NHA KỸ-THUẬT
BỘ TỔNG THAM MƯU
QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA
Mục đính của người viết bài này không ngoài hoài bão cung cấp cho các cựu quân nhân và cựu nhân viên dân chính đã từng phục vụ trong các đơn vị trực thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM / QLVNCH hiện định cư tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia khác trên Thế giới Tự Do, một sự hiểu biết tổng quát về sự tổ chức cũng như những hoạt động đặc biệt của đơn vị này.
Vì tính cách đặc biệt về tổ chức và nhiệm vụ của Kỹ Thuật / BTTM, ngay chính những quân nhân phục vụ tại một đơn vị của Nha Kỹ Thuật / BTTM cũng không hiểu rõ về đơn vị này. Do đó, nếu có sự hiểu lầm hay một sự hiểu biết thiếu chính xác của một số đơn vị bạn cũng không phải là một điều ngạc nhiên.
Danh hiệu Nha Kỹ Thuật / BTTM chỉ là một danh hiệu " vỏ bọc " để bảo vệ những hoạt động thực sự đối với Cộng Sản cũng như đối với các đơn vị bạn khác. Nha Kỹ Thuật / BTTM chính thức là Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ, ngang hàng với cấp Sư đoàn Tổng Trừ bị do một cấp Thiếu Tướng làm Tư lệnh.
Nha Kỹ thuật / BTTM trải qua rất nhiều lần cải danh và thay đổi về tổ chức và nhiệm vụ, tùy theo sự biến chuyển về tình hình chính trị quốc nội cũng như tình hình quân sự trên chiến trường.
Trước khi đi sâu vào vấn đề này, kẻ viết bài này xin mạn phép trình bày sơ lược về cá nhân và sự liên hệ đối với Nha Kỹ Thuật / BTTM kể từ năm 1961 cho đến ngày chính Thức giải tán đơn vị này vào ngày 28 tháng 4 năm 1975 do khẩu lệnh của Đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng / QLVNCH, trước khi Đại tướng từ chức vụ Tham Mưu trưởng.
Vào cuối năm 1960, trong khi phục vụ tại một đơn vị thuộc Sư đoàn 1 Bộ Binh đồn trú tại Quảng Trị, tôi đã được lệnh cấp tốc trình diện Phủ Tổng Thống. Thật là một ngạc nhiên to lớn đối với một cấp úy nhỏ như tôi. Sau khi được đơn vị trưởng cấp sự vụ lệnh, tôi được một vị đại diện Phủ Tổng Thống từ Huế ra đón và đưa thẳng về Đà nẵng. Tại đây, tôi lại được một đơn vị khác tiếp xúc, bắt tôi thay thường phục và đưa ra phi trường đáp phi cơ Air Việt Nam về Saigon. Tại Phi trường Tân sơn nhất, tôi lại được một đơn vị khác đón và đưa về một căn nhà tại khu Tân Định, nằm trong một ngõ hẹp. Dù tôi có ý gợi chuyện trong lúc đi đường, các vị này đều có vẻ huyền bí và rất ít nói chuyện. Tại căn nhà này, tôi lại càng ngạc nhiên hơn vì lần đầu tiên tôi được gặp và giới thiệu với một số nhân viên Hoa Kỳ. Tôi không biết các vị này cả Việt lẫn Mỹ, thuộc đơn vị hay cơ quan nào. Tôi cũng chưa biết vị chỉ huy tôi là ai, quân nhân hay dân sự. Một nhân viên Hoa kỳ có vẻ ngạc nhiên về khả năng Anh văn của tôi. Tôi cho ông ta biết là tôi đã tốt nghiệp khóa 6 tháng thông dịch viên Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ vào đầu năm 1958.
Tôi muồn nhắc đền sự việc này vì nhờ sự hiểu biết về anh văn mà tôi được giữ những chức vụ có liên quan đến việc tiếp xúc với cơ quan Tình báo Hoa Kỳ sau này. Vì nhân viên Hoa Kỳ này cho tôi biết là ngày hôm sau tôi sẽ được tham dự khóa " Tình báo đặc biệt " do các nhân viên tình báo Hoa kỳ đảm trách hướng dẫn. Người Mỹ gọi là khóa " Clandestine Operation " được huấn luyện cho các nhân viên điệp báo hoạt động tại hậu tuyến địch. Nói tóm lại đây là khóa huấn luyện gián điệp. Tôi có hỏi sau khóa này tôi sẽ làm gì nhưng không ai xác định gì cả. Họ chỉ cho biết là sau khóa huấn luyện tôi sẽ trở thành một " Case Officer " hay là " Trưởng công tác ". Tên tôi được biến thành Emile, cũng như các học viên khác Leon, Antoinne, Charles .v.v. . . Thật ra các tên tây phương này được đặt ra để giúp cho người Mỹ dễ nhớ trong khi huấn luyện cũng như khi hợp tác làm việc sau này. Ngoài các tên này, chúng tôi được gọi bằng những bí danh khác với mục đích bảo vệ lý lịch, đề phòng đối phương theo dõi trong thởi gian liên hệ với công tác tình báo. Đây chỉ là một trong những nguyên tắc căn bản của ngành điệp báo.
Sau khóa học kéo dài 4 tuần lễ, tôi được các vị huấn luyện viên Hoa Kỳ khen thưởng về sự cố gắng và thông suốt các nguyên tắc của ngành tình báo. Sau đó, tôi được trình diện đầu tiên với vị chĩ huy trực tiếp của tôi là vị Trưởng phòng 45 của Sở Khai thác Địa Hình trực thuộc Phủ Tổng Thống.
Tôi rất mừng rỡ vỉ vị chỉ huy trực tiếp của tôi là Đại Úy BÌNH tức là Đại Úy Ngô Thế Linh mà tôi đã làm dưới quyền tại Phòng III / Quân đoàn I tại Đà Nẵng vào đầu năm 1958. Sự nghiệp quân sự của tôi, giai đoạn có ý nghĩa nhất là bắt đầu khóa học tình báo đặc biệt này cho đến ngày cuối cùng của QLVNCH vào cuối tháng 4 năm 1975. Với hơn 14 năm được phục vụ tại một đơn vị đặc biệt, giữ những chức vụ tuy nhỏ nhoi nhưng được gần gũi với các cấp chỉ huy cao cấp và được sự tin tưởng của các vị này, cũng như các vị cố vấn Hoa Kỳ cao cấp, tôi đã theo dõi và chứng kiến các hoạt động của Nha Kỹ Thuật / BTTM, sự cải danh của nó, từ vị trí của một Phòng sở nhỏ trở thành một đại đơn vị có tầm mức chiến lược quan trọng.
Sự bành trường và lớn mạnh của Nha Kỹ Thuật / BTTM đều tùy thuộc và ảnh hưởng bởi các biến chuyển của tình hình chiến sự quốc nội, tình hình chính trị trên thế giới, đường lối chỉ đạo của Hoa Kỳ đối với chiến cuộc tại Việt Nam và cuối cùng là khả năng hoạt động của các đơn vị thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM.
Những tài liệu trình bày sau đây đều dựa theo trí nhớ của tôi. Do đó, về thời gian và không gian có thể có một vài sự sai lầm nhỏ hoặc một chút thiếu sót. Tôi nghĩ rằng dù nếu có một vài sự thiếu sót, ý nghĩa và mục đích của bài này sẽ không sai lạc và các điểm chính yếu tôi muốn nêu ra vẫn được bảo đảm.
Sở Khai thác Địa hình trực thuộc Phủ Tổng Thống, lúc bấy giờ do Cố Đại Tá Lê Quang Tung là Chỉ huy trưởng. Đơn vị này được giao phó rất nhiều công tác tình báo quan trọng, về quốc nội cũng như quốc ngoại, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong các cơ cấu tình báo, Phòng 45 hay Phòng E được đặc trách hoạt động thu thập tin tức tình báo tại miền Bắc vĩ tuyến 17, với các hệ thống điệp báo nằm vùng xâm nhập từ Miền NAM hoặc từ Đệ Tam Quốc gia bạn. Tại nội bộ đơn vị, Sở Khai thác Địa Hình cũng được gọi là KHIÊM QUANG, mỗi chữ biểu hiệu cho một Phòng của đơn vị. Phòng E sau này còn được gọi là SB, viết tắt cho Sở Bắc. Kể từ năm 1960 trở đi, hoạt động điệp báo tại miền Bắc được đặc biệt chú trọng vì nhu cầu tin tức chiến lược nhằm ước tính khả năng của Cộng Sản, hầu ngăn chặn mưu đồ xâm lược của miền Bắc.
Để yểm trợ tài chính và kỹ thuật cho các công tác đặc biệt này, cơ quan Combined Studies thuộc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon được giao phó phối hợp và đảm trách. Công tác tình báo và các hoạt động đặc biệt nhằm đối tượng Cộng Sản đều do cơ quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ cố vấn và tài trợ vì vấn đề kỹ thuật phức tạp và phí tổn to lớn. Cơ quan Combined Studies cung cấp chuyên viên, tin tức tình báo căn bản, các tài liệu và vật dụng cần thiết, cũng như nhu cầu tài chính để hoàn thành công tác.
Vì bài này chỉ giới hạn về tổ chức và nhiệm vụ tổng quát của Nha Kỹ Thuật / BTTM và các tổ chức tiền thân, nên tôi sẽ không đề cập đến chi tiết các hoạt động, cách tổ chức các Toán công tác cũng như thành quả của các Toán này. Tôi mong rằng sẽ có cơ hội trình bày trong những bài kế tiếp.
Vào đầu năm 1963, Sở Khai thác Địa Hình được biến cải thành Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, với hai đơn vị chiến đấu nòng cốt là Liên đoàn 77 và Liên đoàn 31. Đại Tá Lê Quang Tung cũng là vị Tư lệnh đầu tiên của đơn vị này. Sở Bắc vẫn tiếp tục hoạt động và duy trì sự phối hợp với cơ quan Combined Studies của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, trong khuôn khổ tổ chức của Bộ Tư Lệnh LLDB mới thành lập. Sau cuộc chính biến và Cách mạng 1963 và Đại tá Lê quang Tung bị sát hại. Và LLĐB được chỉ huy bởi một số các vị Tướng lãnh và sau đó dời về Nha Trang. Cũng trong thời gian này, Sở Bắc cũng được cải danh là Sở Khai Thác / BTTM và tiếp tục duy trì công tác đặc biệt, tách rời khỏi Lực Lượng Đặc Biệt. Vị Chĩ huy trưởng và Giám đốc đầu tiên của đơn vị này là Đại Tá Trần văn Hổ. Ngoài việc đảm trách công tác văn phòng, liên lạc phối hợp với ban Cố Vấn Hoa Kỳ, tôi vẫn tiếp tục tổ chức các Toán với tư cách Sĩ quan Trưởng Công tác. Một thời gian sau, Đại Tá Hổ chỉ định tôi làm Chánh Văn phòng. Song song với sự cải tổ về phía Việt Nam, Bộ Tư lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam MACV thay thế cho cơ quan Cố vấn Hoa Kỳ MAAG, cũng được thành lập. MACV - SOG là viết tắt của MACV - Studies and Observations Group, nhưng chính danh là Special Operation Group, được chỉ định Cố vấn và yểm trợ cho các công tác đặc biệt.
Ngoài các Toán Tình báo dài hạn xâm nhập Miền Bắc bằng Không vận hay Hải Vận và công tác Biệt Hải tập kích đánh phá các mục tiêu thuộc miền Bắc duyên hải. Sở Khai thác lại được lệnh tổ chức các Toán thám sát ngắn hạn hoạt động tại vùng biên giới Lào Việt nằm phía Bắc vĩ tuyến 17 cho đến vĩ tuyền 20. Các Toán này được gọi là các Toán Strata, viết tắt tiếng Mỹ là Short Term Reconnaisance and Target Acquisition teams. Hai đoàn công tác chính yếu của công tác Không vận lúc bấy giờ là Đoàn 68 đảm trách các công tác dài hạn vá các công tác đặc biệt khác Đoàn 11 phụ trách các công tác ngắn hạn.
Cũng trong thời gian này, vì nhu cầu khẩn cấp của chiến trường, Sở Khai Thác được chỉ thị huấn luyện các Toán Thám Sát đặc biệt mệnh danh là Shinning Brass tại căn cứ huấn luyện Long Thành, sau này gọi là Trung tâm Huấn luyện Quyết Thắng. Sở Liên lạc / BTTM cũng được thành lập trong thời gian này để đảm trách các công tác ngoại biên Việt-Miên và Việt-Lào. Các Toán này mang danh Lôi Hổ có nhiệm vụ thám sát, phá hoại các mục tiêu trọng yếu của địch, cùng công tác chỉ điểm mục tiêu cho các phi vụ không kích hoặc đánh phá xử dụng các lực lượng khai thác (Exploitation Forces ). Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Đại Tá Hồ Tiêu, trước phục vụ tại Sư đoàn Nhảy Dù. Sau đó Sở Liên Lạc được tiếp tục chỉ huy bởi các vị chỉ huy trưởng thuộc Sư đoàn Nhảy Dù. Các cuộc hành quân thám sát biên giới phát triển mạnh mẽ vào các năm 1966 – 1972, đặc biệt dưới sự chỉ huy của Đại Tá Liêu quang Nghĩa. Các vị chỉ trưởng sau này là Đại tá Nguyễn văn Minh và Đại Tá Nguyễn Minh Tiến.
Sở Liên Lạc (Biệt Kích Lôi Hổ) gồm có một Bộ Chỉ Huy đồn trú tại Saigon và 3 Chiến đoàn đồn trú tại Saigon và 3 Chiến đoàn đồn trú tại các Khu vực khác nhau, thích hợp với khu vực mục tiêu hoạt động:
• Chiến đoàn I đồn trú tại Đà Nẵng
• Chiến đoàn II đồn trú tại Kontum
• Chiến đoàn II đồn trú tại Ban mê Thuột.
Song song với các chiến đoàn này, MACV-SOG cũng có những cơ sở hành quân riêng rẽ đồn trú chung cùng doanh trại với các chiến đoàn. Kế hoạch hành quân được phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ chỉ huy Hoa Kỳ và Việt Nam liên hệ. Mỗi Chiến đoàn có nhiều Liên toán và mỗi Liên toán gồm có nhiều Toán. Các Toán này được tổ chức huấn luyện và hành quân theo Kỹ thuật của Lực Lượng Đặc biệt. Sự khác biệt là các Toán của Sở Liên lạc có nhiệm vụ hoạt động ngoài biên giới lãnh thổ và ngay trong lòng địch.
Khoảng năm 1965-1966, Sở Khai Thác / BTTM lại được đổi danh là Sở Kỹ thuật và sau đó không bao lâu, Sở này được nâng lên Nha Kỹ Thuật / BTTM, chỉ huy bởi một vị Giám đốc, cho phù hợp với tổ chức mới. Lúc bấy giờ Nha Kỹ thuật gồm có các đơn vị hoạt động trọng yếu như sau :
• Sở Liên Lạc
• Đoàn 11 và Đoàn 68 ( Sở Công tác được thành lập sau này )
• Sở Không Yểm
• Sở Phòng Vệ Duyên Hải
• Trung Tâm Huấn luyện Quyết Thắng
• Sở Tâm Lý Chiến (tuy là một Sở của Bộ Chỉ huy nhưng Sở này có tầm hoạt động rộng lớn và quan trọng).
• Sở Công tác sau này được thành lập với hai Đoàn Công tác 11 và 68. Sau khi Lực lượng Đặc biệt giải tán, Nha Kỹ thuật được tăng cường sĩ quan cán bộ cũng như nhân viên Toán hành quân. Các Đoàn kế tiếp được thành lập là Đoàn 71, 72 và Đoàn 75. Thời gian đầu tiên, Bộ Chỉ huy Sở đồn trú tại Nha Trang sau đó dời ra Đà Nẳng. Các Đoàn 11, 71 và 7 đồn trú tại Đà Nẳng
Các đoàn 11, 71 và 72 đồn trú tại Đà Nẳng, Đoàn 75 tại Ban Mê Thuột. Đoàn 68 vẫn tiếp tục duy trì tại Saigon, gần Bộ Chỉ huy Nha.
Đoàn 68 được giao phó tổ chức và hướng dẫn các Toán Tình báo dài hạn tại Miền Bắc. Các Toán được xâm nhập bằng Trực thăng vận từ lãnh thổ Đệ Tam Quốc Gia hoặc Nhảy Dù vào khu vực mục tiêu tại Miền Bắc. Một số Toán hoạt động tại vùng duyên hải Đông Bắc được đặt kế hoạch xâm nhập bằng hải vận. Nhiệm vụ chính yếu của các Toán này là thiết lập căn cứ hoạt động, quan sát và thám sát các mục tiêu, báo cáo về Trung Ương để nhận chỉ thị hoạt động. Các khu vực mục tiêu trọng yếu nằm dọc theo biên giới Hoa Việt, khu vực Đông Bắc Cao Bắc Lạng, khu vực Tây Bắc, sơn La, Lai Châu, khu vực Bắc vĩ tuyến Thanh Nghệ Tĩnh Bình. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là quan sát và báo cáo mọi chuyển quân của Bắc Việt trên các trục giao thông qua biên giới và xuống miền Nam. Các hoạt động trên bắt đầu giảm sút kể từ năm 1968.
Các Toán thám sát ngắn hạn thuộc Đoàn 11 lại được gia tăng và chú trọng hơn trong khi lực lượng chính quy Bắc Việt ồ ạt xâm nhập miền Nam qua các hành lang biên giới. Tuy vậy Đoàn 68 vẫn tiếp tục đảm trách các công tác đặc biệt khác, nhằm đánh lừa địch qua việc sử dụng các Hồi chánh viên cũng như tù binh chính quy, phối hợp với sở Tâm lý chiến.
Kể từ 1972 trở về sau, địa bàn hoạt động của các Toán thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM được thu hẹp lại cho thích hợp với nhu cầu chiến trường. Do đó, các Đoàn và Chiến đoàn công tác đều được tăng phái cho các Quân đoàn và thực hiện những cuộc hành quân thám sát nội biên sau hậu tuyến địch, nhằm mục đích cung cấp cho Quân đoàn những tin tức xác thực để khai thác.
Vị Chỉ huy trưởng đầu tiên của Sở Công Tác là Đại Tá Ngô thế Linh, nguyên là Phó Giám đốc Nha Kỹ Thuật / BTTM. Các vị chỉ huy kế tiếp là Đại Tá Nguyễn văn Hai và Đại Tá Ngô xuân Nghị trước phục vụ tại Sư đoàn Nhảy Dù.
