Kỳ tử trận trong bẩy mươi bẩy ngày bao vây căn-cứ Khe-Sanh. Thiếu-Tá Quamo chỉ huy cuộc cứu nguy trại LLĐB Lang-Vei, lên máy bay của đơn-vị SOG bay về Đà-Nẵng. Chiếc máy bay cũng biến mất luôn vì thời tiết xấu. Xác Thiếu-Tá Quamo tìm được năm 1974. Vài tuần sau, căn cứ hành quân tiền phương (FOB) ở Khe-Sanh đóng cửa. SOG dời FOB qua trại LLĐB Mai-Lộc đông bắc Khe-Sanh.
Trong khi trận chiến dịu dần xung quanh căn cứ Khe-Sanh, các toán biệt-kích SOG khác vượt biên qua Cambodia, dò thám xem địch quân đã rút qua đất Miên hay chưa, sau trận Tổng-Công-Kích. Ngày 2 tháng Năm 1968, toán biệt-kích do Trung-Sĩ Nhất Leroy Wright làm trưởng toán xâm nhập vùng Lưỡi Câu. Trong toán có Trung-Sĩ Lloyd 'Frenchie' Mousseau, Brian O'Connor và chín biệt-kích Nùng.
- Phần 4
Buổi sáng lúc toán ra đi từ căn cứ Quản-Lợi, Trung Sĩ Nhất Roy Benavidez bạn của Wright ra tiễn đưa, cảm phục những người ra đi hoạt-động trong lòng địch. Chẳng bao lâu, khi xuống bãi đáp, toán chạm địch và chạy trở lại bãi đáp. Địch đuổi theo sát đuôi, bắn không cho toán biệt-kích ngóc đầu dậy và đuổi những chiếc trực thăng cấp cứu ra chỗ khác. Một trực thăng võ trang bị bắn rớt.
Địch đem thêm quân đến bao vây toán biệt-kích đang nằm chịu trận dưới hỏa lực súng cối, B-40, AK-47. Một loạt đạn AK trúng Wright vào đầu, anh ta chết ngay tức khắc. Mousseau và O'Connor bị thương nhiều chỗ. Tất cả các biệt-kích Nùng đều trúng đạn, nằm la liệt, bị thương hoặc chết. Không chạy được, hết thuốc chữa, toán biệt kích sắp sửa bị địch thanh toán.
Trong một túp lều dã chiến dựng lên nơi căn cứ hành quân tiền phương Quản-Lợi, Roy Benavidez lắng nghe những chuyện xẩy ra từ máy truyền tin, điện đàm giữa các phi công trực thăng võ trang, và phi công lái máy bay quan sát điều hành không yểm (FAC). Roy sốt ruột lo cho các chiến hữu của mình, Leroy Wright trúng đạn, Frenchie Mousseau trúng đạn, Brian O'Connor cũng trúng đạn và tất cả biệt-kích Nùng đều trúng đạn chết hoặc bị thương nặng. Một lữ-đoàn thuộc sư-đoàn 1 Bộ-Binh Hoa-Kỳ đang hành quân gần đó nhưng họ không được phép vượt rào qua Cambodia. Toán cấp cứu Bright Light cũng không có sẵn. Mình phải làm gì đây! Roy đứng ngồi không yên.
Bị mất nhiều máu, Brian O'Connor yếu đi, anh nghe tiếng trực thăng đến nhưng không di chuyển được. Chiếc máy bay hạ thấp rồi Roy Benavidez xách túi đựng dụng cụ y-khoa nhẩy xuống chạy thật nhanh vào bụi rậm nơi các biệt kích SOG nằm la liệt. Roy tình nguyện đi cứu toán một mình. Địch trông thấy trực thăng đáp xuống, bắn ra tới tấp, một viên trúng vào đùi Roy, chàng vẫn tiếp tục chạy, không dám ngừng lại. Vào đến nơi, Roy liếc thật nhanh, vị trí chiến đấu của toán biệt-kích, Wright đã chết, Mousseau trúng đạn vào đầu, nằm thẳng cẳng nhưng chưa chết, O'Connor bị thương nhưng vẫn còn bò lết được. Roy Benavidez băng bó cho bạn, phân phối đạn còn lại từ những biệt kích quân đã chết. Chàng lãnh thêm một viên AK nữa vào đùi phải trong khi điều khiển trực thăng oanh kích và trực thăng vào đem những người còn sống ra.
Khi chiếc trực thăng hạ cánh, Roy đưa khẩu AK cho O'Connor, chàng vác theo xác Wright. Một viên AK khác trúng vào phổi, Roy ngã xuống gần ngất đi. Chiếc trực thăng trúng đạn súng cối tiêu hủy, viên phi công và người xạ thủ đại liên chết. Roy lết lại chiếc trực thăng, giúp những người còn sống ra khỏi máy bay trúng đạn trước khi bốc cháy. Chàng tiếp tục điều khiển phản lực Phantom F-4 oanh kích, và lãnh thêm hai viên AK nữa. Địch bắn rớt thêm một chiếc gunship.
Rồi một chiếc Huey khác vào bãi đáp, trên máy bay có y-tá LLĐB Trung-Sĩ Ronald Samsons, anh ta giúp Benavidez kéo, dìu phi hành đoàn chiếc trực thăng trúng đạn, xác biệt kích quân lên máy bay. Trên đường về Benavidez bất tỉnh vì mất nhiều máu và kiệt sức, Mousseau chết vì vết thương quá nặng nơi đàu. Wright và Mousseau (chết) được lãnh huy chương Ngoai-Hạng (Distinguish Service Cross). Benavidez nằm bệnh viện gần một năm chữa bẩy vết thương đạn AK, hai mươi tám miểng B-40, cối 61 ly của địch. Roy Benavidez cứu tám người, tuy nhiên giấy tờ thất lạc. Mười ba năm sau, đã về hưu, Thượng-Sĩ Benavidez được máy bay quân đội đưa đi Washington và được tổng thống Reagan gắn huy chương Danh-Dự (Medal of Honor).
Sau ngày Benavidez cứu toán biệt-kích trong tháng Năm 1968 bên Miên. Toán Alabama xâm nhập Lào cách thung lũng A-Shau 15 dặm để gắn máy nghe lén điện thoại. Trưởng toán là Trung-Sĩ John Allen, cùng với Kenneth Cryan, Paul King và sáu biệt kích Nùng. T oán Alabama xâm nhập vùng tình nghi có sự hiện diện của một sư-đoàn Bắc Việt, đơn vị này rút qua Lào khi sư-đoàn Đệ Nhất Không-Kỵ Hoa-Kỳ mở cuộc hành quân càn quét khu vực xung quanh thung lũng A-Shau.
Khi trực thả toán biệt-kích bay gần đến bãi đáp, Allen trông thấy hầm hố, công sự phòng thủ của địch dưới rặng cây. Không thấy bóng dáng quân Bắc Biệt tại đîa điểm thả toán, Allen ra hiệu 'xuống' và toán biệt-kích bắt đầu làm nhiệm vụ. Họ di chuyển khoảng một tiếng đồng hồ, giác quan thứ sáu báo động cho Allen biết (Allen đã có kinh nghiệm đi 20 chuyến qua Lào và một chuyến Bright Light ngoài miền Bắc). Chàng hút-gió báo cho toán phó Ken Cryan biết 'Có điều gì nhìn không bình thường, ngửi cũng khác thường, có chuyện khác thường'. Allen cùng một biệt kích Nùng tiến tới đằng trước quan sát.
Hai người lên trước khoảng 250 thước, họ trông thấy khoảng đất rộng đã được dọn dẹp, những nhánh cây cao trên đầu cột lại che dấu khoảng đất trống ở dưới. Ở giữa có một căn nhà làm bằng tre, rõ ràng là bộ chỉ huy của địch với lính Bắc Việt ra vào. Xa hơn chút nữa có đường hầm rộng đủ hai người cùng đi đào sâu vào trong núi. Allen chụp mấy tấm ảnh rồi lùi về chỗ toán Alabama.
Toán phó Ken Cryan cho biết vài địch quân đi ngang qua, có lẽ toán lùng biệt-kích. Allen quyết định 'cắt đuôi', rồi cả toán nghe tiếng la lối, tiếng xục-xạo trong các bụi rậm trên lộ trình họ vừa di chuyển qua. Toán biệt-kích 'dọt', vài phút sau, biệt-kích hướng đạo (đi-đầu - Point man) dẫn toán băng qua một con đường mòn lớn, có lẽ dẫn tới bộ-chỉ-huy. Âm thanh truy kích của toán lùng biệt-kích chỉ cách phiá sau chừng 50 thước, Allen quyết định tăng tốc độ di chuyển. Họ băng qua một đường mòn nữa rồi nghe tiếng gọi nhau của địch phiá bên phải, và tiếng trả lời phiá sau. Toán biệt kích chạy 'hết tốc lực' lên một ngọn đồi. Súng AK của địch nổ vang dội, một biệt kích đáp lại một tràng CAR-15. Cryan qụy xuống ôm lấy đùi bên phải, Allen chạy lại xốc nách Cryan dìu đi mặc dù Cryan nói hãy chạy đi để chàng ở lại. Một biệt-kích Nùng trúng một viên AK ngay ngực gục xuống đất chết, được đồng đội cõng theo.
- Phần 5
Trong khi Paul King gọi máy cấp cứu, Allen tìm chỗ để phòng thủ, chàng thấy một hố bom chừng 50 thước trên đường lên núi. Ra lệnh cho toán viên bắn yểm trợ, Allen dìu Cryan di chuyển đến hố bom, rồi phần còn lại theo sau. Allen trải tấm Pa-nô (Panel) mầu cam giữa lòng hố bom đánh dấu vị trí toán biệt-kích cho phi cơ. Paul King lo cứu thương, người biệt kích Nùng đã chết, Cryan trúng đạn vào đùi bể xương, hèn chi anh ta đứng lên không nổi. Sợ phải cưa chân, King chích morphine cho Cryan đủ cho anh chàng này đỡ đau và còn tỉnh táo.
Allen cùng mấy biệt-kích chuẩn bị tuyến phòng thủ xong thì quân Bắc Việt xuất hiện tiến lên đồi. Nhờ vị trí trên cao, toán biệt-kích ném lựu đạn xuống làm địch phải lui lại. King gọi Allen 'Đã có phi cơ FAC lên vùng' và đưa máy cho anh ta liên lạc, King bước ra miệng hố thay cho Allen, một viên AK bắn trúng King ngay đầu, chết ngay tức khắc. Toán Alabama giờ có hai người chết.
Máy bay quan sát điều khiển các phi tuần đánh bom đẩy lui quân Bắc Việt ra xa, hết Phantom F-4, đến lượt Super Sabres F-100, rồi đến A-1 Skyraider. Rồi trực thăng đến, nhưng viên phi công nhát không dám xuống mặc dầu Allen đã trải pa-nô đánh dấu vị trí toán biệt-kích và đưa tay vẫy, sau đó chiếc trực thăng bay về vì hết nhiên liệu, hẹn hôm sau sẽ trở lại. Toán Alabama đành phải đợi sáng hôm sau, đêm đó họ phải chiến đấu suốt đêm, thêm một biệt kích Nùng bị thương nhẹ.
Sáng hôm sau, quân Bắc Việt vẫn tiếp tục bò lên tấn công, rồi một tiếng nổ lớn rung động hố bom. Allen định thần nhìn quanh, toán Alabama chín người lúc xâm nhập giờ đây còn lại mình chàng và một biệt-kích Nùng, số còn lại chết bị thương nằm la liệt trong hố bom. Đêm qua quân Bắc Việt đã đem súng phòng phông 12 ly 7, đại bác 37 ly đến xung quanh khu vực toán biệt-kích, họ biết máy bay Hoa-Kỳ sẽ đến tiếp cứu toán, nên đã chuẩn bị chiến trường.
Một chiếc Phantom bị bắn rớt, các chiếc khác phải lo tiêu diệt các ổ phòng không của địch. Đến chiều trực thăng cấp cứu CH-53 Jolly Green đến bốc toán Alabama. Sườn núi dốc chiếc CH-53 không đáp được thả dây cấp cứu xuống, Allen đặt Cryan lên một dây, dây bên kia cho một biệt-Kích Nùng ngồi vào, chàng nói 'Hẹn gặp ở Phú-Bài'. Chiếc CH-53 từ từ bốc lên, đạn AK bắn theo trúng cả hai, máu nhiễu xuống vào mặt Allen, chiếc trực thăng hoảng bay đi luôn. Q uân địch vẫn bắn theo, nhằm vào lính biệt-kích chứ không phải trực thăng. Hai xác chết buông xuôi tay, vẫn còn dính dây cấp cứu được trực thăng đem đi.
Allen nổi điên, chửi thề um-xùm. nói với FAC là sẽ tìm đường khác. Viên phi công lái FAC rất bình tĩnh 'John, anh định tìm đường nào?'. John Allen lấy thêm đạn từ những biệt kích chết, rồi ra khỏi hố bom chạy xuống núi, quân Bắc Việt không ngờ, không bắn không đuổi theo. Chạy được một quãng, chàng gọi FAC.
- Tôi đã ra khỏi. Trực thăng có chưa?
- Tôi vẫn theo bạn, sẽ có Kingbee đến đón.
- Còn mấy ông bạn của tôi sao?
- Y-tá nói họ OK! Họ OK! (Phi công FAC trấn an Allen)
Cuối cùng chiếc Kingbee do phi công tài ba Việt-Nam thuộc phi-đoàn 219 bốc Allen đưa về căn cứ hành-quân tiền-phương Phú Bài. Nhờ tài bình tĩnh của viên phi công lái FAC, nói dối để trấn an Allen, Cryan và biệt kích Nùng lãnh mỗi người ba mươi viên AK khi được trực thăng CH-53 bốc. Toán biệt-kích SOG Alabama còn mỗi mình Allen sống sót. Người biệt-kích ngồi ghế sau chiếc FAC là Trung Sĩ Nhất John Robertson tử trận khoảng 15 ngày sau khi đi theo Kingbee trong một sứ mạng cách toán Alabama xâm nhập khoảng 10 dặm. Quân Bắc Việt bắn rớt Kingbee bằng hỏa tiễn SA-7.
Ba ngày sau toán Idaho xâm nhập cách đó khoảng 5 dặm. Chiều hôm đó, trưởng toán Glen Lane, toán phó Robert Owen nói vắn tắt cho Covey (FAC) biết họ không báo cáo được vì quân Bắc Việt đã bao vây toán. Đó là lần cuối cùng toán Idaho báo cáo, không ai biết chuyện gì xẩy ra cho toán biệt-kích. Toán Oregon vào tìm toán Idaho, họ tìm được dấu vết lựu đạn nổ, chứng tỏ có chiến đấu và toán Idaho bị địch bắt. Đến phiên toán Oregon bị đơn vị chống biệt-kích tấn công, tất cả mọi người trong toán đều bị thương nhưng thoát hiểm.
Mùa Hè năm 1968, xếp mới đơn vị SOG là Đại-Tá Cavanaugh, Đoàn Nghiên-Cứu Quan-Sát dồn nỗ lực qua Lào và Miên. Trong nội điạ, chỉ để ý thung lũng A-Shau, cách Đà-Nẵng 40 dặm về hướng nam. Thung lũng A-Shau rộng 25 dặm qua biên giới Lào về hướng tây bắc. Trong vùng này, quân đội Hoa-Kỳ bỏ rơi hai phi đạo ngắn và ba trại LLĐB.
Ngày 3 tháng Tám, toán Idaho mới lập lại do Wilbur Boggs làm trưởng toán xâm nhập vào thung lũng A-Shau cách chỗ toán Idaho cũ biến mất ngày 20 tháng Năm chừng mười dặm. Toán phó là John Walton, anh này rất thông minh, chơi xì-phé giỏi (sau này trở về hưởng gia tài do cha ông để lại những tiệm Wal-Mart), ngoài ra có thêm Tom Cunningham, biệt-kích Thượng.
Xâm nhập không lâu, toán bị tấn công, trưởng toán Boggs bị thương nặng, hai biệt-kích Thượng chết. Toán bị bao vây, không lối thoát. Walton gọi oanh kích ngay trên đầu toán. Nhờ vậy quân Bắc Việt lui ra, Walton lo cấp cứu những biệt kích bị thương, kể cả Cunningham, tất cả đều thoát.
Cùng trong tháng Tám, 3 giờ sáng ngày 23, đặc công cộng sản tấn công bộ chỉ huy Bắc (CCN), trận tấn công kéo dài ba tiếng đồng hồ. Kết quả, 15 sĩ-quan, hạ-sĩ-quan LLĐB/HK chết, con số tổn thất lớn nhất từ trước đến giờ, 16 biệt-kích quân Việt-Nam, Nùng, Thượng chết. Địch bỏ lại 38 xác, 9 bị thương làm tù binh. Trong số xác địch để lại có tên làm trong bếp, nội tuyến của địch gài vào.
Sau vụ Đà-Nẵng, toán biệt kích SOG vẫn tiếp tục xâm nhập qua Lào. Trong mùa Thu, không ai may mắn hơn Trung-Sĩ Lynne Black Jr. Ngày 5 tháng Mười toán của anh ta xâm nhập miền trung Lào, vào vùng đụng ngay, toán trưởng Trung-Sĩ James Stride chết trong loạt đạn đầu. Toán phân tán để chạy, Black cùng với hai biệt kích Thượng chạy ngang qua bộ chỉ huy quân Bắc Việt, chuyện xẩy ra nhanh chóng địch không phản ứng kịp.
Một chiếc CH-53 Jolly Green đến từ Thái Lan, Black cho hai người Thượng, và Mũ-Xanh thất lạc vừa tới lên trước. Nghe tiếng trực thăng, hai lính Bắc Việt chạy ra đụng Black, hai bên giằng co. Không hiểu sao, Black thoát được và được câu lên trực thăng. Đúng lúc đó chiếc trực thăng chao đi vì trúng B-40, viên phi công đáp an toàn xuống một rặng núi khác, rồi một chiếc CH-53 đến bốc tất cả về căn cứ an toàn. Xác trưởng toán Stride không tìm được.
- Kết Luận
Bill Copley không được may như Lynne Black. Vài tuần sau khi Black thoát hiểm, toán biệt kích khác xâm nhập vùng nam Lào, bị rượt. Copley bị thương, anh ta cầu cứu 'Giúp tôi, Tôi bị thương!'. Một toán viên cõng Copley chạy đến khi kiệt sức phải bỏ lại vì địch đuổi theo bén gót. Sau đó toán cấp cứu Bright Light vào tìm, chỉ thấy dấu máu nơi Copley nằm. Tổng kết năm 1968, ngoại trừ vụ đặc công tấn công bộ chỉ huy Bắc. CCN mất 18 Mũ-Xanh tử trận, 18 mất tích.
Ngày 16 tháng Ba năm 2000CCN/FOB Phú-Bài