Để yểm trợ cho các Toán hành quân Không vận của Sở Liên lạc và sở Công Tác. Sở Không Yểm có nhiệm vụ liên lạc với Bộ Tư lệnh Không quân, đáp ứng nhu cầu hành quân của Nha Kỹ thuật. Các nhu cầu này gồm phương tiện trực thăng xâm nhập và triệt xuất, các phi vụ thả toán xử dụng phi cơ từ C.47 đến C.123 và C. 130 do phi hành đoàn KQVN thực hiện. Các phi vụ quan sát bằn L.19 hay L.20, các phi vụ bảo trợ thả toán Skyraiders hay F.5. Các đơn vị Không quân này không trực thuộc Nha Kỹ Thuật nhưng các phi vụ đặc biệt này đều được ưu tiên thực hiện theo nhu cầu. Đặc biệt Phi Ðoàn trực thăng 219 được thường xuyên tăng phái cho Nha Kỹ Thuật / BTTM. Đơn vị này đồn trú tại Nha Trang, Những phi vụ tối ư đặc biệt và ngoài khả năng của KQVN đều do Không quân Hoa kỳ đảm trách, xuất phát từ các căn cứ trên lãnh thổ Đệ Tam Quốc Gia.
Trước năm 1964, một số phi vụ thả toán vào lãnh thổ Bắc Việt được thực hiện với các phi hành đoàn ngoại quốc do cơ quan tình báo Hoa Kỳ đảm trách và hoạch định qua hãng Air America tại Saigon. Sĩ quan liên lạc Không quân và cũng là Chỉ huy trưởng Sở Không Yểm từ năm 1961 cho đến tháng Tư năm 1975 là Đại Tá Dư Quốc Lương.
Nói về các hoạt động đặc biệt của Nha Kỹ Thuật mà không đề cập đến các công tác hải vận của đơn vị này là một thiếu sót đáng kể. Công tác Hải vận và Biệt Hải của Nha Kỹ Thuật / BTTM được giao phó cho Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Tiền thân của Sở này là căn cứ " Pacific ", trong hệ thống tổ chức của Phòng 45 thuộc Sở Khai thác Địa Hình. Sở Phòng vệ Duyên Hải được chính thức hoạt động Khoảng cuối năm 1964 và đầu 1965. Trước đó phương tiện xâm nhập các nhân viên điệp báo và các Toán tại các vùng Duyên hải Bắc Việt đều xử dụng các thuyền máy đánh cá, sửa chữa lại theo kiểu thuyền miền Bắc. Các thuyền này được đưa về Đà Nẳng để huấn luyện và thực tập về công tác xâm nhập cùng với nhân viên hay Toán hoạt động.
Sau này vì khả năng có giới hạn của các thuyền này và vì nhu cầu tốc độ và khả năng chiến đấu để bảo vệ, cơ quan Tình báo Hoa kỳ đã cung cấp cho Nha Kỹ thuật / BTTM các loại Chiến đỉnh SWIFT và NASTY, do một số thủy thủ đoàn ngoại quốc chỉ huy. Các Chiến đỉnh này có tốc dộ nhanh và được võ trang để tự vệ nếu bị Hải quân Cộng sản tấn công. Tuy vậy, các tàu này chỉ có tầm hoạt động ngắn, không qua vĩ tuyến 20. Sau này, sau khi MACV-SOG đảm trách yểm trợ NKT / BTTM, Sở Phòng vệ Duyên Hải được tăng cường các chiến đỉnh lớn PFT ( Patrol - Torpedo - Fast ) có tầm hoạt động xa, tốc độ nhanh và trang bị hỏa lực mạnh.
Các loại tàu này không những có khả năng tự vệ mà còn có khả năng đánh phá và tấn công các mục tiêu Cộng Sản nếu cần. Bộ Tư lệnh Hải Quân cũng được chỉ thị cung cấp các thủy thủ đoàn cho các chiến đỉnh này. Các hoạt động đặc biệt do Sở Phòng Vệ Duyên Hải thực hiện đều nằm trong sự kiểm soát và trách nhiệm của Nha KT / BTTM, không có liên hệ nào đối với Bộ Tư Lệnh Hải Quân và hoàn toàn được bảo mật tối đa. Các Thủy thủ đoàn này đều nằm trong Lực lượng Hải tuần trực thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải. Sở này được một vị cấp Tá do BTL / HQ biệt phái chỉ huy. Vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Thiếu Tá Ngô thế Linh (từ năm 1964 đến 1966), sau đó là Trung Tá Hồ văn Kỳ Thoại, sau này được thăng cấp Đề Đốc. Các Toán người Nhái và hoạt động được gọi là Lực Lượng Biệt Hải và thuộc Lực lượng Biệt Hải của Sở này. Các Toán này được huấn luyện và thi hành những công tác đặc biệt tương đương với các Toán SEAL ( Sea Air Land ) thuộc Lực lượng Hoa Kỳ. Toán viên Biệt Hải được huấn luyện về bơi lội, xử dụng Scuba, Nhảy Dù ngoài những kỹ thuật hành quân đặc biệt khác.
Toán có khả năng xâm nhập nhảy dù xuống các vùng mục tiêu dọc theo miền duyên hải, xử dụng bãi nhảy sát bờ biển hay cả trên mặt nước. Sau khi hoàn thành công tác, Toán có thể triệt xuất bằng cách bơi ra khỏi để được tàu tiếp đón và đưa về căn cứ ở Miền Nam. Các công tác này rất nguy hiểm nên phải được thiết kế một cách chi tiết và thận trọng.
Sau hiệp định Paris, hoạt động của Sở này bị giảm thiểu đáng kể và sau đó được tăng phái hành quân cho các Quân đoàn để thi hành một vài công tác đặc biệt tại các vùng do Cộng Sản kiểm soát tại miền NAM.
Một bộ phận hoạt động quan trọng khác trong hệ thống trách nhiệm của NKT / BTTM là Sở Tâm Lý Chiến. Tuy rằng trong thành phần tổ chức của Bộ Chỉ Huy Nha, Sở Tâm Lý Chiến là một đơn vị hoạt động không phải thuần túy tham mưu. Sở này sử dụng đa sồ chuyên viên dân sự để điều khiển các hệ thống phát thanh và các công tác chiến tranh chính trị khác nhằm yểm trợ cho cho hoặt động đặc biệt tại miền BẮC. Sở có trách nhiệm điều khiển hai hệ thống phát thanh. Đài Tiếng nói Tự Do là một hệ thống phát thanh " Xám ", tiếng nói của những người mến chuộng Tự Do chống đối hệ thống tư tưởng Cộng Sản. Một hệ thống phát thanh bí mật khác là Đài " Gươm thiêng ái quốc ", tiếng nói của Mặt trận Giải phóng Miền Bắc, nhằm hỗ trợ cho các công tác của các Toán đặc biệt nằm trong lãnh thổ Miền bắc. Ngoài công tác phát thanh, Sở TLC / NKT đã thực hiện nhiều công tác ly gián, lừa địch, sử dụng các Hồi chánh viên và Tù binh chính qui Bắc Việt.
Hai Đài phát tuyến Cồn Tre tại Quảng Trị và Thanh Lam tại Huế có tầm hoạt động rộng lớn bao gồm cả lãnh thổ Bắc Việt cho đến biên giới Hoa Việt. Phần lớn các hoạt động Tâm lý chiến và phát thanh đều được cơ quan Tình Báo Hoa Kỳ tài trợ và cố vấn về kỹ thuật. Sau này, " Đài Gươm Thiêng Ái Quốc " chấm dứt hoạt động vì tình hình chiến sự và chính trị thay đổi. Đài " Mẹ Việt Nam " được nối tiếp để duy trì công tác phát thanh của Nha Kỹ Thuật.
Đại Tá Trần văn Hổ nhậm chức Giám đốc Nha Kỹ Thuật / BTTM kể từ năm 1964 cho đến tháng 8 năm 1968. Chính trong thời kỳ này rất nhiều kế hoạch và hoạt động đặc biệt nhằm vào lãnh thổ miền Bắc được thực hiện. Sau vụ tấn công của Cộng Sản vào Tết Mậu Thân và các cuộc hòa đàm giữa Hoa Kỳ và Bắc việt tại Paris, hoạt động đặc biệt lần lần bị giảm thiểu, nhất là những công tác ngay trong lãnh thổ Bắc Việt. Các công tác này được tập trung và gia tăng tại các vùng giáp tuyến và các vùng biên giới Lào Việt, Miên Việt. Đại Tá Đoàn văn Nu được Đại tướng Tổng Tham mưu Trưởng bổ nhiệm làm Giám đốc thay thế Đại Tá Trần văn Hổ vào khoảng tháng 8 năm 1968 và tiếp tục chỉ huy Nha Kỹ Thuật cho tới ngày cuối cùng của Nha.
Trong thời kỳ này, tình hình chiến sự và chính trị thay đổi, đặc biệt nhất là đường lối của Hoa kỳ đối với chiến trường Việt Nam không còn quyết tâm như trước, do đó các công tác đặc biệt không còn được hỗ trợ mạnh mẽ như trước năm 1968. Tuy vậy, Nha Kỹ thuật / BTTM vẫn tiếp tục thực hiện nhiều thành tích đáng kể. Các Toán hoạt động tuy không phải xâm nhập vào lãnh thổ Bắc Việt hoặc sâu vào biên giới Lào Miên, được trực thăng vận ngay vào các khu vực địch kiểm soát. Các cuộc hành quân này cũng không kém phần quan trọng và còn nguy hiểm hơn nhiều. Các Toán này đã gây trở ngại và làm chậm mức xâm nhập của Cộng Sản trong mưu đồ xâm lược miền NAM Việt Nam.
Các Toán hành quân của Nha Kỹ thuật, dù thuộc một đơn vị nào cũng luôn luôn chứng tỏ tinh thần dũng cảm, đầy nhiệt huyết, xem sự chết nhẹ tựa lông hồng, chiến đấu oai hùng trong mọi nguy hiểm và hoàn cảnh khó khăn. Cuộc chiến đấu chống Cộng tuy đã chấm dứt vào cuối tháng 4 năm 1975, nhưng tinh thần của cuộc chiến và những giờ phút oai hùng đó không dễ gì phai mờ trong tâm trí cũa những Cựu Chiến Sĩ Nha Kỹ Thuật này.
Viết tại Winston-Salem, North Carolina
Cựu Quân nhân Trung Tá Lữ Triệu Khanh
Thuộc Nha Kỹ Thuật / BTTM
Lời Tòa Soạn: VNCH đã giữ vững được cuộc sống tự do trong suốt 21 năm ngắn ngủi nhưng đầy gian truân, máu và nước mắt, đầy sự hy sinh của biết bao nhiêu người. Trong số những sự hy sinh đó, phải nói tới sự hy sinh của người lính Biệt Kích Dù hoạt động tại Bắc Việt. Số phận của họ rất bi thảm khi bị kẹt tại Bắc Việt. Bảng tổng kết sơ khởi cho biết trong số những Biệt Kích Dù được thả ra miền Bắc có 7 người đã bị CS tuyên án tử hình và đã bị hành quyết, 9 người tử trận, 21 người chết trong các trại tù khổ sai miền Bắc, 7 người chết sau khi được thả về, 2 người mất tích khi thi hành nhiệm vụ, 11 người bị chỉ định phải định cư tại các nông trường hay hợp tác xã miền Bắc. Đa số những người còn lại đều bị tra tấn dã man và bị bắt lao động khổ sai trong những trại tù khắc nghiệt nhất. Tại sao hầu hết các biệt kích thả xuống miền Bắc đã bị CS bắt?
Bài viết sau đây là của Trung tá Nguyễn Văn Vinh, người trực tiếp phụ trách các toán Biệt Kích Dù được thả xuống Bắc Việt, sẽ cho chúng ta biết những nét đại cương về tổ chức các đơn vị Biệt Kích, các hoạt động của họ và cách thức điều hành của cơ quan tình báo Hoa Kỳ.
* * * * *
Vài nét về hoạt động của Biệt Kích Dù tại Bắc Việt
Ít ai biết đến các tên P45, Sở Bắc hay Sở Khai Thác, tiền thân của Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưụ Đó là những bí danh của một cơ quan tình báo chiến lược, được thành lập từ cuối năm 1958, đặt trực thuộc Phủ Tổng Thống và nằm trong mạng lưới chỉ huy của Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt VNCH. Cơ quan này được Hoa Kỳ yễm trợ cả về tài chánh lẫn các phương tiện cần thiết để thực hiện cuộc chiến tranh không quy ước chống miền Bắc CS.
Sau Hiệp dịnh đình chiến Geneva, vĩ tuyến 17 được chọn làm vùng phi quân sự và sông Bến Hải là biên giới thiên nhiên, ngăn cách 2 miền Nam Tự Do và Bắc CS. Quân đội viễn chinh Pháp, dưới áp lực của Hoa Kỳ, đã phải kéo cờ tam tài xuống khỏi dinh Norodom, nhường chỗ cho quốc kỳ VN tung bay tại dinh Độc lập vừa được đổi tên và đổi chủ. Để đáp lại, quân đội Pháp đã không nương tay, xóa sạch mạng lưới tình báo mà họ đã khổ công gầy dựng trong nhiều năm tại miền Bắc. Đây là một sự thiệt hại khá lớn cho ngành tình báo non trẻ của miền Nam. Trong khi đó, CS đã để lại tại miền Nam vô số cơ sở tình báo mà họ đã gầy dựng trong suốt thời kỳ chống Pháp, trong đó phải kể đến các thân nhân của các cán bộ và bộ đội tập kết. Thêm vào đó, các khuyết điểm to lớn chồng chất của 2 chế độ lỗi thời Thực dân dân và Phong kiến đã làm mồi nuôi dưỡng các phong trào chống đối trong nội bộ miền Nam, rất thuận lợi cho các cán bộ CS nằm vùng khai thác.
Dù vậy, ngành tình báo miền Nam, tuy phải xây dựng trễ và phải đặt nền móng từ đầu, nhưng lại được hưởng ứng nồng nhiệt vì đa số người Việt thời ấy, nhất là đồng bào di cư, các bộ lạc dân tộc thiểu số, các đảng phái chính trị và tín đồ các tôn giáo, đã thấy rõ bộ mặt gian dối của CS. Có người đã chứng kiến những vụ tàn sát hay đấu tô dã man các thành phần quốc gia yêu nước nhưng bất đồng chính kiến với CS và có khi họ chính là thân nhân của các nạn nhân đó. Ngoài ra, những tài liệu sống động như cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống đã gây được một ấn tượng ghê tởm CS trong mọi tầng lớp nhân dân miền Nam.
Nắm được các yếu tố thuận lợi trên đây, Sở Bắc đã gấp rút gửi nhân viên đến các trại định cư, liên lạc với các vị lãnh dạo tinh thần cũng như các bộ lạc dân tộc thiểu số, chiêu mộ các thanh niên nhiệt tình yêu nước còn thân nhân ở tại miền Bắc, để cấp tốc đưa về huấn luyện và tạo vỏ bọc thuận lợi, đưa họ về quê quán hoạt động.
Từ những năm đầu tiên đến năm 1966, các toán xâm nhập miền Bắc thường xử dụng một trong những phương cách sau đây:
- Nhảy dù đêm vào vùng mục tiêu.
- Xâm nhập đường biển bằng thuyền mẹ, và từ đó xử dụng thuyền con bơi vào vùng công tác.
- Xâm nhập vào vùng phi quân sự, vượt sông Bến Hải và lén lút đi bộ vào điểm công tác, móc nối với thân nhân đã nằm vùng, hoặc giới chức được tín nhiệm tại địa phương. Trường hợp sau này thường phải xử dụng “bona fides” để nhận nhau.
- Cử chuyên viên phục vụ tại Tòa Đại sứ của một vài nước thứ 3 như Lào, Cam-bốt, Pháp, Thái Lan hay Hong Kong...rồi từ đó tuyển mộ và huấn luyện các công tác viên có khả năng, và tạo cho họ cái vỏ bọc thích hợp cũng như giấy tờ hợp lệ để họ dễ dàng xâm nhập vào miền Bắc hoạt động. Phương pháp này đã được điều nghiên tỉ mỉ, nhưng vì quá tốn kém nên chỉ được thực hiện từng giai đoạn.
Tuy có nhiều hình thức xâm nhập khác nhau như vừa trình bày trên, nhưng trong bài này, tôi (Trung tá Nguyễn Văn Vinh) chỉ xin đề cập đến những toán Biệt Kích xâm nhập miền Bắc bằng đường hàng không mà thôi, vì đây la phần việc mà chính tôi đã đảm nhận trong nhiều năm tại cơ quan tình báo chiến lược này.
Những chuyến bay đêm
Các toán Biệt Kích Dù thường được thả xuống miền Bắc vào những đêm trăng. Mùa trăng thuận lợi cho công tác này bắt đầu từ ngày mồng 10 - 20 âm lịch hằng tháng. Giờ giấc được chọn tùy thuộc vào điều kiện an ninh và thời tiết tại vùng công tác. Để có đủ phương tiện đối phó với các bất trắc có thể xảy ra khi toán chạm đất, các nhân viên Biệt Kích Dù phải mang theo các trang bị cá nhân khá nặng nề. Ngoài súng tiểu liên Swedish K. của Thụy Điển hoặc Sten của Anh hay Uzi của Do Thái có trang bị ống giảm thanh và 3 đơn vị hỏa lực, họ còn phải đèo thêm các dụng cụ khác trên 20 món, nào bidon nước, bản đồ vùng mục tiêu, địa bàn, lựu đạn, 3 ngày lương khô, đèn bấm, pamean, dao găm, túi cứu thương cá nhân, cà mèn, pháo hiệu (pen flare), đồng hồ đeo tay, radio, v.v...
Các dụng cụ này thường được mua ở các nước thứ 3 và không một trang cụ nào được mang nhãn hiệu Hoa Kỳ hay miền Nam VN. Các đồ trang bị tập thể nhưng dụng cụ phá hoại, đồ cứu thương, lương thực dự trữ dùng cho 3 tháng, v.v...đều được đóng thành kiện. Máy truyền tin dự trữ và máy beacon là máy phát tín hiệu có tầng số nhất định, được đặt tại kiện hàng só 1. Các toán viên khi nhảy dù xâm nhập vào đêm, chiếc dù có thể bị ảnh hưởng của gió, bạt ra xa cách bãi thả 1-2 km. Nhưng nhờ các radio cá nhân, họ có thể dễ dàng bắt tín hiệu từ máy beacon phát ra, để đi về hướng tập trung.
Thông thường, các nhân viên quê quán vùng vào được thả về mục tiêu vùng đó. Để đảm bảo an ninh cho công tác, mục tiêu và nhiệm vụ của toán chỉ được thuyết trình vào giờ chót, trước khi lên máy baỵ Các chuyến xuất phát trong những năm đầu đến năm 1964, chính cơ quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ đã yểm trợ cho các chuyến bay bí mật này và lộ trình duy nhất được xử dụng là Tân Sơn Nhất - Đà Nẵng - Vùng mục tiêu.
Tại Đà Nẵng, đợi lúc trời tối, phi cơ cỡi bỏ hết mọi huy hiệu trước khi khởi hành xâm nhập vào vùng hành quân. Phi cơ được xử dụng là loại DC7 hoặc DC6. Phi hành đoàn thường là người Trung Hoạ Tuy nhiên, cũng có lúc phi hành đoàn là người VN, được tuyển chọn trong số sĩ quan có khả năng và được tín nhiệm nhất của Không Quân Việt Nam. Phó TT Nguyễn Cao Kỳ hồi còn mang lon Đại úy, đã nhiều lần làm phi công chính thức cho các phi vụ đặc biệt này. Đến cuối năm 1966, Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ rút vào bóng tối, nhường chỗ cho MAC-SOG, một cơ quan tình báo quân sự, thay thế yểm trợ cho Nha Kỹ Thuật.
Khi cường độ chiến tranh VN đi đến giai đoạn khốc liệt nhất thì nhu cầu tin tức gia tăng cao, do đó số toán Biệt Kích Dù hoạt động phải được tăng cường nhiều hơn. Các phương tiện xâm nhập cũ được thay thế bằng C123 hoặc C130 và nơi phát xuất được chuyển sang Nakor-Phanum, một sân bay nằm sát biên giới Thái-Lào hoặc sân bay don nằm ở phía Đông -Bắc Thái Lan. Từ các nơi đó các toán Biệt Kích Dù được chuyển qua trực thăng CH3 để bay băng qua lãnh thổ Lào, tiến về vùng mục tiêu nằm trên ranh giới Lào-Việt. Cũng có lúc mục tiêu được lựa chọn nằm sâu trong nội địa Bắc Viêt.
Trực thăng là phương tiện xâm nhập vừa rẻ tiên vừa tiện lợi nhưng lại là phương tiện kém an toàn nhất, vì tiếng động cơ quá lớn, địch dễ phát hiện. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân thất bại của công tác Biệt kích tại miền Bắc? Vấn đề này đã được phía VN quan tâm và nêu lên nhiều lần trong các phiên họp Việt-Mỹ, nhưng phía đối nhiệm không quan tâm.
Số phận những con chim lạc loài
Đến cuối năm 1968, trong số gần 40 toán được cho xâm nhập bằng đường hàng không và đường bộ để hoạt động dài hạn, chỉ con có 5 toán là còn giữ được liên lạc với Trung ương, đó là các toán Tourbillon (1962), AreÀs (1962), Remus (1963), Easy (1963) và Eagle (1963). Theo đánh giá chung của các chuyên viên hữu trách Việt - Mỹ. thì cả 5 toán này hình như đã bị địch kiểm soát, nhưng cá nhân tôi vẫn còn tin tưởng một toán, đó là toán Ares. Sự tin tưởng này có thể đúng vì lý do sau đây:
Vào những năm đầu ở trại cải tạo, tôi thường bị cán bộ, không biết thuộc cơ quan nào và cấp nào, đã thay nhau thẩm vấn tôi về các toán Biệt Kích. một trong những lần thẩm vấn ấy, tôi bị 3 tên cùng một lúc thay nhau hạch hỏi suốt buổi sáng, khiến tôi không còn sức chịu đựng, tôi đã bị gục ngã vì tức giận và xây xẩm. Họ cho người dẫn tôi về phòng, nhưng 2 giờ sau lại kéo tôi lên tiếp tục thẩm vấn. Họ dùng đủ trò ma giáo “hỉ, nộ, ái, ố”,...lúc thì mời tôi hút thuốc lá “có cán” (tức loại thuốc có đầu lọc, một loại thuốc cao cấp vào thời ấy), lúc lại đập bàn quát mắng, khinh bĩ. Họ chưa bao giờ đánh đập tôi lúc thẩm vấn, nhưng họ đã dùng những lời rất cộc cằn và thô lổ để áp đảo tinh thần tôi.
Một điều làm tôi quan tâm hơn cả là họ hỏi tôi rất nhiều về toán Ares, như trưởng toán tên gì, quê quán ở đâu, tuổi tác độ bao nhiêu, dáng điệu bên ngoài như thế nào, có những đặc điểm gì, những liên hệ gia đình, địa chỉ của các người thân lúc ở miền Nam, v.v... Tôi thầm nghĩ nếu Ares đã thật sự nằm trong tay họ thì mắc mớ gì họ phải hỏi tôi những chuyện thừa thải ấy. Tôi có lý do để không trả lời họ, vì Ares đã xuất phát năm 1962, trước khi tôi được thuyên chuyển về Sở Bắc. Tuy nhiên, hôm nay tôi xin nói ra đây những gì tôi có thể nói ra được. Một vài chi tiết khác tôi thấy chưa thể tiết lộ lúc này vì có thể phương hại đến sự an toàn của toán đó, nếu quả thật toán đó đến nay vẫn còn dấu được tung tích.
Ares hay Hạ Long có tên thật là..., một cán bộ trung cấp và là đảng viên CS bị khai trừ vì bất mãn. Anh đã theo đoàn người di cư vào Nam năm...và được một giới chức miền Nam báo cáo lên ông Ngô Đình Nhu, Tổng Thống Diệm và ông Nhu đã lưu tâm và giúp đỡ cho người này. Sau dó, Sở Bắc đã cử người đến tiếp xúc thuyết phục và bố trí cho anh trở về Bắc hoạt động. Anh đã đồng ý và đã được đưa xâm nhập vào Vịnh Hạ Long năm 1962, rồi từ đó tiến dần về cảng Hải Phòng và nhà máy điện Uông Bí. Đây là 2 mục tiêu mà anh có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo mọi sinh hoạt. AreÀs tỏ ra rất tích cực trong mọi nhiệm vụ giao phó, và điều rất kỳ lạ là anh đã mộ mến Tổng Thống Ngô Đình Diệm một cách khác thường. Hàng năm, trước ngày Song Thất hoặc 26/10, anh đều có đánh điện chúc mừng TT Diệm và nguyện trung thành phục vụ tổ quốc. Khi nghe tin TT Diệm bị giết qua đài phát thanh, anh rất thắc mắc và sau khi được Trung ương xác nhận, anh đã tỏ ra chán nản tột độ. Dù vậy, anh vẫn thi hành mọi công tác giao phó một cách chu đáo. Những chuyến tàu cập bến Hải Phòng, nhất là các tàu chở vũ khí hay quân dụng, đã được anh theo dõi và báo cáo khá chi tiết. Ngoài nhiệm vụ trên, anh còn báo cáo kết quả oanh tạc của một số mục tiêu khác nhau như cầu Hàm Rồng và nhà máy điện Uông Bí ở quanh vùng Hải Phòng.
Để giúp anh thi hành nhiệm vụ trong thời gian anh bị bị bịnh sốt rét, Trung ương đã chấp thuận đề nghị của anh, tuyển mộ thêm người em ruột và một hai người khác trong họ hàng, để phụ anh thực hiện quan sát các mục tiêu ở xạ Trong những năm 1966, 1967 và 1968, bệnh sốt rét của anh trở nên trầm trọng, nhưng Trung ương không tiếp tế cho anh được vì địa điểm nhận tiếp tế của anh nằm trong Vịnh Hạ Long đã bị lộ. Thêm vào đó, vùng biển Hải Phòng bị Mỹ gài mìn khiến mọi cố gắng tiếp tế bằng thuyền cho anh đều không thể thực hiện được.
Khoảng giữa năm 1968, do lời yêu cầu của phía VN, Hoa Kỳ đã tìm được kế hoạch tiếp tế cho AreÀs. Trung ương báo ngay cho ahn tọa độ một số bãi thả tiếp tế và yêu cầu toán đến tận nơi nghiên cứu và báo ngay địa điểm ưu tiên được chọn. Sau khi nhận phúc đáp, Trung ương đã hướng dẫn các chi tiết mà toán phải thi hành để có thể nhận tiếp tế đúng như dự liệu. Đến ngày N, giờ G, một đoàn phản lực đã xuất hiện bắn phá một số mục tiêu ở Hải Phòng, cùng lúc đó một phản lực cơ khác đã bắn một thùng “container” đựng hàng tiếp tế xuống thửa ruộng đã ấn định và được AreÀs đánh dấu bằng 2 cụm khói trắng như đã chỉ thị. Cách tiếp tế này đã được thực tập 2 lần tại trại Long Thành và cả 2 lần đều đem lại kết quả mong muốn. Trong container đựng hàng tiếp tế, ngoài lương thực, thuốc men, áo quần còn có 10 khâu vàng để toán trao đổi thực phẩm hoặc thuốc men mỗi khi cần đến. Ngoài các vật dụng trên, còn có 4 lá thơ, trong đó có một lá thơ thăm hỏi của Trưởng công tác, còn 3 lá thơ khác được dán bì kín. Toán được chỉ thị dán tem vào và tuần tự gởi đến một địa chỉ trung gian tại Thái Lan. Mỗi thơ đều có dấu hiệu riêng mà toán không được biết lý do.
Chỉ trong một thời gian ngắn, 2 thơ có nội dung thường đã đến tay người nhận, thơ còn nguyên si không bị mở, nhưng thơ thứ 3 có “gài” một tài liệu bí mật giả tạo lại không đến tay người nhận. 2 tháng sau, khi dược Trung ương hỏi về lá thơ này thì toán cho biết, trên đường di tới bưu điện, bị còi báo động, đương sự phải chạy tìm hầm trú ẩn, không may đánh rơi lá thơ xuống vũng bùn nên đương sự đã không gửi. Lý do này đã khiến bạn đồng minh Hoa Kỳ nghi ngờ lòng trung thành của Ares
Nhiệm vụ mới
Đến năm 1968, sau đợt tấn công của địch vào dịp Tết Mậu Thân, Nha Kỹ Thuật phải lãnh nhận thêm rất nhiều công tác ngoại biên với những toán mới được thành lập : - Các toán STRATA là những toán quân nhân được huấn luyện thuần thục để thi hành những công tác đột kích hay phá hoại các căn cứ địch nằm trên lãnh thổ Bắc Việt. - Các toán PICK-HILL là những toán người Miên gốc Việt hoạt động trong lãnh thổ Cam-bốt, có nhiệm vụ quan sát và phá hoại các căn cứ địa của VC nằm trên lãnh thổ nước láng giềng Cam-bốt. - Các toán EARTH-ANGEL, còn được gọi là Đề Thám, là những toán được thành lập với thành phần tù binh bộ đội Bắc Việt hồi chánh. Các toán này hoạt động rất đắc lực, được trang bị như bộ đội chánh quy miền Bắc. Nhờ đó họ len lỏi vào vùng địch khá dễ dàng và đã nhiều phen lập được nhiều thành tích đáng kể. Một số toán viên sau dó đã gia nhập Quân đội VNCH. - Các toán SINGLETON hoạt động riêng biệt từng cá nhân. Họ là những Việt kiều từng sống nhiều năm tại Cam-bốt, được móc nối trở lại hoạt dộng nằm vùng tại Mimote, Krek, Sihanoukville, Kratié, Ba Thu, v.v... Đây là những nơi địch đặt căn cứ quân sự và hoạt động rất mạnh. Các nhân viên này có nhiệm vụ theo dõi, báo cáo hoạt động địch và hướng dẫn phi cơ oanh tạc lúc cần thiết.
Ngoài các toán hoạt động như trên, còn có chương trình công tác lừa địch và ly gián địch, được gọi là chương trình Borden, mà toán viên là những tù binh bộ đội Bắc Việt cứng đầu. Họ được học nhảy dù vài hôm trước khi được trang bị như một toán viên rất trung thành của miền Nam : một bản đồ, lệnh hành quân, thơ giới thiệu, v.v... Các thứ này được dấu kín trong áo nhảy và chỉ được trao cho toán viên tù binh cứng đầu mặc vào trước khi được thả dù xuống vùng địch chiếm đóng.
Các chương trình mới này đã đem lại những kết quả hết sức khích lệ, nên phía Hoa Kỳ đã yêu cầu phía VN chấm dứt liên lạc với 5 toán còn lại ở miền Bắc, bằng cách ra lệnh cho các toán ấy tìm cách xâm nhập qua Lào, trinh diện với bộ đội Vang Pao hoặc rút về miền Nam... Tuy nhiên, nhiều tháng sau khi lệnh được ban hành, không một toán nào xuất hiện.
Hướng về những người anh em kiêu hùng
Các Biệt Kích Dù bị CS bắt đã phải chịu đủ thứ cực hình. Tuy vậy, họ vẫn giữ vững tinh thần quốc gia và đồng đội. Thái độ cương quyết của họ đã phải làm các cán bộ CS khâm phục và gọi họ là những người “không cải tạo được”. Mãi đến một thời gian lâu sau khi VNCH bị chiếm đóng, CS mới tuần tự tạm trả tự do cho các tù nhân Biệt Kích. Người được trả sớm nhất đã phải ở tù suốt 15 năm và người lâu nhất trên 20 năm. Khi họ trở về, chúng ta đã biết thêm được nhiều chuyện đã xảy ra khi họ công tác tại Bắc Việt. Tuy nhiên, vẫn còn một số toán bặt tin, trong đó có toán VOI do anh Trần Hiếu Hòa làm trưởng toán cùng với 4 toán viên. Toán AreÀs mà tôi đã đề cập ở trên và một vài toán khác nữa, cũng đang nằm trong danh sách những toán mất tích này. Phải chăng họ đã bị thủ tiêu hay đã hy sinh trên đường thi hành nhiệm vụ. “Hy sinh trong bóng tối, tất cả vì Tổ quốc”, đó là phương châm hành động mà mọi Biệt Kích đã chấp nhận khi gia nhập vào binh chủng này.
Tôi còn nhớ năm 1970, các sĩ quan trong Bộ chỉ huy Nha Kỹ Thuật đã được xem một cuốn phim mà một đơn vị VNCH vừa tịch thu được của bô đội Bắc Việt khi tấn công vào một căn cứ địch ở Mimot, Cam-bốt. Cuốn phim ghi lại phiên tòa xét xử một toán Biệt Kích mang tên toán Jackson, hoạt dộng tại vùng Nghệ Tĩnh. Bản cáo trạng rất dài, luận tội rất nặng “nào là tay sai đế quốc Mỹ, tay sai Ngô Đình Diệm, nào là xúi dục nhân dân lật đổ chính quyền và phá hoại tài sản nhân dân, v.v...
Toán Jackson đã bị bắt toàn bộ với tất cả vũ khí và chất nổ khi toán phá chiếc cầu thứ 2 tại Cửa Lò. Hầu hết toán viên đã lãnh án tử hình, chỉ 1-2 người lãnh án chung thân. Điều làm anh em chúng tôi xúc động và hãnh diện, là được chứng kiến thái độ hiên ngang và bình tĩnh của các toán viên khi bản án tử hình được tuyên đọc. Theo lời một nhân chứng quê ở Thọ Ninh, bà con với một toán viên cho biết, 6 người lãnh bản án tử hình đã bị bắn ngay sau đó, và lời nói cuối cùng của họ là : Việt Nam Cộng Hòa muôn năm! Tổng Thống Ngô Đình Diệm muôn năm! Anh em chúng tôi là nững người đã đi qua nhiều trại cải tạo ở miền Bắc và đã được nghe nói rất nhiều về những việc làm đáng phục của anh em Biệt Kích. Trong số đó có các vị linh mục, đại đức tuyên úy, các bạn bè của tôi đã sống chung trại với các anh ấy. Ngoài ra, các tù hình sự miền Băc mà đa số chúng tôi thường gọi họ bằng danh từ “bọn hình sự”, vì phần đông họ thuộc thành phần bất hão, trộm cướp, đâm chém, giết người...khi được hỏi về anh em Biệt Kích thì họ tỏ vẻ rất khâm phục. Họ nói với tôi :”Các anh Bê Ka là những người rất hào hùng, cán bộ trại cũng phải nể, các anh ấy rất kỹ luật và đoàn kết với nhau, họ thương nhau và giúp đỡ nhau. Khi một người bị biệt giam được thả hay bị ốm, là các anh khác tìm cách giúp đỡ. Dù ai cũng đói, nhưng họ nhịn bớt phần ăn để bồi dưỡng cho anh em bị bệnh hay bị ốm. Đã có những anh Bê Ka cướp súng bắn cán bộ rồi chạy thoát, có nơi các anh toàn bộ đứng lên làm reo tuyệt thực không đi lao động, nhưng cán bộ trại cũng đành phải làm ngơ...”
Riêng cá nhân tôi, trong 13 năm cải tạo, đã không may mắn gặp lại các anh em Biệt Kích, nhưng tôi không bao giờ quên những con người hào hùng cùng chung lý tưởng đã cùng chung sống với nhau trong tình huynh đệ chân thành. Tôi là người đã từng sống chung với họ ở trại huấn luyện Long Thành và lúc họ lên đường đi công tác., tôi đã tiễn chân hoặc nhiều khi đã cùng vói họ bay vào vùng mục tiêu xâm nhập, đưa tay vẩy chào họ khi họ rời máy bay... Những kỷ niệm đó khó quên được.
Những kỷ niệm khó quên
Tôi nhớ lại năm xưa, có lần trước ngày lên đường công tác, tôi lái xe đưa một nhân viên của tôi đến thăm lần cuối người bạn gái, hay nói đúng hơn, một người yêu, có nhà ở hẽm xứ Bùi Phát, trên đường Trương Minh Giảng, nay đổi tên là Lê Văn Sỹ. Đến nơi, người thanh niên ấy vội vã bước xuống xe như muốn tận dụng những giây phút ngắn ngủi và quý báu còn lại... Khoảng 10 phút sau, anh trở ra với người bạn gái đi theo tiễn chân, trên tay anh còn mang một gói quà nhỏ mà tôi đoán chắc đó là quà kỷ niệm của người yêụ Họ nhìn nhau, mắt đẫm lệ, và tôi chỉ biết im lặng cảm thông nỗi buồn chan chứa đang xâm chiếm 2 tâm hồn... Xe chạy được một quãng đường, người thanh niên ấy quay nhìn tôi, vừa nói vừa mở món quà :”Đây, anh xem, quà cô ấy tặng em”. Tôi liếc nhìn, thấy một nắm tóc thề được gói trong một chiếc áo lót. Cả hai chúng tôi đều im lặng trên đường về trại.
Lần khác, một nhân viên của tôi cũng sắp lên đường, anh đến gặp tôi và trao cho tôi một chồng thơ khá dày đã đề bì sẵn và nói :”Anh Dũng, anh biết em là con một, em đi nhưng em đã không dám nói thật với mẹ em. Vì vậy, em nhờ anh mỗi tháng đến thăm mẹ em và trao cho em. em một bức thơ này, nói là em đang đi học ở ngoại quốc gửi về để mẹ em yên tâm”. Tôi xúc động nhìn người thanh niên ấy với tất cả lòng yêu thương và mến phục. Tôi đã nhận thơ anh giao và hàng tháng, tôi đã đến thăm mẹ em và trao cho bà quả phụ ấy bức thư của con bà... Nhưng đau đớn thay, lá thơ cuối cùng của anh đã được trao mà “khóa học” của anh vẫn chưa mãn.
Hai nhân viên Biệt Kích mà tôi vừa kể trên đây, cả 2 đều trở về từ cõi chết, sau gần 20 năm sống trong lao tù CS, một anh hiện đang sống ở Cali, đó là anh Lâm, em ruột của anh Nguyễn Ngọc Trâm, còn người kia, trước ngày tôi rời Saigon, anh ấy đang vất vã hành nghề thợ mộc ngoài Vũng Tàu. Hy vọng một ngày không xa, anh Độ cũng như bao nhiêu anh hùng Biệt Kích khác còn ở VN sẽ được đoàn tụ với chúng ta tại quê hương thứ hai này.