Lịch Sử Nha Kỹ Thuật / History by Ken Conboy


NHA KY THUAT

THE STRATEGIC TECHNICAL DIRECTORATE

AND

REPUBLIC OF VIETNAM SPECIAL OPERATION FORCES

In early 1956 the French built Commando School at Nha Trang was re-established with US military assistance to provide physical training and ranger instruction for up to 100 students. Early the following year President Ngo Dinh Diem ordered the creation of a special unit to conduct clandestine external operations. Initial parachute and communication training for 70 officers and sergeants was conducted at Vung Tau; 58 of these later underwent a four month commando course at Nha Trang under the auspices of a US Army Special Forces Mobile Training Team. Upon completion, they formed the Lien Doi Quang Sat so 1 (I Observation Unit) on I November 1957 at Nha Trang. The unit was put under the Presidential Liaison Office, a special intelligence bureau controlled by President Diem and outside the normal ARVN command structure. The commander was Lt. Col. Le Quang Tung, an ARVN airborne officer and Diem loyalist. Many of the Unit's members came originally from northern Vietnam, reflecting its external operations orientation.

In 1958 the Unit was renamed the Lien Doan Quang Sat so 1, or I Observation Group, reflecting its increase to nearly 400 men in December. By that time the Group was seen as an anti Communist stay behind force in the event of a North Vietnamese conventional invasion; however, because of its privileged position the Group stayed close to Diem and rarely ventured into the field.

By 1960 it was apparent that the main threat to South Vietnam was growing Viet Cong insurgency; the Group abandoned its stay behind role and was assigned missions in VC infested areas. Operations were briefly launched against VC in the Mekong Delta, and later along the Lao border.

In mid 1961 the Group had 340 men in 20 teams of 15, with plan for expansion to 805 men. In October the Group began operations into Laos to reconnoiter North Vietnamese Army logistical corridors into South Vietnam. In November the Group was renamed Lien Doan 77, or 77 Group, in honor of its USSF counterparts. Over the next two years members were regularly inserted into Laos and North Vietnam on harassment and psychological warfare operations. Longer duration agent missions, involving civilians dropped into North Vietnam, also came under the Group's auspices.

The Group's sister unit, 31 Group, began forming in February 1963. Following criticism of 77 Group's perceived role as Diem's 'palace guard', both groups were incorporated into a new command,, the Luc Luong Dac Biet (LLDB) or Special Forces, on 15 March 1963. In theory the LLDB would work closely with the USSF in raising irregular village defense units. This cosmetic change still kept the Special Forces outside of ARVN control, however, and did little to change the performance of Col. Tung's troops. In August, LLDB members attacked Buddhist pagodas across South Vietnam in an effort to stiffle Buddhist opposition to the Diem regime. At the time LLDB strength stood at seven companies, plus an additional three 'civilian' companies used by Diem on political operations. Because of such missions the LLDB became despised and, when anti Diem military units staged a coup d'etat in November, the 'revolutionary' forces arrested Col. Tung and quickly neutralized the LLDB. (Tung was later executed.)

The LLDB after President Ngo Dinh Diem

In the wake of the coup the Presidential Liaison Office was dissolved and its function assumed by the ARVN. The LLDB was put under the control of the Joint General Staff and given the mission of raising paramilitary border and village defense forces with the USSF. External operations were given to the newly formed Liaison Service, also under the JGS. The Liaison Service, commanded by a Colonel, was headquartered in Saigon adjacent to the JGS. It was divided into Task Force 1, 2 and 3, each initially composed of only a small cadre of commandos.

In 1964 the JGS also formed the Technical Service (So Ky Thuat), a covert unit tasked with longer duration agent operations into North Vietnam. Commanded by a Lieutenant Colonel, the Technical Service comprised Group 11 (Doan 11), oriented toward agent operations in Laos and eastern North Vietnam; Group 68 (Doan 68 Thang Long), another infiltration unit; and the Coastal Security Service, a maritime commando group at Da Nang attached to the Technical service with its own contingent of PT boats for seaborne infiltration.

The post Diem LLDB was restructured for its proper role as a source of counter insurgency instructors for paramilitary forces. By February 1964, 31 Group had finished training and was posted to Camp Lam Son south of Nha Trang. In May the Group became responsible for all LLDB detachments in I and 11 Corps. A second reorganization occured in September when 31 Group was renamed III Group and given responsibility for the Special Operations Training Center at Camp Lam Son. Now 77 Group, headquartered at Camp Hung Vuong in Saigon, became 301 Group. In addition, 91 Airborne Ranger Battalion, a three company fast reaction para unit, was raised under LLDB auspices in November. Total LLDB force strength stood at 333 officers, 1270 non commissioned officers and 1270 men. The LLDB command at Nha Trang was assumed by Brig. Gen. Doan Van Quang in August 1965.

By 1965 the LLDB had become almost a mirror image of the USSF. LLDB Headquarters at Nha Trang ran the nearby Special Forces Training Center at Camp Dong Ba Thin. LLDB 'C' Teams, designated A through D Company, were posted to each of South Vietnam's four Military Regions; each 'C' Team had three 'B' Teams, which controlled operational detachments at the sub regional level; 'B' Teams ran 10 to 11 'A' Teams. 'A' Teams were colocated with USSF 'A' Teams at camps concentrated along the South Vietnamese border, where they focused on training Civilian Irregular Defense Force (CIDG) personnel.

In addition, the LLDB Command directly controlled the Delta Operations Center with its Delta teams and the four company 91 Airborne Ranger Battalion, both were used by Project Delta, a special reconnaissance unit of the US Military Assistance Vietnam Studies and Observation Group (MACVSOG), which operated deep in VC/NVA sanctuaries.

On 30 January 1968 the Communists launched their TET general offensive across South Vietnam. Caught celebrating the lunar New Year, the Saigon government was initially ill prepared to counter the VC/NVA attacks. When Nha Trang was hit on the first day the LLDB Headquarters was protected by 91 Airborne Ranger Battalion, recently returned from one of its Project Delta assignments. At only 60 percent strength the Airborne Rangers turned in an excellent performance, pushing the major Communist elements out of Nha Trang in less than a day. The battle, however, cost the life of the battalion commander and wounded the four company commanders.

After a four month retraining in Nha Trang three companies from 91 Airborne Ranger Battalion were brought together with six Delta teams and renamed 81 Airborne Ranger Battalion. In early June the new battalion prepared for urban operations in Saigon after a second surge of Communist attacks pushed goverrunent forces out of the capital's northern suburbs. On 7 June the Airborne Rangers were shuttled into Saigon and began advancing toward VC held sectors around the Duc Tin Military School. After a week of bloody street fighting, much of it at night, the Airborne Rangers pushed the enemy out of the city.

Following the Tet Offensive 81 Airborne Ranger Battalion was increased to six companies, and continued to be used as the main reaction force for Project Delta; four companies were normally assigned Delta missions while two remained in reserve at LLDB Headquarters.




The Strategic Technical Directorate

In late 1968 the Technical Service was expanded into the Nha Ky thuat (Strategic Technical Directorate, or STD) in a move designed to make it more like MACVSOG, the US joint services command created in 1964 which ran reconnaissance, raids and other special operations both inside and outside South Vietnam. Despite internal opposition the Liaison Service was subordinated to the STD as its major combat arm. Like SOG, the STD also had aircraft under its nominal control, including 219 Helicopter Squadron of the Vietnamese Air Force. By the late 1960s the size of the Liaison Service had increased tremendously. Task Forces 1, 2 and 3, commanded by lieutenant colonels and larger than a brigade, were directly analogous to MACVSOG's Command and Control North, Central and South. Each Task Force was broken into a Headquarters, a Security Company, a Reconnaissance Company of ten teams, and two Mobile Launch Sites with contingents of South Vietnamese Army and paramilitary forces under temporary Liaison Service control. Although the Liaison Service was a South Vietnamese unit, all of its operations were funded, planned and controlled by MACVSOG, and recon teams integrated both MACVSOG and Liaison Service personnel.

In December 1970, in accordance with the 'Vietnamization' policy, all CIDG border camps were turned over to the South Vietnamese government and CIDG units were incorporated into the ARVN as Biet Dong Quan, or Ranger, border battalions. No longer needed as a CIDG training force, the LLDB was dissolved in the same month. Officers above captain were sent to the Biet Dong Quan; the best of the remaining officers and men were selected for a new STD unit, the Special Mission Service. At the same time 81 Airborne Ranger Battalion was expanded into 81 Airborne Ranger Group consisting of one Headquarters Company, one Recon Company and seven Exploitation Companies. The Group was put under the direct control of the JGS as a general reserve force.

During 1970 the Liaison Service had staged numerous cross border missions into Cambodia in support of major external sweeps by the US and South Vietnamese forces against Communist sanctuaries. Early the following year the Service sent three recon teams into the 'Laotian Panhandle' two weeks before the ARVN's February Lam Son 719 incursion.

In February 1971 the STD underwent major reorganization in accordance with Vietnamization and its anticipated increase in special operations responsibilities. Headquartered in Saigon, STD command was given to Col. Doan Van Nu, an ARVN airborne officer and former military attache to Taiwan. As STD commander, and a non voting member of the South Vietnamese National Security Council, Nu took orders only from President Nguyen Van Thieu and the Chief of the Armed Forces of the Republic of Vietnam JGS.