Bắt đầu từ những tháng đầu năm 1961, cơ quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA) điều khiển những trận tấn công bất ngờ, phá hoại căn cứ quân sự dọc theo bờ biển miền Bắc. Các cuộc đột kích kể trên do những toán Biệt Hải đảm trách (Marops). Ðến mùa thu năm 1962, sau khi đã đọc bản báo cáo kết qủa về những cuộc hành quân trên. Ðô Ðốc Harry Felt hết ý-kiến, cơ-quan CIA có-lẽ đã hết trò chơi... các cuộc hành quân biệt-hải không gây thiệt hại nào đáng kể cho chính quyền miền Bắc. Vị tư-lệnh Lực-Lượng Hoa- Kỳ trong vùng Thái-Bình- Dương hiểu biết về vấn đề hành quân biển hơn ai hết.
Những toán biệt-hải do cơ quan CIA tuyển mộ xử dụng những chiếc tầu nhỏ mong manh, trang bị hỏa lực yếu kém. Ngay cả việc lái chiếc tầu nhỏ đến mục tiêu đã là một vấn đề khó khăn. Thực ra, trùm Xiạ (CIA) Bill Colby, người chịu trách nhiệm chỉ làm theo lệnh của Washington. Ðến tháng Bẩy 1962, vị tư lệnh hành-quân biển, Ðô-Ðốc George Anderson được mời tham gia tổ chức những trận đột kích quấy rối bờ biển miền Bắc. Kế hoạch này nhằm mục đích làm cho Bắc Việt không còn đủ sức yểm trợ cho quân Việt-Cộng trong miền Nam.
Người trực tiếp chịu trách nhiệm cho kế hoạch này la xịa (CIA) Tucker Gougelmann. Ông ta lập căn cứ nơi Ðà-Nẵng trong name 1961 và bắt đầu đưa những toán biệt hải ra ngoài Bắc. Kế hoạch hành quân biển (Marop) do cơ quan CIA điều khiển chỉ có tầm hoạt động giới hạn. Nhiệm vụ chính là lấy tin tức, dò-thám bờ biển miền Bắc. Theo những tài liệu đã hết thời gian bảo mật, giai đoạn đầu trong kế hoạch rất lặng-lẽ, tránh đụng độ với Hải-Quân Bắc Việt. Năm 1962, Gougelmann đưọc lệnh của Washington bắt đầu những trận đột kích phá hoại để trả đủa cho những hoạt động gia tăng của quân đội Bắc-Việt, và cũng để xây đựng những ổ kháng chiến nơi miền Bắc trong tương lai.
Tổng-Thống Kenedy thúc nay cơ-quan CIA gia tăng những hoạt động bí mật ra ngoài miền Bắc Việt-Nam. Ðơn-vị Biệt-Hải dưới quyền Gougelmann xử dụng loại thuyền máy cũ-kỹ đóng ở trong miền Nam cho các trận đột kích. Ðiều này làm Ðô Ðốc Felt không đồng ý, thuyền máy đã cũ không thể dùng để tấn công bất ngờ. Loại hành quân này cần tốc độ và bí mật. Khi Washington ra lệnh gia tăng các cuộc hành quân biệt hải, Hải-Quân Hoa-Kỳ được lệnh yểm trợ, cung cấp đồ trang bị cho cơ quan CIA để cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ.
Tháng Tám 1962, Tướng Harkins tư-lệnh Bộ Chỉ-Huy Quân-Viện dự trù xử dụng loại tầu Torpedo (phóng thủy lôi) được căn cứ tiếp vận hải quân ở Ðà-Nẵng yểm trợ cho những hành quân biệt hải ra ngoài Bắc. Kế hoạch này được chính quyền Kenedy chấp thuận vào cuối tháng chín. Hải-Quân Hoa-Kỳ bắt đầu cứu xét, tìm loại tầu thích hợp cho các hành quân biệt-hải. Tháng Mười, phụ-tá Tổng- Trưởng Quốc-Phòng Hoa-Kỳ Roswell Gilpatric ra lệnh cho Ðô-Ðốc Anderson giao hai loại Topedo đóng từ năm 1950 PT-810, PT-811 cho cơ-quan CIA. Hai loại này trang bị hai đại bác 40 ly, hai đại bác 20 ly, và được đặt tên mới là PTF-1, PTF-2 (Tầu tuần tiễu nhanh - Patrol Type Fast).. Ðầu năm 1963, Hải-Quân Hoa-Kỳ mua hai loại tầu Nasty (PTF-3, PTF-4) của Hải-Quân Na-Uy, loại này chạy rất nhanh và tránh được radar. Mặc dầu chuyện bí mật, Ðô-Ðốc Anderson gửi hai loại tầu Nasty đến Washington biểu diễn hành quân và yểm trợ đổ bộ. Cuộc biểu diễn trên sông Potomac do các toán biệt kích Người-Nhái SEAL, cũng mới thành lập đảm trách. Cơ quan CIA nhận được những chiếc tầu Nasty trong những tháng cuối năm 1963. Ðể lái loại tầu này xâm nhập hải-phận Bắc Việt-Nam, cơ quan CIA tuyển mộ lính đánh thuê người Na-Uy và Ðức. Trợ lức cho cơ-quan CIA, Hải- Quân Hoa-Kỳ cho mượn đơn vị SEAl để huấn luyện biệt kích quân Việt-Nam về hành quân phá hoại và cung cấp đồ tiếp vận cũng như bảo trì các loại tầu PTF.
Trong khi chương trình đang tiếp diễn, Tổng Thống Kenedy ra lệnh xúc tiến kế hoạch Ðổi-Lui (Switch Back). Tất cả các hoạt động của cơ quan CIA nơi miền Bắc Việt Nam được bàn giao cho Ngũ- Giác-Ðài, Bộ Tổng-Tham- Mưu Quân-Lực Hoa-Kỳ, kể cả chương trình Hành-QuânBiệt-Hải. Mới đầu nằm trong kế-hoạch 34-A, một bộ phận trong Ðoàn Nghiên-Cứu Quan-Sát (SOG). Ðầu name 1964 đơn vị SOG thành lập Ban Cố-Vấn Hải-Quân, danh xưng cho kế-hoạch 37 ở Ðà- Nẵng. Ban Cố-Vấn Hải-Quân thực sự làm việc từ đầu tháng Giêng năm 1964, nhiệm vụ bao gồm các hành quân biệt hải bí mật. Năm sau, một văn phòng liên lạc được thành lập trong đơn vị SOG trông coi kế hoạch 31 (OP-31) văn phòng này lo về nhân viên, Ban Cố-Vấn Hải-Quân (NAD) là cánh tay hành động. Nằm dưới quyền chỉ huy của SOG. Tìm một sĩ-quan hải-quân cấp bậc đại-tá trong Quân-Lực Hoa- Kỳ không khó, tuy nhiên viên sĩ quan này phải rành về Chiến-Tranh Ngoại-Lệ mới có thể làm việc cho đơn vị SOG. Kết qủa là Ban Cố-Vấn Hải-Quân thay cấp chỉ huy liên tục, Vị chỉ huy đầu tiên là Jack Owens được một năm, Ðại-Tá Bob Fay lên thay. Không như sĩ-quan hải-quân thuần túy Owens, Fay xuất thân từ đơn vị Người Nhái.
Ngày 28 tháng Mười năm 1965, chiếc xe Jeep chở ông ta trúng đạn pháo kích của Việt- Cộng và là sĩ quan Hoa-Kỳ đầu tiên trong đơn vị biệt-hải tử trận trên chiến trường Việt- Nam. Ðại-Tá Fay mới chỉ huy NAD được sáu tháng, những cấp chỉ huy kế tiếp cũng không rành về chiến tranh ngoại lệ, họ đều mang cấp bậc Hải-Quân Ðại-Tá. Sau Fay, NAD được chỉ huy bới các vị sĩ quan William Hawkins, Willard Olson, Robert Terry và Norman Olson. Kế-Hoạch 37 do NAD đảm trách được giao cho trách nhiệm tấn công, phá hoại những mục tiêu dọc theo bờ biển miền Bắc.
Vùng hoạt động từ vĩ-tuyến 17 ra đến vĩtuyến 21, và trong vòng 30 dặm dọc theo bờ biển, Theo lệnh hành-quân, khu vực hoạt động của các toán biệt hải nằm dưới hải cảng Hải- Phòng. Sáu loại nhiệm vụ được giao phó, 'Ngăn chận vàquấy phá' bao gồm ngăn chận, bắt tù-binh, thẩm vấn, tiêu-hủy v.v... tất cả các loại tầu võ trang, tiếp vận của miền Bắc. Phá hoại đường tiếp vận biển, tiếp tế cho Việt- Cộng trong miền Nam. Bắn phá các mục tiêu dọc theo bờ biển. Ðột kích lên bờ, tấn công các căn cứ quân, dân sự.
Thả biệt-kích, điệp viên xâm nhập miền Bắc. Tâm-lý chiến, thả truyền đơn, radio, qùa tặng cho nhân dân miền Bắc. Mặc dầu đơn vị SOG tài trợ, huấn luyện, tất cả những cuộc hành quân biệt hải, vượt tuyến đều do biệt-kích, người nhái Việt Nam đảm trách. Trong năm 1964, Ban Cố- Vấn Hải-Quân (NAD) gồm bẩy ban, những ban quan trọng lo việc huấn luyện thủy thủ đoàn lái tầu Nasty, và các toán biệt-hải. Kế hoạch 37 phối hợp giữa đơn vị SOG và Nha Kỹ-Thuật QL/VNCH. NAD soạn thảo kế hoạch hành quân, huấn luyện thủy thủ, biệt-kích và tài trợ cho kế hoạch.
Sở Phòng-Vệ Duyên- Hải trực thuộc Nha Kỹ-Thuật lo những vấn đề yểm trợ khác, sở này có năm toán 15 quân nhân biệt-hải, mười toán nhân viên thủy thủ đoàn lái tầu Nasty và toán bảo trì. Tất cả nằm trong kế-hoạch 37. Nhiệm vụ chính của sở là tuyển mộ thủy thủ, biệt-kích quân. Tất cả mọi cuộc hành quân biệt-hải đều phải được sự chấp thuận của giới chức thẩm quyền ở thủ-đô Washington D.C. Cơ-quan NAD chọn mục tiêu, soạn thảo kế-hoạch hành quân, phối hợp và điều khiển cuộc hành quân. Từ tháng Tư cho đến tháng Mười Hai năm 1964, các toán biệt hải vượt tuyến tất cả 32 lần tấn công, phá hoại các mục tiêu dọc theo bờ biển miền Bắc như trạm kiểm soát, cầu, các đảo nhỏ, đài radar.
Ngày 12 tháng Sáu, biệt hải phá hủy một nhà kho, cuối tháng phá xập một cây cầu ở ngoài Bắc. Trong tháng Bảy, phá hủy một nhà máy bơm nước, đánh chìm ba tầu nhỏ. Ngày 30 tháng Bảy, bốn chiếc PTF chạy ra ngoài bắc bắn phá. Họ đến điểm hẹn đông nam Hòn Me (19 độ Bắc, 106 độ 16' đông). Từ đó chia tay, PTF-3 và PTF-6 hướng về Hòn Me, PTF-5, PTF-2 đi về Hòn Niêu. Cả hai đến bắn phá binh trạm, xưởng ráp súng, đài tiếp liên trước khi chạy về hướng nam do tầu Swatows của Hải Quân Bắc Việt đuổi theo.
Chuyện này liên quan đến vụ chiến hạm Maddox ngoài khơi vịnh Bắc Việt. Cuối năm 1964, đơn vị SOG ra lệnh cho NAD gia tăng các chuyến hành quân biệt-hải. Kết qủa trong năm 1965, có 170 chuyến vượt tuyến bắn phá, quấy rối hải phận miền Bắc Việt-Nam. Năm 1966, NAD tổ chức 126 hành quân chính và 56 phụ. Hà-Nội đã tăng cường lực lượng duyên phòng dọc theo bờ biển gây trở ngại nguy hiểm cho các toán biệt-hải. Càng khó khăn hơn cho những trận tấn công đột kích lên bờ, trong 34 trận tấn công loại này chỉ có bốn trận được coi như thành công. Bắt đầu từ năm 1967, các hành quân biệt hải trong kế hoạch OP 37 giảm đi cường độ. Năm 1967 chỉ có 151 cuộc hành quân, hoàn tất 125, hủy bỏ 19 vì vấn đề thời tiết, 7 bị hư hại tầu bè hoặc nhân viên. Ngày 1 tháng 11 năm 1968, mọi cuộc hành quân vượt tuyến trong kế hoạch OP 37 đều đình chỉ. Ðến tháng Bảy năm 1971, Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho các chuyến hành quân biển.
HÀNH-QUÂN BIỆT-KÍCH Năm Khói-Lửa 1968 - Mở Đầu Đầu năm 1968, Khe-Sanh là một trại biên phòng Lực-Lượng Đặc-Biệt. Đơn vị SOG xử dụng trại này làm căn cứ hành-quân tiền-phương. Nơi đây trở nên tiền đồn bảo vệ phía tây vùng phi-quân-sự. Trong căn cứ có 6000 quân thuộc trung-đoàn 26 TQLC/HK và tiểu-đoàn 37 Biệt-Động-Quân QL/VNCH. Bên ngoài có sự hiện diện của 20000 quân cộng-sản Bắc-Việt. Tất cả mọi hỏa lực đều tập trung xung quanh căn cứ, pháo binh, phi cơ, kể cả B-52 yểm trợ ngày đêm. Sự có mặt, cũng như hành quân vượt biên của đơn vị SOG được bảo mật, không ai biết đến. - Phần 2 Bên trong Khe-Sanh, đơn vị SOG gồm 50 quân nhân LLĐB/HK và khoảng 500 Dân-Sự Chiến Đấu sống dưới hầm cũng như binh-sĩ TQLC/HK chịu đựng 1500 quả đạn đại-bác, súng cối của địch bắn vào căn cứ hàng ngày. Bên ngoài Khe-Sanh, trên những ngọn đồi, tử thần rình rập, các toán biệt-kích SOG phát xuất từ căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB 1) ở Phú-Bài, xâm nhập tìm mục tiêu cho phi cơ oanh-kích, đặt máy nghe lén điện thoại, và đặt máy dò thám điện tử. Nơi hướng tây căn cứ Khe-Sanh bên kia biên giới Lào-Việt, các toán biêt-kích SOG khác phát xuất từ 'cửa hâu' của đơn vị SOG, phi trường Nakhon Phanom (NKP) bên Thái-Lan. Tại đây, SOG có bẩy nhân viên làm việc với phi-đoàn 21 'Pony' Hành-Quân Đặc-Biệt thuộc Không-Lực Hoa-Kỳ, đơn vị anh-em của SOG phi đoàn 20 Green Hornets. Từ tháng Giêng 1967, Ponies yểm trợ cho các toán biệt-kích SOG hoạt động ngoài miền Bắc Việt-Nam, các hoạt động của cơ-quan CIA bên Lào và đến cuối năm thả các toán biệt-kích SOG xâm nhập vào đất Lào. Căn cứ bên Thái-Lan trở nên quan trọng từ đầu năm 1968 khi trực thăng của SOG không hoạt động được trên phi đạo bên trong căn cứ Khe-Sanh. Một trong những mục tiêu thường xuyên của SOG bên Lào là rặng núi Cơ-Rốc, cao 1800 bộ về hướng tây Khe-Sanh, quân Bắc Việt, đào hầm hố, đục đá núi làm đường chuyển quân. Ngày 12 tháng Giêng năm 1968, toán biệt-kích Indiana bị phục kích trên một sườn núi. Toán chạy lạc, phân tán, toán phó là Trung-Sĩ Jim Cohron cùng hai biệt-kích Nùng tách rời khỏi toán. Phần còn lại chạy đến được một con đường mòn, tìm cách liên lạc với Cohron. Nhóm này thoát, còn nhóm Cohron mất tích. Tình báo Hoa-Kỳ cho rằng, toán Indiana đụng phải trung-đoàn 'Đồng Nai' CSBV. Hệ thống kiểm thính bắt được tần số của địch cho biết Cohren bị địch bắt và bị hỏi cung. Cho đến nay, Hà-Nội vẫn trả lời không biết gì về người lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ, quê quán ở tiểu bang Iowa. Cách căn cứ Khe Sanh năm dặm về hướng tây, trong bóng của rặng Cơ-Rốc bên kia biên giới là trại LLĐB Lang-Vei do Đại-Úy Frank Willoughby chỉ huy. Do áp lực của quân đội Bắc Việt vào đầu năm 1968, 282 quân biệt-kích người Thượng được tăng cường thêm một đại đội biệt kích Thượng và quân Mũ-Xanh Lực-Lượng Đặc-Biệt Hoa-Kỳ. Phần còn lại của toán Indiana đến trại LLĐB Lang-Vei một buổi tối cuối tháng Giêng sau nhiều ngày bị địch săn đuổi trên ngọn núi Cơ-Rốc. Trưởng toán Rick Bayer thông báo cho người hạ-sĩ-quan LLĐB của trại Bill Craig rằng: Toán biệt-kích Indiana trông thấy dấu xích xe-tăng của địch! Thêm điều nữa, trong khi đi ngang qua sông Xe-Kong lúc trời xập tối, toán biệt-kích trông thấy quân Bắc Việt thăm dò mực nước sông và đánh dấu bãi chuẩn bị hành quân vượt sông. Bayer không hoài nghi chuyện quân đội Bắc Việt sẽ đem xe tăng vào chiến trường miền Nam. Khi được đưa vào Saigon để báo cáo, Trung-Sĩ Bayer nhớ lại 'Họ cho tôi là thằng nói dóc!'. Cấp chỉ huy của anh ta trong FOB 1, Thiếu-Tá Ed Rybat cũng mất mặt không kém. 'Tụi tôi gửi báo cáo về, họ trả lời rằng không có gì hết, đó là dấu xe ủi đất'. T ôi đã phục vụ trong đơn vị Thiết-Giáp trước đây, tôi bìết thế nào là dấu xích xe tăng. 