The expanded STD consisted of a headquarters, a training center, three support services and six combat services. The training center was located at Camp Yen The in Long Thanh: Yen The, significantly, was the name of a resistance movement in northern Vietnam during the 11th century. Airborne instruction was conducted at the ARVN Airborne Division's Camp Ap Don at Tan Son Nhut. The three support services were Administration & Logistics; Operations & Intelligence; and Psychological Warfare, which ran the 'Vietnam Motherland', 'Voice of Liberty', and 'Patriotic Front of the Sacred Sword' clandestine radio stations. The combat services were the Liaison Service (Loi Ho), the Special Mission Service (Hac Long), Group 11, Group 68, The Air Support Service and the Coastal Security Service.

The Liaison Service (So lien Lac), commanded by a colonel in Saigon, was composed of experienced Loi Ho recon commandos divided among Task Force I (Da Nang), Task Force 2 (Kontum) and Task Force 3 (Ban Me thuot).

The Special Mission Service (So Cong Tac), also commanded by a colonel, was headquartered at Camp Son Tra in Da Nang. It remained in training under US auspices from February 1971 until January 1972. Unlike the shorter duration raid and recon missions performed by the Liaison Service, the SMS was tasked with longer missions into North Vietnam and Laos. It was initially composed of Groups 71, 72 and 75, with the first two headquartered at separate camps at Da Nang. Group 75 was headquartered at Plei Ku in the former LLDB B Co. barracks, with one detachment at Kom Tum to provide a strike force for operations in Cambodia and inside South Vietnam.

Group 11, an airborne infiltration unit based at Da Nang, and Group 68, headquartered in Saigon with detachments at Kom Tum, was soon integrated under SMS command. Group 68 ran airborne trained rallier and agent units, including 'Earth Angels' (NVA ralliers) and 'Pike Hill' teams (Cambodian disguised as Khmer Communists). A typical Earth Angel operation took place on 15 December 1971, when a team was inserted by US aircraft on a reconnaissance mission into Mondolkiri Province, Cambodia. Pike Hill operations were focused in the same region, including a seven man POW recovery team dropped into Ba Kev, Cambodia, on 12 February 1971. Pike Hill operations even extended into Laos, e.g. the four man Pike Hill team parachuted onto the edge of the Bolovens Plateau on 28 December 1971, where it reported on enemy logistics traffic for almost two months. Pike Hill operations peaked in November 1972 when two teams were inserted by C-130 Blackbird aircraft flying at 250 feet north of Kompong Trach, Cambodia. Information from one of these teams resulted in 48 B-52 strikes within one day.

The STD's Air Support Service consisted of 219 'King Bee' Helicopter Squadron, the 114 Observation Sqn., and C-47 transportation elements. The King Bees, originally outfitted with aging H34s, were re-equipped with UH-1 Hueys in 1972. The C-47 fleet was augmented by two C-123 transports and one C-130 Blackbird in the same year. All were based at Nha Trang.

The Easter Offensive 1972

During the 1972 Easter Offensive the combat arms of the STD saw heavy action while performing recon and forward air guide operations. Meanwhile, 81 Airborne Ranger Group was tasked with reinforcing besieged An Loc. The Group was heli lifted into the southern edge of the city in April, and the Airborne Rangers walked north to form the first line of defense against the North Vietnamese. After a month of brutal fighting and heavy losses, the siege was lifted. A monument was later built by the people of An Loc in appreciation of the Group's sacrifices.

In October 1972, the SMS was given responsibility for the tactical footage between Hue and the Lao border. In early 1973 US advisors were withdrawn. The Air Support Service soon proved unable to make up for missing US logistical support, sharply reducing the number of STD external missions. STD personnel, as well as Lien Doan Nguoi Nhai SEALS, were increasingly pulled into President Thieu's Office for special assignments. Later in the year the Liaison Service's Task Force 1, 2 and 3 were redesignated Groups 1, 2 and 3; and Camp Yen The was renamed Camp Quyet Thang ('Must Win'.)

Following a brief respite in the wake of the 1973 Paris Peace Accords, the STD was back in action against encroaching NVA elements in the countryside. In September 1973 two Liaison Service Loi Ho recon teams were inserted by helicopter into Plei Djereng, a key garrison blocking the NVA infiltration corridor down the Western highlands. They were unsuccessful in rallying the defenders after an NVA attack, however. In late 1974 the NVA increased their pressure; especially hard hit was the provincial capital of Phuoc Long in Military Region 3. After several weeks of NVA tank, artillery and infantry attacks the Phuoc Long defense started to crack. In an effort to save the city the government ordered 81 Airborne Ranger Group to reinforce the southern perimeter. After two days of weather delays one company was heli lifted east of the city on the morning of 5 January 1975; and by early afternoon over 250 Airborne Rangers were in Phuoc Long. After a day of relentless NVA assaults most of the original garrison fled; contact was lost with the Airborne Rangers as the NVA began to overwhelm the city. Early the next day Aiborne Rangers stragglers were spotted north of the city. A four day search eventually retrieved some 50 percent survivors.

By March 1975 the NVA had increased pressure on the Central Highlands, prompting Saigon to begin a strategic redeployment from the western half of II Corps. Although the Liaison Service's Groups 2 and 3 provided security for the withdrawing masses the redeployment soon turned into a rout. In the hasty withdrawal Group 2 had forgotten two recon teams in Cambodia; these later walked the entire distance back to the Vietnamese coast. After the fall of the Central Highlands government forces in I Corps began to panic, sparking an exodus to the south. In the confusion Group I of the Liaison Service attempted to provide security for the sealift to Saigon. Meanwhile, the SMS boarded boats on 30 March for Vung Tau.

With the entire northern half of the country lost, Saigon attempted to regroup its forces. 81 Airborne Ranger Group, which had arrived from II Corps in a state of disarray, was refitted at Vung Tau. The Liaison Service was posted in Saigon, with Groups I and 3 reinforcing Bien Hoa and Group 2 protecting the fuel depots. The SMS also reformed in Saigon.

On 6 April 1975 SMS recon teams sent northeast and northwest of Phan Rang discovered elements of two North Vietnamese divisions massing on the city. An additional 100 SMS commandos were flown in as reinforcements, but were captured at the airport as the North Vietnamese overran Phan Rang. A second tak force of 40 Loi Ho commandos was infiltrated into Tay Ninh to attack an NVA command post; the force was intercepted and only two men escaped. By mid April 81 Airborne Ranger Group was put under the operational control of 18th Division and sent to Xuan Loc, where the unit was smashed. The remnants were pulled back to defend Saigon. By the final days of April the NVA had surrounded the capital. Along with other high officials, the STD commander escaped by plane on 27 April. On the next day 500 SMS commandos and STD HQ personnel commandeered a barge and escaped into international waters. The remainder of the Liaison Service fought until capitulation on 30 April.

REPUBLIC OF VIETNAM

NAVAL SPECIAL FORCES

In 1960 the South Vietnamese Navy proposed the creation of an Underwater Demolitions Team to improve protection of ships, piers and bridges. Later in the year a navy contingent was sent to Taiwan for UDT training; the one officer and seven men who completed the course became the cadre for a Lien Doi Nguoi Nhai (LDNN), or Frogman Unit, formally established in July 1961. The LDNN, with a proposed strength of 48 officers and men, was given the mission of salvage, obstacle removal, pier protection and special amphibious operations.

Soon after the creation of the LDNN a second unit was formed: Biet Hai, or 'Special Sea Force', paramilitary commandos under the operational control of Diem's Presidential Liaison Office and given responsibility for amphibious operations against North Vietnam. US Navy SEAL (Sea, Air and Land) commando teams began deploying to South Vietnam in February 1962 and initiated in March a six month course for the first Biet Hai cadre in airborne, reconnaissance and guerrilla warfare training. By October, 62 men had graduated from the first cycle. A planned second contingent was denied funding.

In early 1964 the LDNN, numbering only one officer and 41 men, began special operations against VC seabome infiltration attempts. Six Communist junks were destroyed by the LDNN at Ilo Ilo Island in January during Operation 'Sea Dog'. During the following month the LDNN began to be used against North Vietnamese targets as part of Operation Plan 34A, a covert action program designed to pressure the Ha Noi regime.

In February a team unsuccessfully attempted to sabotage a North Vietnamese ferry on Cape Ron and Swatow patrol craft at Quang Khe. Missions to destroy the Route I bridges below the 18th Parallel were twice aborted. In March most of the LDNN was transferred to Da Nang and colocated with the remaining Biet Hai conunandos. During May North Vietnam operations resumed by LDNN teams working with newly trained Biet Hai boat crews. On 27 May they scored their first success with the capture of a North Vietnamese junk. On 30 June a team landed on the North Vietnamese coast near a reservoir pump house. Ile team was discovered and a hand to hand fight ensued; two LDNN commandos lost their lives and three 57mm recoiless rifles were abandoned, but 22 North Vietnamese were killed and the pump house was destroyed.

In July a second class of 60 LDNN candidates was selected and began training in Nha Trang during September. Training lasted 16 weeks, and included a 'Hell Week' in which students were required to paddle a boat 115 miles, run 75 miles, carry a boat for 21 miles and swim 10 miles. During the training cycle team members salvaged a sunken landing craft at Nha Trang and a downed aircraft in Binh Duong Province. Thirty-three men completed the course in January 1965 and were based at Vung Tau under the direct control of the Vietnamese Deputy Chief of Naval Operations (Operations).

In 1965 the LDNN was given responsibility for amphibious special operations in South Vietnam. Maritime operations against North Vietnam were given exclusively to the Da Nang based Biet Hai commandos and Hai Tuan boat crews, both incorporated into the new seaborne component of the STD, the So Phong Ve Duyen Hai (Coastal Security Service or CSS). The CSS, a joint services unit, was headed by an Army lieutenant colonel until 1966, then by a Navy commander. CSS missions focused almost entirely on short duration sabotage operations lasting one night, and had a high success rate. The CSS relied heavily on special operations teams temporarily seconded from other services. Teams on loan from the Vietnamese Navy considered most effective, were codenamed 'Vega'. Other teams came from the Vietnamese Marine Corps ('Romulus') and Army ('Nimbus'). The CSS also controlled 40 civilian agents ('Cumulus') until the mid 1960s. Unofficialy, the term Biet Hai was used for all CSS forces, regardless of original service affiliation. CSS training was conducted at Da Nang under the auspices of US Navy SEAL, US Marine, and Vietnamese advisors. Further support was provided by the CSS's Da Nang based US counterpart, the Naval Advisory Detachment, a component of MACVSOG.

By the mid 1960s US Navy SEAL teams were being rotated regularly through South Vietnam on combat tours. Specialists in raids, amphibious reconnaissance and neutralization operations against the VC infrastructure, the SEALs worked closely with the LDNN and began qualifying Vietnamese personnel in basic SEAL tactics. In November 1966 a small cadre of LDNN were brought to Subic Bay in the Philippines for more intensive SEAL training.

In 1967 a third LDNN class numbering over 400 were selected for SEAL training at Vung Tau. Only 27 students finished the one year course and were kept as a separate Hai Kich ('Special Sea Unit,' the Vietnamese term for SEAL) unit within the LDNN. Shortly after their graduation the Communists launched the Tet Offensive most of the LDNN SEALs were moved to Cam Ranh Bay, where a fourth LDNN class began training during 1968. During the year the Vietnamese SEALs operated closely with the US Navy SEALS. The LDNN SEAL Team maintained its focus on operations within South Vietnam, although some missions did extend into Cambodia. Some missions used parachute infiltration.

LDNN after Tet

In 1971, in accordance with increased operational responsibilities under the Vietnamization program, the LDNN was expanded to the Lien Doan Nguoi Nhai (LDNN), or Frogman Group, comprising a SEAL Team, Underwater Demolitions Team, Explosive Ordnance Disposal Team and Boat Support Team. Headquarters remained in Saigon. For the remainder of 1971 the SEALs operated in 12 18-man detachments on neutralization operations and raids inside South Vietnam. SEAL launch sites included Ho Anh, north of Da Nang, Hue and Tinh An.

During the 1972 Easter Offensive the SEALs were transferred to Hue to conduct operations against NVA forces holding Quang Tri; after Quang Tri was retaken some of the SEALs went to Quang Ngai to resume VC neutralization operations. After US Navy SEAL advisors were withdrawn in late 1972 the LDNN SEAL Team, now 200 strong, took over training facilities at Cam Ranh Bay; training, however, was cut in half, with only one fifth given airborne training. The SEALs had been augmented by ten graduates out of 21 LDNN officer candidates sent to the US for SEAL training in 1971.

When the Vietnam ceasefire went into effect in 1973 the SEALs returned to LDNN Headquarters in Saigon. At the same time the CSS was dissolved, with the Navy contingent given the option of transferring to the LDNN.

In late December 1973 the government reiterated its territorial claim to the Paracel Island chain off its coast and dispatched a small garrison of militia to occupy the islands. By early January 1974 the Chinese, who also claimed the islands, had sent a naval task force to retake.the Paracels. On 17 January 30 LDNN SEALs were infiltrated on to the western shores of one of the major islands to confront a Chinese landing party. The Chinese had already departed; but two days later, after SEALs landed on a nearby island, Chinese forces attacked with gunboats and naval infantry. Two SEALs died and the rest were taken prisoner and later repatriated.

During the final days of South Vietnam a 50 man SEAL detachment was sent to Long An; the remainder were kept at LDNN Headquarters in Saigon along with 200 new SEAL trainees. During the early evening of 29 April all SEAL dependents boarded LDNN UDT boats and left Saigon; a few hours later the SEALs departed the capital, linked up with the UDT boats, and were picked up by the US 7th Fleet in international waters.

By Ken Conboy

Thành Lập MACSOG Và Nha Kỹ Thuật / Trần Đổ Cẩm


VI. Thành Lập MACSOG Và Nha Kỹ Thuật
Một điều đáng để ý là tuy OPLAN 34A dự trù xử dụng quân lực miền Nam, nhất là quân chủng Hải Quân, nhưng phía VNCH lại không được tham khảo ý kiến khi soạn thảo để kịp thời chuẩn bị. Mãi tới ngày 21 tháng giêng năm 1964, khi kế hoạch đã được Bộ Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ đồng ý cho thi hành đợt 1, Đại Sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Logde mới thông báo với Quốc Trưởng Việt Nam Dương Văn Minh về kế hoạch OPLAN 34A cùng cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã chấp thuận kế hoạch này và yêu cầu VIệt Nam hợp tác bằng cách cho quân đội tham gia. Ngày 24 tháng giêng, Toán Hành Quân Đặc Biệt (Special Operations Group - SOG) được chính thức thành lập do Đại Tá Clyde Russell chỉ huy, dưới quyền điều động của Phái Bộ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV). Do đó, cơ quan đảm trách những cuộc hành quân đặc biệt này thường được gọi tắt là MACV-SOG hay MACSOG. Sau này, vào năm 1964, tên Special Operation Group được đổi là Studies and Observation Group (Toán Nghiên Cứu và Quan Sát) cho có vẻ "dân sự" hơn, nhưng tên viết tắt vẫn là MACSOG.

Nhìn chung, kế hoạch OPLAN 34A do MACSOG chịu trách nhiệm và gồm có 4 thành phần chính: thả toán bằng phi cơ, tiếp tế bằng phi cơ, hoạt động đường biển và chiến tranh tâm lý. Trong số này, toán "hàng không" có đông nhân viên nhất vì được thừa hưởng 169 nhân viên Việt Nam đa số là dân sự đang được huấn luyện tại Long Thành do CIA để lại.

Ngày 28 tháng giêng năm 1964, cuộc chỉnh lý củaTướng Nguyễn Khánh khiến kế hoạch của MACSOG bị chậm lại vì Hoa Kỳ cần phải được sự chấp thuận và hợp tác của chính phủ mới. Tướng Khánh là một người chủ trương "Bắc Tiến" nên tới ngày 12 tháng 2, Sở Kỹ Thuật (Strategic Technical Service - STS) thuộc Bộ Quốc Phòng VNCH được thành lập do Đại Tá Trần Văn Hổ chỉ huy để hoạt động song hành với MACSOG. Sở Kỹ Thuật là hậu thân của Sở Khai Thác Địa Hình (Topographic Exploitation Service) trước đây của Đại Tá Lê Quang Tung dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Về sau, Sở Kỹ Thuật được đổi tên thành Nha Kỹ Thuật (Strategic Technical Directorate - STD).

TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA BẠN TRẺ QUÁCH VI


TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA BẠN TRẺ QUÁCH VI

Ở LOS ANGELES VỀ QLVNCH

Ngày 11/06/2006 - Phạm Phong Dinh


Nhà văn TRẦN VIỆT HẢI ở Los Angeles đă nhận được thư hỏi của bạn Quách Vi ở thành phố Los Angeles và đă chuyển thư đó đến cho chúng tôi. Những câu hỏi của bạn trẻ Quách Vi thật thú vị, hay và lạ, phản ảnh sự quan tâm của giới trẻ Việt Nam ngày nay đối với Quân Lực Việt Nam Cộng Ḥa. Thú vị bởi các bạn trẻ đa số theo cha mẹ di tản sang Mỹ từ thuở c̣n rất nhỏ, hoặc sinh ra và lớn lên trên xứ người, nhưng các bạn vẫn tìm kiếm những sự thật về cội nguồn của ḿnh, trong đó có những Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Ḥa từng một thời anh dũng chiến đấu bảo vệ đất nước và dân tộc, mà chắc rằng gia đ́nh, ông bà, cha mẹ của các bạn trẻ đă thụ nhận công lao và ân nghĩa máu xương ấy của các anh. Sự hiện hữu của gần ba triệu người Việt, trong đó có thành phần thế hệ trẻ Việt Nam trên những đất nước tự do toàn thế giới : Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Nhật,... sau ba mươi mốt năm không phải là một sự đương nhiên, mà chính là do sự tận lực chiến đấu đến tận ngày cuối cùng là ngày 30.4.1975 của Những Ngưới Lính QLVNCH, ngăn chận bước tiến của giặc cộng, để cho hàng trăm ngàn người di tản có được những khoảng thời gian tối thiểu an toàn ra đi. Hayï là v́ bạn trẻ đă có lẽ tự t́m hiểu được nhiều danh xưng của những đơn vị chiến đấu của QLVNCH. Lạ là do bạn trẻ đă hỏi chúng tôi làm sao phân biệt được sự khác nhau giữa các binh chủng. Đó là những câu hỏi lần đầu tiên chúng tôi rất sung sướng được nghe và được hỏi, v́ bạn Quách Vi đă cho chúng tôi một cơ hội để đem h́nh ảnh Người Lính QLVNCH đến gần các bạn trẻ hơn. Xin cám ơn bạn rất nhiều.