'Đó là dấu thiết vận xa lội nước PT-76 của địch'. Trong Saigon, trùm đơn vị SOG là Đại-Tá Singlaub tin rằng quân Bắc Việt chuẩn bị xe-tăng để tấn công. Bộ Chỉ-Huy Quân Viện Hoa-Kỳ MACV bỏ qua lời báo động của ông ta. Vừa quá nửa đêm ngày 6 tháng Hai, binh sĩ TQLC nơi giao thông hào phiá tây căn cứ Khe-Sanh nghe tiếng động cơ theo gío đưa tới, nghe như tiếng cưa máy - Xe Tăng! Trong trại LLĐB Lang-Vei, mặt đất rung chuyển khi mười một chiến xa PT-76 cùng một tiểu đoàn bộ-binh Bắc Việt được pháo binh 152 ly yểm trợ tràn vào trại. Đại bác 76 ly trên chiến xa bắn xập các pháo đài bên trong. Hơn nửa Dân Sự Chiến Đấu Thượng chết tại vị trí chiến đấu, sau khi bắn hết đạn súng Carbine, đại liên vào các chiến xa đang tiến tới của địch. Lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ dùng súng cối 106 ly tiêu diệt hơn nửa số PT-76. Trùm đơn vị SOG thông báo về vụ tấn công trại LLĐB Lang-Vei cho cơ-quan MACV, vị tướng trưởng phòng Nhì cơ quan vẫn từ chối không tin. 'Làm gì có xe tăng ở Việt-Nam'. Trong khi trận đánh nơi Lang-Vei vẫn đang tiếp diễn, đơn vị SOG trong Khe-Sanh chuyển lời cầu cứu của trại LLĐB cần viện binh. Đại-tá David Lownds chỉ huy trưởng căn cứ Khe-Sanh từ chối ' Tôi không muốn hy sinh sinh mạng người Hoa-Kỳ'. Biệt-kích SOG kể rằng 'Ông ta liếc qua tụi tôi chớp nhoáng như máy quang tuyến, rồi khước từ một cách dã man'. 'Đúng vậy, chúng tôi có thoả thuận rằng sẽ đi tiếp cứu trại LLĐB Lang-Vei trong trường hợp căn cứ này có thể bị dứt điểm' Thiếu-Tá Jim Stanton, sĩ quan điều hợp pháo-binh TQLC trong căn cứ Khe-Sanh đã xác định bằng lời nói trên. 'Tình trạng chiến đấu trong căn cứ đã xuống thấp, không ai dám bảo đảm vấn đề an-toàn cho họ'. - Phần 3 Sĩ-quan tùy viên cho tướng Westmoreland đánh thức ông ta dậy hai lần trong đêm cho biết trận tấn công trại LLĐB Lang-Vei. Đại-Tá Francis Kelly, chỉ huy trưởng Liên-Đoàn 5 LLĐB/HK yêu cầu ông gửi quân tiếp viện cho Lang-Vei, nhưng tướng Westmoreland ngần ngại ra lệnh cho bộ tư-lệnh TQLC/HK. Cá nhân tướng Westmoreland xem chuyện từ chối không tiếp viện cho trại LLĐB do sự mâu-thuẫn giữa bộ chỉ huy MACV của ông ta và bộ tư-lệnh TQLC/HK. Ông ra lệnh triệu tập một buổi họp với các vị tướng lãnh TQLC/HK tại Đà-Nẵng sáng hôm sau. Trong trại LLĐB Lang-Vei, quân Bắc Việt đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Sĩ quan quân đội Bắc Việt ra lệnh tất cả quân nhân LLĐB/Việt-Mỹ mở cửa hầm chỉ huy và ra đầu hàng. Sĩ-quan Việt-Nam ra trình diện dường như bị bắn tại chỗ. Quân Bắc Việt dùng chất nổ phá cửa hầm, sức nổ làm tám quân Mũ-Xanh Hoa-Kỳ bất tỉnh. Đến Đà-Nẵng, Tướng Westmoreland ra lệnh cho Trung-Tướng Robert Cushman cung cấp trực thăng đưa một đơn vị cấp cứu SOG trong căn cứ Khe-Sanh vào Lang-Vei ngay tức khắc. Sau này tướng Westmoreland biết được lệnh của ông ta không được thi hành. Ông ta viết 'Đó là điều xẩy ra trong thời gian tôi phục vụ tại Việt-Nam. Chuyện đó làm tôi muốn xin về hưu'. Tại Khe-sanh, Thiếu Tá George Quamo, Thượng-Sĩ Charles 'Skip' Minnicks có thể nhìn thấy khói bốc lên từ trại LLĐB Lang-Vei. Quamo nói về sự nguy-hiểm đang chờ đợi họ, và hỏi 'Ai muốn đi?'. Một tá lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ xách tiểu-liên CAR-15, tập họp ba mươi biệt-kích Nùng, Thượng rồi leo lên trực thăng TQLC/HK ra đi. Sự thờ-ơ của TQLC ảnh hưởng viên phi công lái trực thăng, không nhiệt tâm đi cứu. Kinh hoàng trông thấy xe tăng cháy, doanh trại đổ nát ở dưới, mất tay phi công CH-46 lái bay vòng vòng trên không. Cuối cùng Thiếu-tá Quamo ra lệnh 'vào' lúc đó họ mới hạ cánh. Xuống tới đất, toán biệt-kích SOG, chia ra lục xoát các hầm hố, công sự phòng thủ tìm người sống sót. Hàng ngàn quân Bắc Việt trú ẩn xung quanh Lang-Vei sợ không-lực Hoa-Kỳ oanh-kích không tấn công tiếp. Hầu hết người Hoa-Kỳ sống sót nhờ Trung-Sĩ Nhất Eugene Ashley, chết sáng hôm đó trong những đợt phản công đẩy lui quân cộng sản ra khỏi Lang-Vei. Anh ta được ân thưởng huy chương Danh-Dự cao qúy nhất của chính phủ Hoa-Kỳ. Vài lính Mũ-Xanh Hoa-Kỳ thoát nhờ Thiếu-Úy Qúy lái xe Jeep xông vào trại đem họ đi. Toán biệt-kích SOG gom tất cả những biệt-kích Hoa-Kỳ sống sót và đem thêm với khả năng của họ những biệt-kích quân Thượng bị thương ra bãi đáp chờ trực thăng bốc. Khi đoàn tầu bay lên, trưởng toán Alabama John Allen trông thấy một quân nhân Hoa-Kỳ chạy ra bãi đáp vẫy tay. Không thể quay trở lại, anh ta bị bỏ rơi cho số mệnh. Người biệt kích Hoa-Kỳ đó tên là Dennis Thompson, bị tù năm năm trước khi được trả tự do. Trong số hai mươi bốn quân nhân biệt-kích Hoa-Kỳ ở trại LLĐB Lang-Vei, Thiếu-Tá Quamo đem về được mười bốn, trong đó có một bị thương. Đơn vị SOG đóng góp trong trận bao vây Khe-Sanh, cũng là thành quả lớn nhất của họ thâu thập bên Lào trong năm 1968, khám phá được căn cứ lớn, bộ chỉ huy, kho chứa đạn dược của địch gần rặng núi Cơ-Rốc. Phi vụ B-52 Arc Light được lệnh tiêu hủy mục tiêu này kết qủa gây ra nhiều tiếng nổ phụ trong vòng hai tiếng đồng hồ. Trong nhật ký của tướng Westmoreland, ông ta tin rằng trận đánh bom B-52 trúng bộ chỉ huy đầu não của địch trong trận bao vây Khe-Sanh. Hệ thống truyền tin của địch bị mất liên lạc trong vòng hai tuần lễ, chứng tỏ có sự bối rối trong hệ thống chỉ huy của địch, do đó quân Bắc Việt không mở trận tấn công lớn vào căn-cứ Khe-Sanh trong kỳ Tết Mậu-Thân. Cuối tháng Ba, trong khi sư-đoàn 1 Không-Kỵ Hoa-Kỳ bắt đầu hành quân giải tỏa áp-lực của địch xung quanh căn cứ Khe-Sanh. Toán biệt-kích Asp xâm nhập khu vực cách Khe-Sanh 25 dặm về hướng tây bắc, theo dõi sự triệt thoái của các đơn vị Bắc Việt. Trưởng toán Asp là Trung-Sĩ Nhất George Brown, có Trung Sĩ Charles Huston và Alan Boyer. Toán Asp bị một đơn vị lớn của địch tấn công bất thần. Một chiếc Kingbee vào cứu Brown và Huston bị hỏa lực địch bắn vào không được. Một chiếc Kingbee khác trông thấy Alan Boyer, thả thang dây xuống cứu anh ta, đạn bắn đứt thang dây, anh này rơi xuống vào giữa địch quân. Tất cả đều mất tích. Hai trăm lẻ năm TQLC Hoa-Kỳ tử trận trong bẩy mươi bẩy ngày bao vây căn-cứ Khe-Sanh. Thiếu-Tá Quamo chỉ huy cuộc cứu nguy trại LLĐB Lang-Vei, lên máy bay của đơn-vị SOG bay về Đà-Nẵng. Chiếc máy bay cũng biến mất luôn vì thời tiết xấu. Xác Thiếu-Tá Quamo tìm được năm 1974. Vài tuần sau, căn cứ hành quân tiền phương (FOB) ở Khe-Sanh đóng cửa. SOG dời FOB qua trại LLĐB Mai-Lộc đông bắc Khe-Sanh. Trong khi trận chiến dịu dần xung quanh căn cứ Khe-Sanh, các toán biệt-kích SOG khác vượt biên qua Cambodia, dò thám xem địch quân đã rút qua đất Miên hay chưa, sau trận Tổng-Công-Kích. Ngày 2 tháng Năm 1968, toán biệt-kích do Trung-Sĩ Nhất Leroy Wright làm trưởng toán xâm nhập vùng Lưỡi Câu. Trong toán có Trung-Sĩ Lloyd 'Frenchie' Mousseau, Brian O'Connor và chín biệt-kích Nùng. - Phần 4 Buổi sáng lúc toán ra đi từ căn cứ Quản-Lợi, Trung Sĩ Nhất Roy Benavidez bạn của Wright ra tiễn đưa, cảm phục những người ra đi hoạt-động trong lòng địch. Chẳng bao lâu, khi xuống bãi đáp, toán chạm địch và chạy trở lại bãi đáp. Địch đuổi theo sát đuôi, bắn không cho toán biệt-kích ngóc đầu dậy và đuổi những chiếc trực thăng cấp cứu ra chỗ khác. Một trực thăng võ trang bị bắn rớt. Địch đem thêm quân đến bao vây toán biệt-kích đang nằm chịu trận dưới hỏa lực súng cối, B-40, AK-47. Một loạt đạn AK trúng Wright vào đầu, anh ta chết ngay tức khắc. Mousseau và O'Connor bị thương nhiều chỗ. Tất cả các biệt-kích Nùng đều trúng đạn, nằm la liệt, bị thương hoặc chết. Không chạy được, hết thuốc chữa, toán biệt kích sắp sửa bị địch thanh toán. Trong một túp lều dã chiến dựng lên nơi căn cứ hành quân tiền phương Quản-Lợi, Roy Benavidez lắng nghe những chuyện xẩy ra từ máy truyền tin, điện đàm giữa các phi công trực thăng võ trang, và phi công lái máy bay quan sát điều hành không yểm (FAC). Roy sốt ruột lo cho các chiến hữu của mình, Leroy Wright trúng đạn, Frenchie Mousseau trúng đạn, Brian O'Connor cũng trúng đạn và tất cả biệt-kích Nùng đều trúng đạn chết hoặc bị thương nặng. Một lữ-đoàn thuộc sư-đoàn 1 Bộ-Binh Hoa-Kỳ đang hành quân gần đó nhưng họ không được phép vượt rào qua Cambodia. Toán cấp cứu Bright Light cũng không có sẵn. Mình phải làm gì đây! Roy đứng ngồi không yên. Bị mất nhiều máu, Brian O'Connor yếu đi, anh nghe tiếng trực thăng đến nhưng không di chuyển được. Chiếc máy bay hạ thấp rồi Roy Benavidez xách túi đựng dụng cụ y-khoa nhẩy xuống chạy thật nhanh vào bụi rậm nơi các biệt kích SOG nằm la liệt. Roy tình nguyện đi cứu toán một mình. Địch trông thấy trực thăng đáp xuống, bắn ra tới tấp, một viên trúng vào đùi Roy, chàng vẫn tiếp tục chạy, không dám ngừng lại. Vào đến nơi, Roy liếc thật nhanh, vị trí chiến đấu của toán biệt-kích, Wright đã chết, Mousseau trúng đạn vào đầu, nằm thẳng cẳng nhưng chưa chết, O'Connor bị thương nhưng vẫn còn bò lết được. Roy Benavidez băng bó cho bạn, phân phối đạn còn lại từ những biệt kích quân đã chết. Chàng lãnh thêm một viên AK nữa vào đùi phải trong khi điều khiển trực thăng oanh kích và trực thăng vào đem những người còn sống ra. Khi chiếc trực thăng hạ cánh, Roy đưa khẩu AK cho O'Connor, chàng vác theo xác Wright. Một viên AK khác trúng vào phổi, Roy ngã xuống gần ngất đi. Chiếc trực thăng trúng đạn súng cối tiêu hủy, viên phi công và người xạ thủ đại liên chết. Roy lết lại chiếc trực thăng, giúp những người còn sống ra khỏi máy bay trúng đạn trước khi bốc cháy. Chàng tiếp tục điều khiển phản lực Phantom F-4 oanh kích, và lãnh thêm hai viên AK nữa. Địch bắn rớt thêm một chiếc gunship. Rồi một chiếc Huey khác vào bãi đáp, trên máy bay có y-tá LLĐB Trung-Sĩ Ronald Samsons, anh ta giúp Benavidez kéo, dìu phi hành đoàn chiếc trực thăng trúng đạn, xác biệt kích quân lên máy bay. Trên đường về Benavidez bất tỉnh vì mất nhiều máu và kiệt sức, Mousseau chết vì vết thương quá nặng nơi đàu. Wright và Mousseau (chết) được lãnh huy chương Ngoai-Hạng (Distinguish Service Cross). Benavidez nằm bệnh viện gần một năm chữa bẩy vết thương đạn AK, hai mươi tám miểng B-40, cối 61 ly của địch. Roy Benavidez cứu tám người, tuy nhiên giấy tờ thất lạc. Mười ba năm sau, đã về hưu, Thượng-Sĩ Benavidez được máy bay quân đội đưa đi Washington và được tổng thống Reagan gắn huy chương Danh-Dự (Medal of Honor). Sau ngày Benavidez cứu toán biệt-kích trong tháng Năm 1968 bên Miên. Toán Alabama xâm nhập Lào cách thung lũng A-Shau 15 dặm để gắn máy nghe lén điện thoại. Trưởng toán là Trung-Sĩ John Allen, cùng với Kenneth Cryan, Paul King và sáu biệt kích Nùng. T oán Alabama xâm nhập vùng tình nghi có sự hiện diện của một sư-đoàn Bắc Việt, đơn vị này rút qua Lào khi sư-đoàn Đệ Nhất Không-Kỵ Hoa-Kỳ mở cuộc hành quân càn quét khu vực xung quanh thung lũng A-Shau. Khi trực thả toán biệt-kích bay gần đến bãi đáp, Allen trông thấy hầm hố, công sự phòng thủ của địch dưới rặng cây. Không thấy bóng dáng quân Bắc Biệt tại đîa điểm thả toán, Allen ra hiệu 'xuống' và toán biệt-kích bắt đầu làm nhiệm vụ. Họ di chuyển khoảng một tiếng đồng hồ, giác quan thứ sáu báo động cho Allen biết (Allen đã có kinh nghiệm đi 20 chuyến qua Lào và một chuyến Bright Light ngoài miền Bắc). Chàng hút-gió báo cho toán phó Ken Cryan biết 'Có điều gì nhìn không bình thường, ngửi cũng khác thường, có chuyện khác thường'. Allen cùng một biệt kích Nùng tiến tới đằng trước quan sát. Hai người lên trước khoảng 250 thước, họ trông thấy khoảng đất rộng đã được dọn dẹp, những nhánh cây cao trên đầu cột lại che dấu khoảng đất trống ở dưới. Ở giữa có một căn nhà làm bằng tre, rõ ràng là bộ chỉ huy của địch với lính Bắc Việt ra vào. Xa hơn chút nữa có đường hầm rộng đủ hai người cùng đi đào sâu vào trong núi. Allen chụp mấy tấm ảnh rồi lùi về chỗ toán Alabama. Toán phó Ken Cryan cho biết vài địch quân đi ngang qua, có lẽ toán lùng biệt-kích. Allen quyết định 'cắt đuôi', rồi cả toán nghe tiếng la lối, tiếng xục-xạo trong các bụi rậm trên lộ trình họ vừa di chuyển qua. Toán biệt-kích 'dọt', vài phút sau, biệt-kích hướng đạo (đi-đầu - Point man) dẫn toán băng qua một con đường mòn lớn, có lẽ dẫn tới bộ-chỉ-huy. Âm thanh truy kích của toán lùng biệt-kích chỉ cách phiá sau chừng 50 thước, Allen quyết định tăng tốc độ di chuyển. Họ băng qua một đường mòn nữa rồi nghe tiếng gọi nhau của địch phiá bên phải, và tiếng trả lời phiá sau. Toán biệt kích chạy 'hết tốc lực' lên một ngọn đồi. Súng AK của địch nổ vang dội, một biệt kích đáp lại một tràng CAR-15. Cryan qụy xuống ôm lấy đùi bên phải, Allen chạy lại xốc nách Cryan dìu đi mặc dù Cryan nói hãy chạy đi để chàng ở lại. Một biệt-kích Nùng trúng một viên AK ngay ngực gục xuống đất chết, được đồng đội cõng theo. - Phần 5 Trong khi Paul King gọi máy cấp cứu, Allen tìm chỗ để phòng thủ, chàng thấy một hố bom chừng 50 thước trên đường lên núi. Ra lệnh cho toán viên bắn yểm trợ, Allen dìu Cryan di chuyển đến hố bom, rồi phần còn lại theo sau. Allen trải tấm