Bạn trẻ Quách Vi đặt cho chúng tôi ba câu hỏi như sau, mà chúng tôi mạo muội xin các bậc đàn anh trong quân đội cho phép được giải đáp một cách tổng quát :

1./ Tại sao QLVNCH lập ra ba binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân ? Vai tṛ của họ có trùng hợp hay không ? Nếu trùng hợp tại sao lại phân chia ra như vậy ?

2./ Biệt Cách Dù và Lực Lượng Đặc Biệt có giống nhau không ? Biệt Kích Mỹ và Lực Lượng Đặc Biệt (Special Forces) là một hay khác nhau ?

3./ Biệt Cách Dù và Nhảy Dù đều dùng Dù th́ hai đơn vị này có liên hệ mật thiết về kỹ thuật hành quân, chiến thuật tác chiến, có đúng không ?

Xin được lần lượt trả lời từng câu hỏi của bạn trẻ Quách Vi như sau.



Vai tṛò của ba binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân không có sự trùng hợp, bởi sự phân nhiệm chiến đấu từ lúc khởi đầu các binh chủng này được h́nh thành. Mỗi binh chủng thực hiện phần trách nhiệm của ḿnh trong cuộc chiến tranh tự vệ chống cộng sản Miền Bắc, đáp ứng với sự biến chuyển của từng thời kỳ.

Binh chủng Nhảy Dù : Là một trong những lực lượng chính qui của QLVNCH được thành lập sớm nhất, gắn liền với lịch sử h́nh thành cùa


QLVNCH , là binh chủng anh cả của toàn quân đội. Đơn vị Nhảy Dù Việt Nam được thành lập đầu tiên chính là Đại Đội 1 Nhảy Dù Đông Dương, vào ngày 1.1.1948, chiến đấu dưới sự điều động của quân đội Pháp tại Việt Nam. Những Đại Đội Dù khác tiếp theo được thành lập. Ba năm sau, các Đại Đội Nhảy Dù Việt Nam được nâng lên cấp tiểu đoàn. Các Tiểu đoàn Dù VN hoạt động như là những đơn vị tổng trừ bị, sẵn sàng ứng chiến và phản ứng nhanh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có mặt trong thời gian sớm nhất ở bất cứ mặt trận nào, với nhiệm vụ giải tỏa áp lực địch lên quân bạn, giải quyết cán cân chiến trường. Ở thời điểm đó, quân đội Pháp hăy c̣n dùng chiến thuật nhảy dù từ trên không xuống để tràn ngập trận địa và thanh toán nhanh chiến trường.

Sau khi đất nước bị phân đôi từ ngày 20.7.1954, th́ gần như toàn bộ các lực lượng quân đội Việt Nam đều di chuyển vào Miền Nam. Ngày 1.5.1955, Liên Đoàn Nhảy Dù được thành lập. Mười năm sau, ngày 1.12.1965, chương sử mới của binh chủng Nhảy Dù được mở ra với buổi lễ xuất quân hùng hậu của Sư Đoàn Nhảy Dù với thành phần gồm 3 lữ đoàn bao gồm 9 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh và các tiểu đoàn yễm trợ tiếp vận. Với chiều dầy kinh nghiệm chiến đấu trên mọi chiến trường lớn và khốc liệt từ Bắc vào Nam, với những thành tích lừng lẫy, binh chủng Nhảy Dù vẫn luôn được Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH tin tưởng trong vai tṛ làm lực lượng Tổng Trừ Bị. Tổng Trừ Bị khác với các sư đoàn bộ binh ở chỗ Nhảy Dù luôn luôn di động khắp mọi miền đất nước để đáp ứng với đ̣i hỏi khẩn cấp của những mặt trận mà những đơn vị bộ binh hay Địa Phương Quân không giải quyết được. Sư đoàn bộ binh chỉ hoạt động trong khu vực quân khu và khu chiến thuật của ḿnh, rất ít ra khỏi vùng trách nhiệm, ngoại trừ một vài biệt lệ.

Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến : Sau Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến là một lực lượng kỳ cựu của quân đội VNCH, xuất thân từ các Đại Đội Commandos, Đại Đội Yễm Trợ Giang Đoàn của hai quân chủng Hải Quân và Lục Quân (Quân chủng là những lực lượng lớn mà trong đó có thành phần là những lực lượng nhỏ, binh chủng hay sư đoàn). Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến được chính thức thành lập từ Sắc Lệnh ngày 15.10.1954 do Thủ Tướng Ngô Đ́nh Diệm kư ban hành. Hai điều khoản 1 và 3 của Sắc Lệnh quy định rơ nhiệm vụ của Thủy Quân Lục Chiến như sau :

Điều khoản 1 : Hiệu lực kể từ ngày 1.10.1954, nay thành lập trong tổ chức Hải Quân Việt Nam một binh chủng bộ binh đặc trách kiểm soát các thủy tŕnh và thực hiện những cuộc hành quân thủy bộ dọc theo bờ biển Nam Hải và trong sông ng̣i, mang tên “Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến “ hay “Bộ Binh Hải Quân”


Điều khoản 3 : Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến sẽ gồm nhiều đơn vị khác nhau tùy theo nhiệm vụ, đă có sẵn trong quân chủng Hải Quân và Lục Quân, hay sẽ được thành lập tùy theo kế hoạch phát triễn của Quân Đội Việt Nam Cộng Ḥa. Ngày 1.1.1955, các Đại Đội Commandos (cũng thuộc quyền điều động của Pháp và vào Nam sau ngày 20.7.1954) cùng các Đại Đội Yễm Trợ Giang Đoàn được kết hợp nâng lên thành Tiểu Đoàn 1 TQLC. Sau đó là việc h́nh thành Tiểu Đoàn 2 TQLC. Quân số tăng trưởng đến cấp liên tiểu đoàn, nên có đề nghị từ cấp chỉ huy TQLC cho nâng binh chủng lên ngang tầm với Nhảy Dù, trở thành một binh chủng biệt lập với Hải Quân và được làm lực lượng Tổng Trừ Bị cho Bộ Tổng Tham Mưu. Kế hoạch này măi đến năm 1965 mới được chấp thuận, Bộ Tư Lệnh TQLC được thành lập để chỉ huy hai Chiến Đoàn TQLC với 5 tiểu đoàn TQLC và 1 tiểu đoàn pháo binh, tách ra khỏi Hải Quân và chính thức mang danh xưng dầy kiêu hănh : Tổng Trừ Bị của QLVNCH. Sau Tết Mậu Thân 1968, với thành tích chiến thắng ở hai mặt trận lớn là Sài G̣n và Huế của Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Tổng Tham Mưu thấy đă đến lúc cho thành lập Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Đến năm 1970 thì́ Sư Đoàn có 3 Lữ Đoàn với 9 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh và các tiểu đoàn yễm trợ tiếp vận. Tình hình chiến trường sau năm 1968 đă trở nên nặng độ, một Sư Đoàn Dù không đủ cáng đáng được nhiều mặt trận lớn cùng một lúc, Sư Đoàn TQLC nhận vinh dự làm lực lượng Tổng Trừ Bị QLVNCH, hănh diện sánh vai và chia sẻ gánh nặng chiến trường với Sư Đoàn Nhảy Dù, nhưng vẫn giữ nhiệm vụ khởi đầu từ năm 1954 là hành quân thủy bộ, kiểm soát vùng biển và sông ngòi Miền Nam.

Binh chủng Biệt Động Quân : Là một lực lượng đàn em của hai binh chủng Dù và TQLC, ra đời ngày 1.7.1960 để đáp ứng với hình thái chiến tranh du kích của Việt cộng ở Miền Nam bắt đầu dậy lên từ năm 1959 với những hành động tàn bạo của chúng như ám sát, bắt cóc, khủng bố, đấp mô, gài ḿn trên đường, phá cầu cống, ngăn trở giao thông,...


Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đă giúp huấn luyện binh chủng Biệt Động Quân. Tổng Thống Ngô Đình Diệm của nền Đệ Nhất Cộng Ḥa đă chỉ thị Nhảy Dù, các sư đoàn bộ binh tuyển những chiến sĩ t́nh nguyện sang chiến đấu dưới màu cờ của binh chủng Biệt Động Quân. Nên sau này các bạn trẻ thấy nhiều vị chỉ huy BĐQ và sĩ quan có người mang trên ngực áo những cánh dù trắng. Dần dần, có 65 đại đội BĐQ được thành lập. Năm 1961, một dự án được Tổng Thống Diệm phê chuẩn để nâng tổng số lên thành 81 đại đội BĐQ. Biệt Động Quân có nghĩa là một lực lượng quân đội có những công tác hoạt động đặc biệt và hành quân biệt lập. Những đại đội BĐQ được huấn luyện chiến thuật phản du kích, chống sự xâm nhập của thổ phỉ Việt cộng vào những vùng kiểm soát của Quân Đội VNCH, t́m và tiêu diệt địch ngay trong những an toàn khu của chúng.