Pa-nô (Panel) mầu cam giữa lòng hố bom đánh dấu vị trí toán biệt-kích cho phi cơ. Paul King lo cứu thương, người biệt kích Nùng đã chết, Cryan trúng đạn vào đùi bể xương, hèn chi anh ta đứng lên không nổi. Sợ phải cưa chân, King chích morphine cho Cryan đủ cho anh chàng này đỡ đau và còn tỉnh táo. Allen cùng mấy biệt-kích chuẩn bị tuyến phòng thủ xong thì quân Bắc Việt xuất hiện tiến lên đồi. Nhờ vị trí trên cao, toán biệt-kích ném lựu đạn xuống làm địch phải lui lại. King gọi Allen 'Đã có phi cơ FAC lên vùng' và đưa máy cho anh ta liên lạc, King bước ra miệng hố thay cho Allen, một viên AK bắn trúng King ngay đầu, chết ngay tức khắc. Toán Alabama giờ có hai người chết. Máy bay quan sát điều khiển các phi tuần đánh bom đẩy lui quân Bắc Việt ra xa, hết Phantom F-4, đến lượt Super Sabres F-100, rồi đến A-1 Skyraider. Rồi trực thăng đến, nhưng viên phi công nhát không dám xuống mặc dầu Allen đã trải pa-nô đánh dấu vị trí toán biệt-kích và đưa tay vẫy, sau đó chiếc trực thăng bay về vì hết nhiên liệu, hẹn hôm sau sẽ trở lại. Toán Alabama đành phải đợi sáng hôm sau, đêm đó họ phải chiến đấu suốt đêm, thêm một biệt kích Nùng bị thương nhẹ. Sáng hôm sau, quân Bắc Việt vẫn tiếp tục bò lên tấn công, rồi một tiếng nổ lớn rung động hố bom. Allen định thần nhìn quanh, toán Alabama chín người lúc xâm nhập giờ đây còn lại mình chàng và một biệt-kích Nùng, số còn lại chết bị thương nằm la liệt trong hố bom. Đêm qua quân Bắc Việt đã đem súng phòng phông 12 ly 7, đại bác 37 ly đến xung quanh khu vực toán biệt-kích, họ biết máy bay Hoa-Kỳ sẽ đến tiếp cứu toán, nên đã chuẩn bị chiến trường. Một chiếc Phantom bị bắn rớt, các chiếc khác phải lo tiêu diệt các ổ phòng không của địch. Đến chiều trực thăng cấp cứu CH-53 Jolly Green đến bốc toán Alabama. Sườn núi dốc chiếc CH-53 không đáp được thả dây cấp cứu xuống, Allen đặt Cryan lên một dây, dây bên kia cho một biệt-Kích Nùng ngồi vào, chàng nói 'Hẹn gặp ở Phú-Bài'. Chiếc CH-53 từ từ bốc lên, đạn AK bắn theo trúng cả hai, máu nhiễu xuống vào mặt Allen, chiếc trực thăng hoảng bay đi luôn. Q uân địch vẫn bắn theo, nhằm vào lính biệt-kích chứ không phải trực thăng. Hai xác chết buông xuôi tay, vẫn còn dính dây cấp cứu được trực thăng đem đi. Allen nổi điên, chửi thề um-xùm. nói với FAC là sẽ tìm đường khác. Viên phi công lái FAC rất bình tĩnh 'John, anh định tìm đường nào?'. John Allen lấy thêm đạn từ những biệt kích chết, rồi ra khỏi hố bom chạy xuống núi, quân Bắc Việt không ngờ, không bắn không đuổi theo. Chạy được một quãng, chàng gọi FAC. - Tôi đã ra khỏi. Trực thăng có chưa? - Tôi vẫn theo bạn, sẽ có Kingbee đến đón. - Còn mấy ông bạn của tôi sao? - Y-tá nói họ OK! Họ OK! (Phi công FAC trấn an Allen) Cuối cùng chiếc Kingbee do phi công tài ba Việt-Nam thuộc phi-đoàn 219 bốc Allen đưa về căn cứ hành-quân tiền-phương Phú Bài. Nhờ tài bình tĩnh của viên phi công lái FAC, nói dối để trấn an Allen, Cryan và biệt kích Nùng lãnh mỗi người ba mươi viên AK khi được trực thăng CH-53 bốc. Toán biệt-kích SOG Alabama còn mỗi mình Allen sống sót. Người biệt-kích ngồi ghế sau chiếc FAC là Trung Sĩ Nhất John Robertson tử trận khoảng 15 ngày sau khi đi theo Kingbee trong một sứ mạng cách toán Alabama xâm nhập khoảng 10 dặm. Quân Bắc Việt bắn rớt Kingbee bằng hỏa tiễn SA-7. Ba ngày sau toán Idaho xâm nhập cách đó khoảng 5 dặm. Chiều hôm đó, trưởng toán Glen Lane, toán phó Robert Owen nói vắn tắt cho Covey (FAC) biết họ không báo cáo được vì quân Bắc Việt đã bao vây toán. Đó là lần cuối cùng toán Idaho báo cáo, không ai biết chuyện gì xẩy ra cho toán biệt-kích. Toán Oregon vào tìm toán Idaho, họ tìm được dấu vết lựu đạn nổ, chứng tỏ có chiến đấu và toán Idaho bị địch bắt. Đến phiên toán Oregon bị đơn vị chống biệt-kích tấn công, tất cả mọi người trong toán đều bị thương nhưng thoát hiểm. Mùa Hè năm 1968, xếp mới đơn vị SOG là Đại-Tá Cavanaugh, Đoàn Nghiên-Cứu Quan-Sát dồn nỗ lực qua Lào và Miên. Trong nội điạ, chỉ để ý thung lũng A-Shau, cách Đà-Nẵng 40 dặm về hướng nam. Thung lũng A-Shau rộng 25 dặm qua biên giới Lào về hướng tây bắc. Trong vùng này, quân đội Hoa-Kỳ bỏ rơi hai phi đạo ngắn và ba trại LLĐB. Ngày 3 tháng Tám, toán Idaho mới lập lại do Wilbur Boggs làm trưởng toán xâm nhập vào thung lũng A-Shau cách chỗ toán Idaho cũ biến mất ngày 20 tháng Năm chừng mười dặm. Toán phó là John Walton, anh này rất thông minh, chơi xì-phé giỏi (sau này trở về hưởng gia tài do cha ông để lại những tiệm Wal-Mart), ngoài ra có thêm Tom Cunningham, biệt-kích Thượng. Xâm nhập không lâu, toán bị tấn công, trưởng toán Boggs bị thương nặng, hai biệt-kích Thượng chết. Toán bị bao vây, không lối thoát. Walton gọi oanh kích ngay trên đầu toán. Nhờ vậy quân Bắc Việt lui ra, Walton lo cấp cứu những biệt kích bị thương, kể cả Cunningham, tất cả đều thoát. Cùng trong tháng Tám, 3 giờ sáng ngày 23, đặc công cộng sản tấn công bộ chỉ huy Bắc (CCN), trận tấn công kéo dài ba tiếng đồng hồ. Kết quả, 15 sĩ-quan, hạ-sĩ-quan LLĐB/HK chết, con số tổn thất lớn nhất từ trước đến giờ, 16 biệt-kích quân Việt-Nam, Nùng, Thượng chết. Địch bỏ lại 38 xác, 9 bị thương làm tù binh. Trong số xác địch để lại có tên làm trong bếp, nội tuyến của địch gài vào. Sau vụ Đà-Nẵng, toán biệt kích SOG vẫn tiếp tục xâm nhập qua Lào. Trong mùa Thu, không ai may mắn hơn Trung-Sĩ Lynne Black Jr. Ngày 5 tháng Mười toán của anh ta xâm nhập miền trung Lào, vào vùng đụng ngay, toán trưởng Trung-Sĩ James Stride chết trong loạt đạn đầu. Toán phân tán để chạy, Black cùng với hai biệt kích Thượng chạy ngang qua bộ chỉ huy quân Bắc Việt, chuyện xẩy ra nhanh chóng địch không phản ứng kịp. Một chiếc CH-53 Jolly Green đến từ Thái Lan, Black cho hai người Thượng, và Mũ-Xanh thất lạc vừa tới lên trước. Nghe tiếng trực thăng, hai lính Bắc Việt chạy ra đụng Black, hai bên giằng co. Không hiểu sao, Black thoát được và được câu lên trực thăng. Đúng lúc đó chiếc trực thăng chao đi vì trúng B-40, viên phi công đáp an toàn xuống một rặng núi khác, rồi một chiếc CH-53 đến bốc tất cả về căn cứ an toàn. Xác trưởng toán Stride không tìm được. - Kết Luận Bill Copley không được may như Lynne Black. Vài tuần sau khi Black thoát hiểm, toán biệt kích khác xâm nhập vùng nam Lào, bị rượt. Copley bị thương, anh ta cầu cứu 'Giúp tôi, Tôi bị thương!'. Một toán viên cõng Copley chạy đến khi kiệt sức phải bỏ lại vì địch đuổi theo bén gót. Sau đó toán cấp cứu Bright Light vào tìm, chỉ thấy dấu máu nơi Copley nằm. Tổng kết năm 1968, ngoại trừ vụ đặc công tấn công bộ chỉ huy Bắc. CCN mất 18 Mũ-Xanh tử trận, 18 mất tích. Ngày 16 tháng Ba năm 2000CCN/FOB Phú-Bài Posted by NhaKyThuat at 3:29 PM
LTS: Sau bài lịch sử người nhái của Nha Kỹ Thuật đã được đăng trong số báo ra ngày Thứ Bảy, 17 tháng 4/99, tòa soạn nhận được thêm chi tiết về nhiều “bí mật một thời” của các chiến sĩ Biệt Kích Quân của Nha Kỹ Thuật KT, do cựu Trưởng Công Tác Nguyễn Vinh viết lại. Xin mời độc giả theo dõi những bí mật của một đơn vị tham dự chiến tranh bất quy ước của QLVNCH, từ việc tuyển mộ, huấn luyện, xâm nhập, tiếp tế tới triệt xuất... của những toán biệt kích trên khắp các chiến trường Nam Bắc Việt Miên Lào, như sau. Nhiệm vụ của NKT thay đổi tùy theo thời gian cũng như tình hình của địch. Trong thời kỳ khởi đầu đến cuối năm 1963, Sở Bắc hay phòng E-45 gởi nhiều toán điệp báo ra Bắc để thu nhập tin tức cũng như để liên lạc với một số nhân vật chống cộng có uy tín còn ở lại miền Bắc với mục đích tạo cơ sở nằm vùng, xây dựng ngầm một lực lượng nổi dậy làm đầu cầu cho đoàn quân Bắc Tiến Giải Phóng Miền Bắc khi tình hình chính trị cho phép. Sau chính biến 1963, tiếp tục xâm nhập các Toán Biệt Kích qua đường hàng không, và Biệt Hải qua đường biển. Sở Phòng Vệ Duyên Hải (SPVDH) được tăng cường các chiến dịch PTF. Sở Tâm Lý Chiến (STLC) phát triển mạnh mẽ hệ thống phát thanh các công tác Chiến Tranh Chính Trị. Hai sở này hợp tác thả rất nhiều tặng phẩm cho dân chúng miền Bắc. Quà tặng thường là các nhu yếu phẩm, máy thâu thanh để đồng bào có thể nghe tiếng nói của Đài Tự Do, đài Gươm Thiêng Ái Quốc. Các tặng phẩm thường được thả dù từ phi cơ hoặc từ ngoài biển trôi vào. Trong thời gian này một số khá đông người dân miền Bắc được tàu của SPVDH đưa về một đảo bí mật thuộc “Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc” chiếm đóng. Ở đó họ được hướng dẫn đường lối giải phóng của phong trào rồi được giao phó vài nhiệm vụ khi họ trở về địa phương mình. Ngoài ra STLC cũng dùng đài phát thanh để nhắn tin gia đình cho các Toán đang hoạt động tại miền Bắc. Vì biết chắc phía địch cũng đang theo dõi các buổi nhắn tin này nên Đoàn 68 đã lồng vào việc phát thanh nhắn tin gia đình cho các Toán có thật cũng như các Toán giả tạo, và để tăng thêm ngờ vực cho đối phương. Trung ương đã cho máy bay thả những kiện hàng tiếp tế xuống vùng các toán giả tạo, trong kiện hàng, ngoài vật dụng thường tiếp tế cho các Toán có thật còn có chứng từ giả tạo của gia đình, thân nhân gửi cho từng người trong Toán. Trong nhiệm vụ lừa địch còn có những Toán giả tạo xâm nhập vào những vùng hẻo lánh miền Bắc mà sự thật chỉ là 5,7 chiếc dù được cột vào tảng nước đá, với thời gian nước đá sẽ tan, chỉ còn những chiếc dù lơ lửng trên cây hoặc trên bờ bụi, khiến địch lầm tưởng đã có toán xâm nhập thật và huy động người đi lùng kiếm. Còn nhiều công tác ly gián bằng cách xử dụng các hồi chánh viên cũng như các tù binh chính quy Bắc Việt. Trong thời kỳ từ 1969 đến 1975, tình hình chiến sự trở nên ác liệt hơn sau khi bộ đội Bắc Việt tấn công miền Nam, các Toán NKT tăng phái nhiều thêm cho Quân Đoàn để thám sát sau hậu tuyến địch, cung cấp những tin xác thật để khai thác.
TUYỂN MỘ Để thi hành hiệu quả những nhiệm vụ khó khăn và cấp thời, việc tuyển mộ nhân viên để thi hành các kế hoạch trên đòi hỏi một sự cân nhắc lựa chọn hết sức tỉ mỉ. Trước tiên, Toán viên công tác hay nhân viên nằm vùng phải hội đủ điều kiện học vấn, có khả năng về quân sự, hiểu biết về công tác bí mật và nhất là Tóan viên phải là người đã từng sống tại các vùng hoạt động là điều rất may mắn - vì như chúng ta đã biết, ngành tình báo nhân dân trong vùng cộng sản chiếm đóng rất bén nhạy - mọi sơ hở dù nhỏ bé đến đâu đều có thể làm cho Toán bị bại lộ. Do đó, nhân viên hoạt động nằm vùng phải hết sức thận trọng mỗi khi phải tiếp xúc với dân địa phương. Ngoài ra Toán viên phải thông suốt ngôn ngữ, tập tục cũng như màu sắc ăn mặc của người địa phương để bảo Toàn an ninh cho Toán. Vì những lý do trên, nguồn nhân lực cung cấp cho Toán nằm vùng tại miền Bắc trước tiên là những quân nhân trong quân đội, những người đã sinh sống tại vùng mục tiêu, đã được huấn luyện nhuần nhuyễn đầy đủ về quân sự và sẵn có một tinh thần yêu nước và chống cộng triệt để, tiên khởi là Liên Đội quan sát I. Nguồn nhân lực thứ hai là những thanh niên miền Bắc, di cư vào Nam sau Hiệp Định Genève, họ đã căm thù cộng sản và hiện sống tại các khu định cư Hố Nai, Canh Lâm, Ngã Ba Ông Tạ v.v... Nguồn nhân lực thứ ba là các thanh niên thuộc các Bộ Lạc Sắc Tộc chống cộng đã phải di cư sang Lào hay vào Nam đang sống tại Tùng Nghĩa, Đức Trọng hay làng Hòa Bình ở Ban Mê Thuột. Sau nầy, vào năm 1968, sau Tết Mậu Thân, nhiều Toán Phượng Hoàng và nhiều điệp viên Singleton đã được tung vào nội địa Kampuchia - để theo dõi hoạt động của đối phương. Việc tuyển mộ các Toán viên nầy được chọn lựa trong số Toán viên người Kampuchia thuộc lực lượng Mike Force của Mỹ và những thanh niên đang phục vụ trong đội Thám Sát P.R.4 tại Tây Ninh. Họ được huấn luyện thêm về công tác điệp viên và sau đó với vỏ bọc Việt Kiều buôn bán, tại chợ trời Gò Dầu Hạ hay Phước Tân. Họ được trang bị đầy đủ thẻ tùy thân, thẻ đảng viên Đảng “Sangum” là đảng của Sihanouk đang có thế lực ở Kampuchia. Với những giấy tờ giả mạo do phía Hoa Kỳ cung cấp, họ di chuyển rất dễ dàng đến các mục tiêu chỉ định, nơi Việt Cộng đang chiếm đóng như Mimot, Kreek, Kratíc Ba Thu và hải cảng Sihanoukville là hải cảng xâm nhập vũ khí từ miền Bắc. Cũng vào năm 1968, sau Tết Mậu Thân, nhiều cán binh bộ đội miền Bắc ra hồi chánh, Hoa Kỳ và Nha Kỹ Thuật đã phải khai thác đúng lúc lực lượng mới nầy, Đ 68/NKT đã phái người đến Trung Tâm Chiêu Hồi tiếp xúc để tuyển chọn cán binh chiêu hồi, thành lập nhiều toán Đề Thám. Sau khi được huấn luyện, các cán binh chiêu hồi được trang bị như các binh sĩ trong Bộ Đội Miền Bắc. Họ được nhảy dù hoặc trực thăng vận hoặc xâm nhập vào đất Miên hoặc Lào, từ các đồn biên giới của LLĐB để thám sát hay đột kích vào các căn cứ địa của cộng sản, một số lớn Đề Thám đã hoạt động rất đắc lực, có Toán đã giải cứu tù binh Mỹ và Việt đang bị Việt Cộng giam giữ tại đất Miên.
HUẤN LUYỆN Vì nhiệm vụ mà mỗi toán viên sắp đảm nhiệm, nhiệm vụ tối quan trọng, do đó việc huấn luyện cũng phải rất đầy đủ và chu đáo. Để giảm thiểu thời gian huấn luyện, các toán viên đầu tiên được tuyển chọn trong các đơn vị quân đội. Họ được tập trung về Liên Đội Quan Sát I. Mọi nhân viên quân đội hay dân sự đều phải trải qua phần căn bản quân sự, học nhảy dù, biết xử dụng địa bàn, bản đồ, vũ khí, vượt sông và mưu sinh thoát hiểm v.v... Mỗi Toán trước ngày xâm nhập phải có đủ: - 2 nhân viên truyền tin còn gọi là hiệu thính viên - 2 chuyên viên phá hoại (mìn, chất nổ) - 1 hoặc 2 chuyên viên vũ khí - 1 hoặc 2 chuyên viên cứu thương - 1 hoặc 2 chuyên viên về tâm lý chiến Trong những năm đầu, các Toán được ăn ở và được huấn luyện tại các nhà an toàn (mỗi Toán một nhà riêng) vì lý do ngăn cách cũng như để bảo mật tối đa cho công tác. Đầu năm 1963, vì nhu cầu thành lập cấp bách, các Toán xâm nhập miền Bắc, nhà an toàn không có đủ để chứa các Toán mới. Do đó một trung tâm huấn luyện được thành lập tại Long Thành, Biên Hòa và lấy tên là trại Demo hay Trung Tâm Huấn Luyện Phá Hoại. Vài tháng sau, trung tâm này đổi tên là trại Yên Thế. Tất cả mọi Toán đều tập trung về trại này để huấn luyện, vì nơi đây có sân bay, có đầy đủ phương tiện để huấn luyện và thực tập. Các Huấn Luyện Viên gồm một số sĩ quan trẻ ưu tú được tuyển chọn trong quân trường và được chuyên viên Hoa Kỳ trau dồi thêm phần chuyên môn. Ngoài số HLV Việt Nam, còn có nhiều Huấn Luyện Viên dân sự người Mỹ trong đơn vị tình báo mang tên Combined Studies do Tòa Đại Sứ Mỹ phái đến, cùng một Toán chuyên viên quân sự của LLĐB Hoa Kỳ cũng được tăng phái để hỗ trợ cho việc huấn luyện các biệt kích. Sau khi được thành lập và bổ sung đầy đủ chuyên viên, các Toán được thực tập xâm nhập đêm vào một vùng rừng núi xa lạ với trang bị đầy đủ, không khác gì khi Toán xâm nhập vào miền Bắc trong tương lai. Trong mỗi lần thực tập đều có Trưởng công tác Việt và Mỹ tham dự để đánh giá khả năng của Toán và rút tỉa kinh nghiệm vùng rừng núi Bun-Enao, Bun-Sa-Pa, Dan Gia, Deep, Khâm Đức là những vùng rừng núi thuận tiện và thích hợp cho việc thực tập này. Cũng trong thời gian thực tập, thường kéo dài một tuần lễ. Mọi công tác Toán sẽ áp dụng tại miền Bắc đều đem ra thực tập như liên lạc tầm xa, lập căn cứ an toàn, chọn bãi và nhận tiếp tế v.v… Số tới: Biệt Kích Hành Quân
II. Trước ngày tháng xâm nhập mỗi Toán được tập trung tại “khu cấm” để chờ lệnh hành quân. Được gọi là “khu cấm” vì nơi đây chỉ dành riêng cho toán sắp hành quân, mọi người không phận sự không được vào khu nầy. Sau khi thu nhập đầy đủ tin tức về thời tiết cũng như về an ninh tại vùng mục tiêu, lệnh hành quân được ban hành. Toán hành quân được cấp phát đồ trang bị cho cá nhân. Mỗi toán viên thường được cấp phát trang bị như sau: - 1 Áo vest mang vào người để đựng các đồ trang bị cho cá nhân - 1 súng tiểu liên Thụy Điển hoặc tiểu liên Sten của Anh hoặc Uzi của Do Thái hoặc tiểu liên Đức có nòng giảm thanh và ba băng đạn. - 1 súng lục 9 ly của Thụy Điển - 1 bi đông nước - 1 túi cứu thương cá nhân - 1 bộ đồ... - 1 dao găm - 1 mũ nồi - 1 bộ đồ bà ba đen hoặc nâu - 1 đôi giày nhảy - 1 dao bỏ túi - 1 pen place - 1 kính chiếu để liên lạc với phi cơ hay trực thăng - 1 đèn pin để di chuyển trong đêm - 1 máy radio National - 1 bao thuốc lá Aka và diêm quẹt - 1 lược chải đầu - 1 bàn chải đánh răng và thuốc đánh răng - 1 bản đồ - 1 địa bàn - 1 cuốn sổ và bút chì - 1 gamen - 1 đồng hồ đeo tay hiệu Rado hoặc Seiko - 1 chai thuốc trừ muỗi hay vắt - 1 toile de tent - 1 mền ngủ - 1 túi xắc mang trên vai - 1 panneau để liên lạc với phi cơ - và 3 ngày lương thực dự trữ cho mỗi cá nhân Riêng Trưởng Toán còn được cấp phát một 6.35 và hai nhân viên truyền tin còn phải mang theo máy truyền tin RC 1 khá nặng nhảy dù theo người. Đó là trang bị cá nhân. Trang bị cho toán, nằm trong các kiện hàng thường có: - 3 tháng lương thực dự trữ cho các Toán - Máy truyền tin RC 1 (dự trữ) - 3 tháng đạn dự trữ - Áo quần, mền dự trữ - Thùng đồ phá hoại - Bộ đồ hớt tóc - Thùng thuốc chữa trị các bệnh thông thường Sau khi mỗi toán viên đã nhận lãnh và sắp xếp đồ trang bị áo veste và túi xắc mang vai của mình, Toán sẽ tập trung để nhận lệnh hành quân. Trưởng công tác Mỹ và Việt thuyết trình chi tiết về lệnh hành quân và thường kèm theo không ảnh vùng mục tiêu để Toán biết vùng mới sắp nhảy dù xuống. Sau đó toán Trưởng sẽ thuyết trình lại cho toán viên, cùng lúc Trưởng Công Tác Việt Mỹ có cơ hội nhận xét và bổ khuyết thêm nếu xét ra cần thiết. Sau khi nghe xong thuyết trình, Toán được đưa vào sân bay Tân Sơn Nhứt hoặc sân bay Long Thành. Từ Long Thành hay sân bay TSN, Toán sẽ được không vận đưa ra sân bay Đà Nẵng. Tại đây, đợi lúc trời tối, phi cơ cởi bỏ mọi huy hiệu, bay ra biển, và từ biển bay thẳng đến vùng mục tiêu. 10 phút trước giờ bãi nhảy n/v PD0 theo Toán, sẽ báo hiệu- mọi người gắn móc dù mình vào dây cáp và đợi đèn xanh. Toán viên theo thứ tự gấp rút nhào ra cửa phi cơ để xâm nhập vùng địch. Cũng có nhiều lúc toán xâm nhập miền Bắc sử dụng sân bay UDON hay NAKOR-PHANOM ở Thái Lan. Tuy nhiên mọi công tác xâm nhập miền Bắc bằng trực thăng vận sau nầy đều xử dụng hai sân bay nói trên.
Trường hợp xâm nhập bằng trực thăng: Việc xâm nhập được thi hành như sau. Sau khi toán được không vận từ Long Thành hay từ TSN đến UDON hay NAKOR- PHANOM, toán sẽ lên trực thăng loại CH1 (là loại có trữ lượng nhiên liệu lớn có thể bay xa mà không cần tiếp tế nhiên liệu) và được trực thăng vận băng qua không phận Lào để tiến vào vùng mục tiêu trong lãnh thổ Bắc Việt. (Có lúc vì mục tiêu quá xa, trực thăng CH1 phải đáp xuống căn cứ bí mật của tướng Vang-Pao để nhận tiếp tế nhiên liệu). Hầu hết mọi cuộc xâm nhập bằng trực thăng vào lãnh thổ miền Bắc thường xảy ra lúc xế chiều. Trái lại các toán xâm nhập bằng nhảy dù đêm, chỉ được xâm nhập vào những đêm có trăng và mùa trăng bắt đầu từ ngày 10 đến ngày 20 âm lịch. Như trên đã trình bày mỗi nhân viên công tác đều được trang bị một radio nhỏ, không những để giải trí khi nhàn rỗi mà nhất là để giúp toán viên dễ dàng tập trung sau khi cánh dù của họ xuống đất. Mọi người đều biết chiếc dù T-10 rất khó điều khiển khi gió lớn, do đó có lúc gió kéo dù rời xa bãi đáp năm bảy trăm thước. Vì lý do trên, Trung Ương phải trang bị một máy beacom, máy này được đặt trong kiện hàng chính, được đẩy ra phi cơ cùng lúc với Toán xâm nhập. Lúc xuống đất mỗi toán viên sẽ mở máy radio của mình và di chuyển tập trung theo tín hiệu của máy beacom đặt ở kiện hàng chính. Ngoài những phương cách xâm nhập biệt kích bằng đường hàng không, sở Bắc còn cho xâm nhập nhân viên bằng đường biển, hoặc đường bộ, hoặc xâm nhập chính thức vào miền Bắc từ một nước thứ ba. Vì lý do bảo mật và ngăn cách công tác, nên người viết bài này không biết rõ hết chi tiết, xin được miễn trình bày. TIẾP TẾ Như trước đây đã trình bày. Mỗi toán khi xâm nhập thường phải đem theo ba tháng lương thực và súng đạn cũng như chất nổ. Tuy nhiên Trung Ương thường phải tiếp tế cho Toán trước thời hạn. Về lựa chọn bãi thả có lúc do Toán thám sát xong và báo cáo về T.W. Cũng có lúc T.W dựa vào phi cơ ảnh hoặc bản đồ chỉ thị cho Toán đến thám sát và báo cáo về T.W. Điều kiện cần thiết khi chọn bãi thả gồm có: 1. An toàn, xa làng xã, xa các trục lộ 2. Rộng, dài, đất bằng càng tốt 3. Hướng gió thổi nhẹ, nếu chọn thung lũng càng tốt Sau khi nhận báo cáo tham sát bãi thả của toán, Trung Ương sẽ cho toán biết quyết định của Trung Ương về: 1. Ngày giờ máy bay đến bãi thả 2. Hướng máy bay sẽ đến 3. Toán phải đánh dấu bãi thả như thế nào (Chữ T năm ngọn đèn Pin, hay pháo hiệu hoặc chữ L v.v...) 4. Số kiện hàng được tiếp tế Mọi toán khi nhận được tiếp tế hàng không đều biết: 1. Giờ bãi thả là giờ máy bay đến tận nơi bãi thả 2. Luật chỉ cho phép toán đánh dấu hiệu bãi thả trước 5 phút và kéo dài thêm 5 phút sau giờ bãi thả. Phi cơ có đến bãi thả sẽ không thả tiếp tế nếu toán không đánh dấu hay đánh dấu sai. Phi cơ sẽ không được quay lại lần thứ hai trên bãi thả nếu không thấy dấu hiệu của toán vào giờ ấn định. Việc tiếp tế cho các toán ở miền Bắc cũng chỉ được thi hành vào mùa trăng, tức khởi sự từ 10 đến 20 âm kịch mỗi tháng. Tuy vậy, cũng có vài trường hợp đặc biệt như toán Hector của Đại Uý Luyện năm 1966- vì toán này bị lộ, bị địch bao vây, bị mất máy truyền tin riêng, phóng pháo cơ của TW đã đến giải vây, cùng lúc đã bắn nhiều thùng containers để tiếp tế lương thực và đạn dược. Toán Ares hoạt động tại vùng Quảng Yên (Hải Phòng) thường nhận tiếp tế bằng đường biển, những năm 67,68, hải cảng Hải Phòng bị Hoa Kỳ phong tỏa bằng ngư lôi nên Trung Ương không thể tiếp tế cho Toán bằng đường biển như trước, vì thế toán được tiếp tế bằng đường hàng không theo chỉ thị như sau: Vào “ngày N giờ G” quy định, Toán sẽ đánh dấu bãi thả bằng ba ngọn khói hình tam giác đều cạnh trên một thửa ruộng khô ở tọa độ ấn định. Đến giờ ấn định, một đoàn phóng pháo cơ sẽ bay lượn bắn phá vùng hải cảng Hải Phòng, cùng lúc một chiếc sẽ bắn xuống bãi thả của Ares hai container lương thực và súng đạn. Trong kiện hàng còn có 10 khâu vàng 24 cara để toán trao đổi mua bán với người địa phương. TRIỆT XUẤT Trước năm 1963-1964, mọi toán công tác miền Bắc nếu được triệt xuất, họ chỉ có thể băng qua lãnh thổ Lào và trình diện với cấp Chỉ Huy Trưởng của Tướng Vang-Pao để xin hỗ trợ. Hoặc di chuyển đường bộ về Nam băng qua sông Bến Hải và vùng phi quân sự. Trường hợp sau nầy chỉ thành công khi toán di chuyển từng người một. Nhưng từ năm 1965 trở đi, việc triệt xuất toán về Nam được thi hành dễ dàng hơn bằng hai cách sau đây. 1. Triệt xuất bằng trực thăng Đến ngày giờ ấn định đã được báo trước cho Toán. Hai trực thăng xuất phát từ phi trường UDON hoặc NAKOR- PHANOM ở biên giới Thái-Lào. Có lúc bay thẳng tới vùng triệt xuất. Có lúc vì đường bay quá xa, phi cơ trực thăng phải đáp xuống căn cứ bí mật của tướng Vang-Pao để nhận tiếp tế nhiên liệu, xong trực thăng mới bay xâm nhập vào vùng triệt xuất. Sau khi đã liên lạc được với Toán, Trưởng Công Tác báo về cho Trưởng Công Tác Hoa Kỳ và sau đó hai khu trục được bay đến để yểm trợ cho việc triệt xuất. Sau khi khu trục bắn phá và tạo một vùng an ninh vây quanh, Toán được triệt xuất. Một trong hai trực thăng sẽ đáp xuống bãi để triệt xuất Toán. 2. Triệt xuất bằng C 130, còn được gọi là Sky-Hook. Toán hoặc nhân viên được triệt xuất, trang bị mỗi người một túi xách trong đó có bình hơi và bong bóng khá lớn- Đến giờ quy định đã được báo trước, nhân viên được triệt xuất bấm bình hơi, bong bóng sẽ căng và bay lên trời, dây ny lông có sẵn, nối liền bong bóng và nhân viên được triệt xuất. Phi cơ C.130 được trang bị thêm hai râu trước mũi bay đến và kẹp mạnh vào dây nylon và bắt đầu kéo nhân viên được triệt xuất vào. Phương cách triệt xuất này cũng thường được áp dụng để cứu các phi công bị bắn hạ tại Bắc Việt. LIÊN LẠC Các Toán họat động tại miền Bắc liên lạc về TW bằng máy RC1, một loại máy có tầm họat động rất xa, tuy nhiên rất cồng kềnh và khá nặng. Để bảo đảm an ninh cho việc liên lạc, mỗi Toán đều có đặc lệnh truyền tin riêng rẽ, và mỗi hiệu thính viên của Toán cũng có riêng nhóm an ninh của mình, mà chỉ có phòng truyền tin Trung Ương mới được biết, và sĩ quan Trưởng Công Tác của Toán cũng không có quyền tìm hiểu. Mỗi nhân viên trước khi đi công tác, nhịp đánh “manip” của mỗi hiệu thính viên được ghi băng, đề phòng lúc địch xâm nhập vào hệ thống, nhịp điệu thật hay giả được đối chiếu. Mọi điện văn sau khi mã hóa chỉ được chuyển về TW qua nhiều tầng số. Không khi nào quá 5 phút ở một tầng số. Các điện văn gửi về TW không khi nào được gửi trực tiếp mà phải qua đài “BUZZ” ở Phi Luật Tân và sau đó đài BUZZ mới chuyển về TW tại Sài Gòn. - Các Toán Hồi Chánh còn gọi là Toán Đề Thám được thành lập năm 1968, cũng như các Toán Phượng Hoàng người Miên đều được trang bị máy truyền tin nhỏ hơn để dễ di chuyển, nhưng khả năng liên lạc tầm xa luôn luôn được bảo đảm. Nếu bị trở ngại liên lạc với phi cơ bằng pháo hiệu Den Flare hoặc bằng Panel hoặc bằng kính chiếu, hoặc bằng đốt khói v.v... - Các điệp viên hoạt động trên lãnh thổ Kampuchia Họ liên lạc về TW qua hộp số sống tại chợ Trời Gò Dầu Hạ, nơi người Miên và Việt tụ tập mỗi ngày để buôn bán. Nhân viên làm hộp số sống luôn có mặt tại tiệm buôn của mình được mở ngay trong chợ, để nhận báo cáo mọi lúc cần thiết. NGUYỄN VINH
Đại Úy Lưu Văn Thuần Chiến Đoàn 1 Xung Kích Trung Tá Bùi Văn Thiện Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 71 Thiếu Úy Trần Quyết Thắng CĐ1XK Đại Úy Nguyễn Hùng Trâm ĐCT 75 / HLV-SB Thiếu tá Trần Văn Lâm Chỉ Huy Phó / ĐCT72 Covey Rider Hạ Sỉ Lê Văn Xuân ĐCT68, Strata 11 Biệt Kích Sở Bắc Tống Văn Thái Thiếu Tá Trần Kim Khánh SCT Thiếu Tá Lê Minh CHT CD2 XK Trung Úy Lâm Ngọc Chiêu CĐ2XK/BCH-NKT Biệt Kích Mộc A Tài Sở Bắc. Thiếu Tá Nguyễn Phan Tựu Chỉ Huy Trưởng ĐCT72 Chiến Hữu Võ Đại Tôn Lôi Hổ Đoàn Văn Mạnh CĐ2XK Đại Úy Trần Thế Quảng Liên Toán Trưởng ĐCT72 Trung Úy Lê Văn Minh LTT/ĐCT72 Trung Sĩ Nguyễn Quang Châu Đoàn Công Tác 71 Trung Úy Phạm Ngợi ĐCT71 Thiếu úy Lê Văn Hậu ĐCT72 Thiếu úy Trương Giỏi ĐCT71/CĐ2XK Thiếu úy Trần Việt Huệ ĐCT68/71 Trung Sĩ Nguyễn Văn Ẩn ĐCT11/75
MACV-SOG 32 / AIR OPS / SỞ KHÔNG YỂM / NHA KỸ THUẬT
AIR OPS SOG-75 / 1ST FLT DET / 15/90TH SOS / 20TH SOS / UH1-F / PHI DOAN 219TH SQN VNAF CH34 / USN C-121
Prologue
BLACK BERET (NÓN ĐEN) 1942 Thành Lập Office of Strategic Service OSS
13.6.1942 Giám Đốc OSS William Donovan
1947 Tồng Thống Franklin Roosevelt với nghị định NSC4 và NSC4A Thành Lập Cơ QuanCIA
7.5.1954 Điện Biên Phủ thất thủ.
1956First Observation Group hoạt động tại Bắc Việt
1956Thành Lập Liên Đoàn Quan Sát Số 1
1957Thành Lập Phòng Liên Lạc Phủ Tổng Thống GREEN BERET (NÓN XANH) 24.6.1957 Thành Lập Liên Đoàn 1 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ. 1957LLĐB HK huấn luyện 58 quân nhân QLVNCH tại Đồng Đế Nha Trang chương trình Chiến Tranh Ngoại Lệ cho Việt Nam
1958Thoả ườc TT Ngô Đình Diệm và CIA hoạt động tại Bắc Việt
1958 Chương Trình Chiến Tranh Ngoại Lệ
1958 Thành Lập Phòng 45 (Sở Bắc)
28.1.1961 Tân Tổng Thống John F. Kennedy tuyên bố chương trình hoạt đông tại miền Bắc Việt Nam
1961 Thành Lập Biệt Đoàn 83 Thần Phong (Thả Bắc)
02.1961 Toán ARES xâm nhập đường biển liên-lạc cho đến tháng 04/69.
02.1961 Toán EUROPA Nhảy Dù xâm nhập 5 nhân viên liên lạc lần cuối ngày 27/01/64 từ Bắc Việt.
03.1961 Toán ATLAS Nhảy Dù xâm nhập 4 nhân viên
27.4.1961 Tướng Edward G. Lansdale thuyết trình về khủng bố của Bắc Việt tại Miền Nam Việt Nam
11.5.1961 Tổng Thống Kennedy quyết định hành pháp NSAM 52 "Ngăn Chặn Cộng Sản Thôn Tính Miền Nam"
27.5.1961 Toán CASTOR Xâm Nhập Lai Châu Bắc Việt
06.1961 Toán DIDO Nhảy dù xâm nhập Bắc Việt 4 nhân viên.
06.1961 Toán ECHO Nhảy Dù xâm nhập miền Bắc 3 nhân viên báo caó sai toạ độ cho đến 08/62.06.1961 Toán TARZAN Nhảy Dù xâm nhập 6 nhân viên liên lạc lần cuối 06/63 12.1.1962 Nautilus I Xâm Nhập Bắc Việt
12.2.1962 Toán Biệt Hải Xâm Nhập Hòn Gai Bắc Việt
16.4.1962 Toán REMUS nhảy Dù xâm nhập 6 nhân viên thêm 2 người 12/08/63, 3 người 23/04/64, 4 người Toán ALTER 22/10/64, 4 người 06/65, 2 người 21/08/67. Ngày 13/05/68 Bắc Việt loan tin bắt được quân Biệt-kích trong vùng hoạt động của toán Remus
16.5.1962 Toán TOURBILLON Nhảy dù xâm nhập 8 nhân viên thêm 7 người toán COOTS 27/05/64, 7 người toán PERSEUS 24/06/64, 6 người toán VERSE 07/11/65, 2 người toán TOURBILLON BRAVO 24/12/66. Hiệu thính viên gửi tín hiệu khẩn 01/67. Toán được xử dụng để đánh lạc hướng địch cho đến 04/69.