Tổng Thống Diệm đă đích thân chọn lựa những đại đội ưu tú nhất của các sư đoàn bộ binh để cải chuyển sang thành các đại đội BĐQ. Như vậy, Biệt Động Quân giải quyết những chiến trường nhỏ, đương đầu với những toán Việt cộng, thường thường là cấp đại đội, chủ động t́m và đánh vào chỗ trú ẩn của chúng trước, chứ không chờ đợi mặt trận nổ lớn rồi mới đến, hay mở những cuộc hành quân lùng địch cấp tiểu đoàn, lữ đoàn hoặc chiến đoàn như Dù và TQLC.

Năm 1963, binh đội cộng sản Bắc Việt bắt đầu vào Miền Nam mở những trận đánh lớn cấp tiểu đoàn. Để thích ứng với với t́nh h́nh khẩn trương đó, cấp đại đội không c̣n đủ hỏa lực đối đầu với cấp tiểu đoàn địch, các đại đội BĐQ được kết hợp thành tiểu đoàn. Khi địch mở những trận địa chiến cấp trung đoàn, các tiểu đoàn BĐQ lại được kết hợp thành những liên đoàn, mỗi liên đoàn có 3 tiểu đoàn bộ binh. Đó là thời điểm sau năm 1966, song song với sự phát triễn lớn mạnh của toàn QLVNCH, BĐQ cũng được nâng lên cấp Liên Đoàn, với năm Liên Đoàn 1, 2, 3, 4 và 5 BĐQ. Mỗi liên đoàn được làm thành phần trừ bị của mỗi Vùng Chiến Thuật mang con số tương ứng, riêng Liên Đoàn 5 trực thuộc Vùng III Chiến Thuật. Như vậy từ thời điểm 1966, lực lượng Mũ Nâu BĐQ đă chia gánh nặng chiến tranh với hai binh chủng đàn anh trong vai tṛ trừ bị Vùng, sau này là trừ bị quân khu (từ cuối tháng 10.1970, Vùng được đổi tên là Quân Khu). Đến cuối năm 1970, Lực Lượng Đặc Biệt được giải thể, nhiều binh sĩ và sĩ quan chuyển sang BĐQ. Đồng thời lực lượng Dân Sự Chiến Đấu Thượng (CDIG) và Biệt Kích Thượng Mike Force cũng được sáp nhập vào BĐQ, nâng tổng số tiểu đoàn lên đến 54. Đầu năm 1973, Bộ Tổng Tham Mưu soạn thảo một kế hoạch tái tổ chức binh chủng BĐQ, kếp hợp 54 tiểu đoàn thành 15 Liên Đoàn BĐQ, làm thành phần trừ bị chiến thuật cho ba Quân Khu I, II và III, bởi Sư Đoàn Dù và TQLC đă được Quân Khu I cầm giữ vô thời hạn, QLVNCH cần đến BĐQ như là một lực lượng thay thế, ít nhất là cơ động phản ứng, tăng viện và tiếp cứu nhanh trong mỗi quân khu.

Tình hình càng đòi hỏi, quân số Tổng Trừ Bị thiếu hụt, nên Bộ Tổng Tham Mưu đă nâng các Liên Đoàn 4, 6 và 7 BĐQ lên thành Tổng Trừ Bị. Năm 1975, có kế hoạch tổ chức đến 4 sư đoàn BĐQ phân phối cho bốn quân khu, nhưng chỉ có Sư Đoàn 101 BĐQ được hình thành trong tháng 4.1975 tại Sài Gòn. Kết luận :

Mỗi binh chủng từ lúc thành lập nhận một nhiệm vụ chiến thuật, chiến lược riêng và dần dần tiến hóa biến đổi theo cùng với t́nh h́nh. Từ sau năm 1971 trở đi, cộng sản Hà Nội đă mở những mặt trận kiểu quy ước chiến (có nghĩa là dàn quân đánh lớn bằng đủ loại hỏa lực chúng có, thách thức ư chí và sức mạnh của QLVNCH), nên ba binh chủng xuất sắc nhất của QLVNCH là Dù, TQLC và BĐQ cũng phải dàn đại quân nghênh chiến. Đánh lớn khắp nơi, những đặc điểm riêng của từng binh chủng không c̣n được phân biệt rơ, để chỉ c̣n một binh pháp chung, là cùng làm Tổng Trừ Bị. Mỗi binh chủng đều có những kinh nghiệm, quan niệm hành quân và chiến thuật cá biệt, cơ cấu tổ chức và huấn luyện khác nhau. Nói là trùng hợp th́ không hẳn đúng, v́ quân đội cần rất nhiều lực lượng tổng trừ bị để tung ra các chiến trường đỏ lửa. Mỗi binh chủng có màu cờ, màu mũ đội trên đầu, sắc áo riêng và niềm hănh diện truyền thống của binh chủng ấy.

2./ Biệt Cách Dù và Lực Lượng Đặc Biệt có giống nhau không ?Câu trả lời là Có và Không. Có là vì các chiến sĩ ấy cùng chiến đấu dưới huy hiệu chung của Lực Lượng Đặc Biệt (Hình con Hổ Nhảy Dù). Không là vì́ nhiệm vụ mỗi bên khác nhau. Lực Lượng Đặc Biệt được thành lập năm 1957, với những nhiệm vụ bí mật và đặc biệt như nhảy ra Bắc lấy tin tức, sách động dân chúng, các sắc tộc nổi dậy, viễn thám sang đất Lào, quấy phá vùng biển miền Bắc. Năm 1961, LLĐB thành lập thêm một số Đại Đội Biệt Cách Nhảy Dù Biệt Lập để làm thành phần hỗ trợ, ứng cứu cho những toán nhảy qua Lào hay ở những vùng biên giới nguy hiểm.




Năm 1964, các Đại Đội BCD được kết hợp thành Tiểu Đoàn 91 Biệt Cách Nhảy Dù, vẫn chịu sự chỉ huy của LLĐB. Năm 1968, Tiểu đoàn được cải danh thành Tiểu Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. Song song với hoạt động của Tiểu Đoàn 91 BCD, LLĐB c̣n thành lập Trung Tâm Hành Quân Delta. Tháng 8.1970, LLĐB được giải thể (bởi sau năm 1968, LLĐB không c̣n phụ trách xâm nhập đất liền và vùng biển miền Bắc nữa), binh chủng chỉ c̣n tồn tại Trung Tâm Hành Quân Delta và Tiểu Đoàn 81 BCD, hai đơn vị này sáp nhập lại thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, quân số dần dần lên đến 3,000 chiến sĩ và được chia ra làm ba Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật. Mỗi Bộ Chỉ Huy Chiến thuật có 4 Biệt Đội, mỗi Biệt Đội có 200 chiến sĩ.

Biệt Cách Nhảy Dù (Mỹ gọi là Airborne Ranger) có nghĩa là hành quân biệt lập và cách biệt với mọi binh chủng bạn, bởi nhiệm vụ quá đặc biệt và bí mật của binh chủng này. Nhiệm vụ chính yếu là nhảy toán (mỗi toán thông thường là 6 người), thâm nhập vào các mật khu, hậu cứ địch để lấy tin tức, quấy rối, phá hoại căn cứ địch, bắt cóc tù binh, cung cấp tọa độ đánh bom cho Không Quân, khám phá những kho vũ khí, thực phẫm của địch. Khi t́nh thế cho phép th́ các chiến sĩ BCD cũng tổ chức đánh địch ngay trong ḷng địch. Nói chung, Liên Đoàn 81 BCD được h́nh thành không phải để nhận nhiệm vụ đánh trận địa chiến. Các chiến sĩ BCD được ví von như là những chiếc “chén kiểu” quí giá vô cùng, v́ các anh được huấn luyện cho những công tác thật đặc biệt. Sở trường của BCD là đánh đêm. Tuy nhiên, khi t́nh h́nh nguy ngập như trong Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lừa 1972, Phước Long 1974, Bộ Tổng Tham Mưu đă sử dụng Liên Đoàn 81 BCD như là một lực lượng Tổng Trừ Bị tăng viện, tiếp cứu và thanh toán chiến trường. Sau chiến thắng Mùa Hè 1972 ở An Lộc


và Quảng Trị, Liên Đoàn 81 BCD được vinh dự làm lực lượng Tổng Trừ Bị sánh vai với các binh chủng tinh hoa bậc nhất của QLVNCH. Cán binh Hà Nội học thuộc ḷng câu kinh nhật tụng sau đây : “Có ba thứ trong Nam là tử thần, đừng gặp là hơn : Nhảy Dù - Biệt Cách Dù và Bom B 52”.



Xin trả lời câu hỏi : Biệt Kích Mỹ và Lực Lượng Đặc Biệt (Special Forces) là một hay khác nhau. Câu trả lời là hoàn toàn khác nhau.


Xin nói về LLĐB trước : Thành lập năm 1957 và nằm dưới quyền điều động của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH để thực hiện những công tác đặc biệt và tối mật : nhẩy ra Bắc lấy tin tức, trà trộn vào dân chúng Việt Nam hay người sắc tộc, thám sát những hệ thống tiếp vận trên đường ṃn Hồ Chí Minh, nhẩy sang Lào thám sát hệ thống đường ṃn HCM, đổ bộ và quấy phá vùng biển miền Bắc. LLĐB là một binh chủng nằm trong QLVNCH. Mối tương quan duy nhất của LLĐB với Biệt Kích Mỹ là cùng đóng chung trong những trại biên pḥng dọc theo biên giới Việt - Miên - Lào.

LLĐB được giải thể tháng 8.1970 vì đă hết nhiệm vụ nhẩy Bắc, nhẩy Lào và đổ bộ biển.






Biệt Kích Mỹ : Danh từ này rất mơ hồ, dùng để chỉ chung hai lực lượng được CIA Mỹ mướn và trả lương, hoàn toàn không thuộc về QLVNCH :

a./ Pḥòng Vệ Dân Sự : CDIG (Civil Defence Irregular Group). Gồm toàn những thanh niên người Thượng của nhiều bộ tộc ở cao nguyên miền Trung, ở vùng biên giới Việt - Miên - Lào, một số khác là người Việt gốc Miên. CDIG có nhiệm vụ đồn trú trong những trại dọc biên giới Việt - Miên - Lào ở những nới CIA nghi ngờ là những điểm từ đó binh đội Bắc Việt xâm nhập vào lănh thổ Việt Nam Cộng Ḥa. CIA nghĩ rằng người Thượng, người Miên là dân tộc miền núi chiến đấu giỏi, thông thuộc rừng núi, là nơi sinh ra và lớn lên của họ. Thông thường mỗi trại quân số lên đến vài trăm người, có sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ chỉ huy, sau này lại có thêm sĩ quan LLĐB Việt Nam đến, nhưng coi bộ quân CDIG không thích mấy và rất miễn cưỡng chịu thi hành lệnh của sĩ quan LLĐB Việt Nam. Các trại biên pḥng luôn là mục tiêu tấn công của quân cộng, v́ các trại ấy là trở ngại rất khó chịu trên đường xâm nhập hay hoạt động của chúng trong lănh thổ VNCH.

b./ Biệt Kích Mỹ : hay c̣n gọi là Mike Force do danh xưng Mobile Strike Force (Lực Lượng Tấn Công Cơ Động). Lính Biệt Kích Mỹ giống như Pḥng Vệ Dân Sự, do CIA mướn và trả lương, với thành phần là người Thượng và Miên. Họ mặc áo rằn ngụy trang(camouflag) rất khác biệt và rất dễ nhận ra so với áo rằn Dù, rằn TQLC, BCD, hay hoa rừng của BĐQ.


Lính Mike Force, như danh xưng, là một lực lượng hành quân tích cực hơn CDIG, thông thường là tiếp cứu những trại Pḥng Vệ Dân Sự bị cộng quân tấn công. Biệt Kích Mỹ không có nhiệm vụ tiếp cứu các đồn trại của QLVNCH. Nhưng ngược lại, nếu cần th́ chính các đơn vị QLVNCh sẽ tiếp cứu các trại CDIG và Biệt Kích Mỹ.

Năm 1970, LLĐB Mỹ rút về nước, bàn giao CDIG và Mike Force cho QLVNCH, từ đó quân số hai lực lượng này nằm trong quân số của QLVNCH, do chính quyền VNCH quản trị và trả lương. Bộ Tổng Tham Mưu đổi tên hai lực lượng này thành Biệt Động Quân Biên Pḥng cấp tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn trấn đóng một trại biên pḥng dọc theo biên giới Việt - Miên - Lào khắp bốn Vùng Chiến Thuật. Cuối năm 1973, Bộ Tổng Tham Mưu quyết định băi bỏ các trại biên pḥng, cho sáp nhập BĐQ Biên Pḥng vào hợp chung với Biệt Động Quân b́nh thường, và đều nằm chung dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân. Có tất cả 54 tiểu đoàn BĐQ vừa biên pḥng vừa b́nh thường được gom lại thành 45 tiểu đoàn, từ đó thành lập 15 liên đoàn BĐQ phân phối trên ba Quân Khu I, II và III (Quân Khu IV với các sư đoàn bộ binh và lực lượng Địa Phương Quân - Nghĩa Quân lớn mạnh, đủ sức đánh dẹp quân cộng, nên không cần các binh chủng Tổng Trừ Bị và BĐQ nữa). 3./ Biệt Cách Dù và Nhảy Dù đều dùng dù th́ có liên hệ mật thiết về kỹ thuật hành quân và tác chiến không ? Câu trả lời là Không, bởi lẽ nhiệm vụ chiến thuật, chiến lược của hai binh chủng hoàn toàn khác nhau.

Nhảy Dù : Binh chủng Tổng Trừ Bị, có nhiệm vụ đánh trận địa chiến, kết hợp liên binh chủng rất hùng hậu như pháo binh, thiết giáp, không quân. Tuy mang tiếng nhảy dù, nhưng những trận đánh có nhảy dù thực sự từ trên máy bay xuống rất ít, chỉ một đôi lần, thí dụ rơ nhất là trận Ấp Bắc năm 1963. Về sau, v́ hỏa lực pḥng không của địch quá mạnh, chiến trường đa số thuộc vùng rừng núi rất trở ngại cho việc nhảy dù, nên kỹ thuật được ưa thích nhất là nhảy từ trực thăng xuống (gọi là chiến thuật trực thăng vận), vừa an toàn, vừa tập họp binh sĩ một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất. Tuy vậy mỗi năm, mỗi chiến sĩ Dù từ binh sĩ lên đến hàng sĩ quan, ai cũng phải nhảy dù gọi là “Nhảy bồi dưỡng” một số saut ở những địa điểm an toàn.








Biệt Cách Dù : (Airborne Ranger) Cũng là một binh chủng Tổng Trừ Bị nhưng hoàn toàn không nằm dưới quyền điều động của sư đoàn Nhảy Dù, quan niệm và kỹ thuật hành quân, tác chiến cũng rất khác biệt.






Bởi nhiệm vụ đặc biệt và bí mật, nhảy toán nhỏ, nên chiến sĩ BCD hoạt động sâu trong vùng địch, hoàn toàn cách biệt với các binh chủng bạn. Binh chủng liên hệ mật thiết và luôn luôn là “ good and super friends” của BCD là các chiến sĩ trực thăng của Không Quân, và các anh Không Quân có nhiệm vụ đưa các anh BCD đến địa điểm để nhảy xuống, rồi bay đến bốc các BCD về. Cũng được học nhảy dù như các chiến sĩ Dù Mũ Đỏ, nhưng các chiến sĩ Dù Mũ Xanh BCD chưa từng nhảy dù trên trận địa bao giờ, và rất dễ bị địch phát hiện từ trên không. Biệt Cách Dù không được huấn luyện đánh trận địa chiến, trang bị hỏa lực nhẹ, đi rừng rất giỏi, đánh trong thành phố thần sầu, sở trường đánh đêm. Tuy vậy, khi cần thì́ các BCD cũng được Bộ Tổng Tham Mưu ném vào những chiến trường lớn như An Lộc, Quảng Trị Mùa Hè 1972, Phước Long 1974 để đánh trận địa chiến, các anh đă anh dũng hoàn thành sứ mạng.

Nhân ngày Quân Lực 19.6 năm nay, kỷ niệm 41 năm ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Ḥa đứng ra gánh vác trách nhiệm lèo lái, bảo vệ Tổ Quốc và Dân Tộc, chúng ta, những người còn sống dù là lính hay là dân, là thế hệ thuộc chiến tranh hay thế hệ trẻ Việt Nam trong thời b́nh, xin chân thành cúi đầu tưởng nhớ đến anh linh của 250 ngàn chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Ḥa đă anh dũng hy sinh trên khắp nẽo chiến trường trong ṛòng ră hai mươi năm, ngậm ngùi tiếc thương các anh và chia sẻ niềm đau cùng với hàng triệu quả phụ cô nhi, chân thành tri ân 500 ngàn chiến sĩ QLVNCH chiến thương vẫn c̣n sống khoắc khoải, đói khổ cùng cực ở quê nhà. Những người lính đă chết, các anh thương binh bên kia bờ Thái B́nh Dương và những người lính chúng ta c̣n sống, tất cả đều tự hào đă từng mặc chiếc áo lính màu xanh ô liu, hoa Dù, áo rằn Cọp Biển, Biệt Cách Dù, áo hoa rừng Biệt Động Quân, áo trắng Hải Quân, áo xanh Không Quân, kiêu hănh được chiến đấu dưới Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ Đại Nghĩa Việt Nam và dưới bóng Lá Quân Kỳ Quân Lực Việt Nam Cộng Ḥa. Dù có một lần QLVNCH bị các thế lực thù và “bạn” bức tử, nhưng tất cả NHỮNG NGƯỜI LÍNH QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA vẫn luôn ngẫng cao đầu đi vào lịch sử chống xâm lăng từ phương Bắc và́ đă bền bỉ đổ máu xương bảo vệ TỔ QUỐC, làm tṛòn TRÁCH NHIỆM của người trai thời chiến. Những người lính ấy luôn nêu cao DANH DỰ của một quân đội mà luôn là cơn ác mộng triền miên của cộng sản và binh đội Bắc Việt. Chúng chỉ thắng được chúng ta, những Người Lính QLVNCH khi chúng ta đă bị buộc phải buông súng. Nếu cây súng còn trên tay, viên đạn cuối cùng vẫn còn nằm trong ṇồng súng, thì́ bọn tiểu nhân Hà Nội chưa chắc đă dám ngỗ ngáo đắc chí đến tận ngày nay.

Sau ba mươi mốt năm, chúng ta, Những Người Lính QLVNCH đă không cần súng, ấy vậy mà cộng sản Hà Nội vẫn cứ ăn không ngon, ngủ không yên. Bởi lẽ, Người Lính QLVNCH là khắc tinh, là cơn ác mộng hăi hùng của chúng đến vô tận vô cùng.

Phạm Phong Dinh