6.7.1962 Ký Hiệp Ước Trung Lập Ai Lao
06.1962 Toán EROS nhảy Dù xâm nhập 5 nhân viên
13.4.1963 Toán PEGASUS nhảy dù xâm nhập 6 nhân viên
14.05.1963 Toán JASON Nhảy dù xâm nhập 5 nhân viên
04.6.1963 Toán DAUPHINE Nhảy dù xâm nhập 5 nhân viên 04.6.1963Toán BELL 04/06/63 Thả Dù 7 Thêm 7 người toán GRECO 14/11/64. Lần cuối cùng gửi điệnvăn 19/03/67. mất liên lạc 03/07/67 28.6.1962 Natilus II Xâm nhập Bắc Việt
28.6.1962 Toán Biệt Hải Xâm Nhập Quãng Bình 09.1962Thành Lập Binh Chủng Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam 3.1.1963 Hai Đại Đội Chính Quy Bắc Việt tấn công và tràn ngập trại Plei-Mrong LLĐB. 1963 Easy, Eagle Xâm Nhập
1963 Thành Lập Liên Đoàn 77 và Liên Đoàn 31 Lực Lượng Đặc Biệt 06.1963Toán BECASSINE 06/63 Thả Dù 6 10.6.1963Toán MIDAS Thả Dù 8 Xâm Nhập Bắc Việt 10.6.1963Toán NIKE Thả Dù 6 XNBV 07.1963 Nautilus VII xâm nhập Bắc Việt 07.1963 Toán Dragon Xâm Nhập Móng Cái Toán Trưởng Mộc A Tài nhiệm vụ phá hủy Đài Radar tại địa phương 07.06.1963 Toán BART Thả Dù 5 XNBV 07.06.63 Toán TELLUS Thả Dù 4 XNBV 07.1963Toán GIANT Thả Dù 6 XNBV 07.1963Tóan PACKER Thả Dù 6 XNBV
07.1963 Toán Biệt Hải xâm nhập Móng Cái Phá Hủy Đài Radar 9.8.1963 Toán EASY Thả Dù 8 Thêm 6 người toán PISCES 18/07/64, Thêm 5 người toán HORSE 05/65,Thêm 9 người 17/09/65. thêm 3 người 8/10/65 Toán (DOG/GECKO). Toán DOG/GECKO đổi tên là EASYALPHA nhẩy xuống 07/67. Lần cuối cùng liên lạc 26/04/68 12.8.1963 Thả Dù 2 Tăng cường cho toán REMUS 4.9.1963ToánSWANThả Dù 6 7.10.1963ToánBULLThả Dù 7 5.12.1963ToánRUBY05/12/63 Thả Dù 8 1964Thành Lập Mặt Trận Gươm Thiêng Ái Quốc 16.1.1964 Thành Lập Liên Đoàn Nghiên Cứu và Quan Sát (Chợ Lớn) 1966 dời ra Phi Trường Tân Sơn Nhất , Sở Không Yễm dời ra Nha Trang, Hải yễm dời ra Đà Nẵng. 24.1.1964Thành Lập MACV-SOG / OPLAN 34A 02.1964 Thành Lập B-53 / Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng 16.02.1964Các toán SPVDH xâm nhập miền Bắc 1964 Thành Lập Sở Kỹ Thuật
1964Thành Lập Nha Kỹ Thuật / Strategic Technical Directorate Bộ Tổng Tham Mưu / QLVNCH
1964 Thành Lập Sở Phòng Vệ Duyên Hải OP-37 NAD (Naval Advisory Detachment)
1964 Sở Liên Lạc Bộ Tổng Tham Mưu (Sở Nam)
03.1964Thành Lập Phi Đoàn 219 Tại Pleiku 23.4.1964 Thả Dù 3 Tăng cường cho toán REMUS. 25.4.1964Toán ATTILA Thả Dù 6 Xâm nhập Bắc Việt 19.5.1964 Toán LOTUS Thả Dù 6 XNBV 27.5.1964Toán COOTS Thả Dù 7 Tăng cường cho toán TOURBILLON 27.5.1964 Chương Trình Gươm Thiêng Ái Quốc đưa người từ Quảng Bình về Cù Lao Chàm lần đẩu tiên 1 ghe ngư dân. 12.6.1964 2 Toán thuộc SPVDH gồm 26 ngưòi xâm nhập Cửa Ron Hà Tỉnh và cầu Sông Hàng Thanh Hoá Công Tác Hoàn tất. 17.6.1964 Toán SCORPION Thả Dù 7 19.6.1964 Toán BUFFALO Thả Dù 10 26.6.1964 Toán chất nổ SPVDH gồm 7 người, và Toán yễm trợ 24 người phá nổ cầu trên Quốc lộ 1 gần Thanh Hóa
28.6.1964 Toán EAGLE Thả Dù 6 Còn liên lac trong năm 69. Thả Dù 6 Tăng cường cho toán EASY. 1.7.1964 30 Biệt Kích SPVDH xâm nhập cửa sông Kiên Đồng Hới. 24.7.1964 Toán PERSEUS Thả Dù 7 Tăng cường cho toán TOURBILLON, BOON 29/07/64 Thả Dù 9 20.7.1964 Chương trình Gươm Thieng Ái Quốc đưa thêm 2 ghe ngư dân từ Vịnh Bắc Việt về Cù Lao Chàm Đà Nẵng. 30.7.1964 Toán Biệt Hải đánh phá Hải Phòng gây nhiều tổn thất
1.8.1964 Hải Quân Bắc Việt tấn công tàu MADDOX 22.10.1964 Toán ALTER Thả Dù 4 Tăng cường cho toán REMUS. 14.11.1964 Toán GRECO Thả Dù 7 Tăng cường cho toán BELL. CENTAUR 28 Toán bị rớt máy bay C-123 ngày 10/12/64 nơi Ngũ Hoành Sơn Ðà Nẵng. Tử nạn REMUS ALPHA 05/65 Một phần của REMUS được lệnh triệt xuất qua Lào. Lần liên lạc cuối cùng 21/08/65. Tọa độ Vic 785367. “im lặng vô tuyến, đi Vạn Tượng (Lào) 1965Thành Lập Tiền Doanh FOB1 Phú Bài, FOB2 Kontum, FOB3 Ban Mê Thuộc FOB4 Non Nước, FOB5 Thủ Đức và FOB6 Đà Lạt . 05.1965 Toán HORSE Thả Dù 5 Tăng cường cho toán EASY17.9.1965 Toán DOG/GECKO Thả Dù 9 Tăng cường cho toán EASY. Sau bổ túc EASY ALPHA 30/10/65. Nhập lại toán EASY trong tháng 07/67. 7.11.1965Toán VERSE Thả Dù 8 Tăng cường cho toán 19.11.1965 ToánROMEO Trực Thăng 10 Tháng 10.66 5.3.1966 Toán KERN Thả Dù 9 22.6.1966 Toán HECTOR Trực Thăng 15 Thêm 11 người toán HECTOR BRAVO 23/09/66. 07.1966 Thành Lập 16 toán thám sát B50 Hành Quân OMEGA (road runner program) Chó sủa đường mòn Hồ Chí Minh, và Bóng Ma Biên Giới. 15.9.1966Thành Lập trường Viễn Thám RECONDO-MACV 5.10.1966 Toán SAMSON Trực Thăng 8 Bãi đáp bên Lào. Liên lạc lần cuối 02/12/66 24.12.1966 Toán TOURBILLON Thả Dù 2 Tăng cường cho TOURBILLON. Ðem BRAVO theo máy nghe lén điện thoại và máy dò thính. 26.1.1967 Toán HADLEY Trực Thăng 11 Xâm nhập vào miền Bắc bằng đướng bộ. Ðược lệnh triệt xuất qua Lào. 03/69 22.4.1967 Toán HANSEN Trực Thăng 17 Toán chưa hề ra đến Bắc Việt Nam. Ðịch xuất hiện nơi bãi đáp. Yêu cầu triệt xuất. 21.08.67 Thả Dù 2 Tăng cường cho toán REMUS 13.9.1967 Tóan GOLDFISH Ðường Biển 1 Xâm nhập bằng Plowman. Ðiệp vụ 327. Ðiệp viên tuyển một trong nhóm tù binh ở Paradise. Ðiệp viên sẽ nằm vùng 60- 90 ngày và triệt xuất bằng đường biển. 21.9.1967 Toán RED DRAGON thả Dù 7 Vẫn liên lạc cho đến tháng 04/69 09.67 Sở Liên Lạc/Phủ Tổng Thống trực thuộc Nha Kỹ Thuật 18.10.1967 The Last team VOI Thả Dù 4 Mất liên lạc sau khi xâm nhập
1967 Thành Lập STRATA Short Term Reconnaissance And Target Acquisition Long Thành
1967 Strata Team 111 Xâm Nhập Nam Lào xuất phát từ Đà Nẵng bằng C130 đến Khe Sanh và H34 Phi Đoàn 219 đến nam Lào , toán chạm địch và bị bao vây, trưởng Toán Trung Úy Bùi Văn Thiện hướng dẫn phi cơ đánh bom trên đầu tóan ,gây tữ thương 192 Bộ Đội thuộc Sư Đoàn 325 Bắc Việt. Toán Phó Trung Sĩ Lý Vui, Quan Sát Viên Trung Úy Lam và 9 chuyên viên toán gồm có Nguyễn Hỏa (cao) Lê Văn Xuân (nháy)
10.1967 Toán Strata 112 xâm nhập Quảng Bình, Thiếu Úy Hùng Toán Trưởng và Trung Sĩ Lành Toán Phó Toán có 4 nhân viên 21/08/67 Thả Dù 2 Tăng cường cho toán REMUS.50. 1968 SOG OP-34 đổi thành OP-36 1.11.1967Thành lập CCN Chiến Đoàn 1 Xung kích tại Đà Nẵng với 3 Bộ chỉ huy Tiền Phương FOB1 Phú Bài. FOB3 Khe Sanh. FOB4 Non Nuớc Đà Nẵng. 1.1.1967 Thành lập CCC Kontum với 30 toán thám sát, xâm nhập. 1.1.1967Thành Lập CCS Ban-Mê-Thuộc và trại Hồ Ngọc Tảo khu vực hoạt động đồng bằng Cữu Long và Kampuchia 1.1.1968 OP-36 Phụ trách STRATA
3.1968 Strata dời về Sơn Trà Đà Nẵng
14.5.1968 Strata 120 Xam Nhap
6.6.1968 Strata 114 Xâm nhập BV
21.7.1968 Strata 115 Xâm Nhập BV
10.1968 SPVDH Công tác Hải Vận chấm dứt miền Bắc và hoạt động tại Vùng 1 và Vùng 2 Duyên Hải.
12.1968 Starta Đoàn 11
1968 Toán Phượng Hoàng Đoàn 68 Recon
1968-1972 Chương Trình Fortrum STD-MACV-SOG
02.1970 Prairie Fire OP-35 thực hiện 441 chuyến công tác nhảy toán xâm nhập Lào và đường mòn HCM
04.1970 Program Salem House hoạt động tại Cam Bốt 577 Toán Xâm nhập với nhiều công tác đặc biệt.
18.3.1970 Lon Nol lật đổ Sihanouk1.
RED BERET ( Nón Đỏ) 07.1970Thành Lập Bộ Tư Lệnh Chiến Tranh Ngoại Lệ và Mặt Trận Giải Phóng Miền Bắc.
26.12.1970 - 8.01.1971 38 toán Biệt Kích xâm nhập trong thời gian 172 ngày tại căn cứ địa 712 bao gồm đường 13, 141 và 19 .
Hành quân tiếp tục trong các căn cứ địa 351, 740, 701, 609, 613, 611 vùng phi quân sự, vùng phía tây bên Lào. 1.1.1971 Thành Lập Sở Công Tác 01.1971 Thành Lập SMAG/ MACV-RECONDO / SMS Sở Công Tác
07.1971 NAD-OP39 chấm dứt chuyển giao Hải Quân Vùng 1 1972 Giải Tán Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam 3.3.1972 Sở Công Tác di chuyển đến Non Nước rồi Sơn Trà Đà Nẵng, Đoàn 2 va2, 3 SLL/ Đoàn 75 tăng phái BTL Quân Khu 2, Đoàn 1 SLL / Đoàn 68 tăng phái Quân Khu 3
2.4.1972 Giải Cứu BAT 21
30.4.1972 Gỉải tán MAC-V-SOG ( GI repatriated)
30.4.1972MACV-SOG bàn giao Nha Kỹ Thuật / BTTM / QLVNCH
07.1972 Đoàn Công Tác Thám Sát Tiền Phong Quân Khu 1
15.9.1972 Sở Công Tác Hợp tác Sư Đoàn Nhảy Dù và TQLC tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị
10.1972 Các Toán thuộc Sở Công Tác hoạt động biên giới Lào-Việt xâm nhập theo đường mòn HCM
1.5.1972Assistance Team 158 ACTIVE 26.1.1973 Đoàn Công Tác 68 xác định tọa độ B52 oanh tạc tràn ngập Cục R trước khi hiệp định ngưng bắn Balê có hiệu lực vào ngày 27.1.1973
04.1973 Bắc Việt Phóng thích 591 tù binh Hoa Kỳ không có nhân viên MACV-SOG được thả. 19.1.1974Biệt Hải/SPVDH Hải Chiến với quân Trung Cộng tại Hoàng Sa. 06.1974Toán Thám Sát Đoàn 2 sở Kontum công tác tìm kiếm và phá hủy ống dẫn dầu tiếp tế cho xe Tăng của Bộ Đội Bắc Việt tại vùng cao nguyên, sau nhiều ngày đêm mưa tầm tả, Ống dầu đã được phát giác và phá hủy hệ thống tiếp liệu xăng cho xe tăng tê liệt và đã được đài BBC và VOA phóng sự nhiều ngày sau đó . 8.8.1974Toán Công Tác Đoàn 11, 71, và 72 xâm nhập liên tục các địa điểm vùng Thượng Đức Quảng Nam
12.1974 Đoàn Công tác 75 xâm nhập An Lão Bình Định 10.3.1975 Đoàn 3 Sở Liên Lạc di tản Ban mê thuộc
10.3.1975Đoàn Công Tác 75 SCT và các Đoàn của Sở Liên Lạc di tản về Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Sàigòn 25.3.1975Thiếu Tá Hồ Đăng Nhật / BCH Sở Liên Lạc, Thiếu Tá Nguyễn Văn Hải Đoàn 2 Liên Lạc / Hy Sinh trong lúc phá chốt Cộng Sản trên quốc lộ 7 28.3.1975 Thành Phố Đà Nẵng Di Tản.
28.3.1975 3 Toán Công Tác thuộc Đoàn Công Tác 72 Hành Quân khu vực Đèo Hãi Vân, đỉnh núi Đồng Đen không triệt xuất
về Sơn Trà.
28.3.1975Đoàn Công Tác 72 và Sở Công Tác Di tản Tiên Sa Đà Nẵng
1.4.1975 Sở Công Tác di chuyển từ Đà Nẵng về Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Làng Cô Nhi Long Thành, và Kho 18 Khánh Hội Sàigòn.
1.4.1975 Đoàn Công Tác 72, Đoàn 2 và Đoàn 3 Liên Lạc đến Vũng Tàu
7.4.1975Sở Liên Lạc biệt phái Đoàn 1 Liên Lạc trực thuộc Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 2 tại Phan Rang. 16.4.1975Đoàn 1 Sở Liên Lạc di tản Phan Rang 20.4.1975 Sở Công Tác Nhảy Toán vùng Bình Dương thâu thập tin tức cho Quân Đoàn 3
28.4.1975 Dương Văn Minh nhậm chức 28.4.1975 Các Toán công tác thuộc các Đoàn Công Tác, và Đoàn Liên Lạc / Nha Kỹ Thuật hành quân xâm nhập vùng Bình Dương, Ấp Đồn, Bình Triệu và vùng ven Đô cung cấp tin tức cập nhật cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 vể diễn biến tấn công của Cộng Sản Bắc Việt vào Đô Thảnh Sài gòn.
29.4.1975 Đoàn 68 và Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế thiết trí phòng thủ khu vực trường đua Phú Thọ trước Bộ Chỉ Huy Nha Kỹ Thuật 29.4.1975Một số các toán Công Tác vẫn còn trong vùng hành quân và sau đó tìm phương tiện triệt xuất. 11.1996Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết thành lập Special Operation Command SOCOM tiến thân SOG "Special Operation Group Vietnam" đơn vị chủ yếuvà then chốt trên các chiến trường hiện nay.
April 4th 2001 Presidential Unit Award Tưởng Thưởng Biệt Kích Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ (Fort Bragg) căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt và Biệt Kích Hoa Kỳ (SOC) North Carolina U.S.A. 4.6.2001Quốc Hội Hoa Kỳ Tuyên Dương Hy Sinh và Chiến Đấu Anh Dũng của Nha Kỹ Thuật tại Washington D.C. Congressional Record Proceedings and debates of the 107th Congress, First Section .
DRAFT UPDATE
Tất cả các Tóan (recon team ) của STD & MAC-V-SOG đều xuất phát từ các Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật ( Launch Site) để xâm nhập các vùng mục tiêu ngòai lãnh thổ VNCH , tên các BCH Chiến Thuật đó như sau :- Qủang Lợi, Benhet, Đức Cơ, Plei Jereng, Tân cảnh, Phú Bài và NKP (Nakaphadon )(Thái Lan) - ( xuất phát hầu như tất cả các launch sites này trước khi nhảy vào vùng mục tiêu )- Nói tới NKT là phải nói đến các Tóan , và các Tóan là linh hồn của NKT
NAD/CCN
Sở Phòng Vệ Duyên Hải
Sở Phòng Vệ Duyên Hải
Sở Phòng Vệ Duyên Hải Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu / QLVNCH
Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải: Ðại Tá Ngô Thế Linh (1964-1966) Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại (1966-1970) HQ Ðại Tá Nguyễn Viết Tân (1970-1975)
Coastal Security Service Commander: Colonel Ngo The Linh (1964-1966) Admiral Ho Van Ky Thoai (1966-1970) Navy Captain Nguyen Viet Tan (1970-1975)
Chỉ Huy Trưởng của Lực Lượng Biệt Hải trực thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải: Trung Tá Trương Duy Tài Trung Tá Trần Bá Tuân Hải Quân Trung Tá Nguyễn Hữu Hùng Hải Quân Trung Tá Hồ Văn Tánh
Sea Commando under CSS Lieutenant Colonel Truong Duy Tai Lieutenant Colonel Tran Ba Tuan Navy Lieutenant Colonel Nguyen Huu Hung Navy Lieutenant Colonel Ho Van Tanh
Đoàn 1 Liên Lạc / Quân Khu 3 / Sàigòn, Tây Ninh, Biên Hòa. Đoàn 2 Liên Lạc / Kontum Đoàn 3 Liên Lạc/ Ban Mê Thuộc Đoàn Công Tác 11, 71/ Sơn Trà Đà Nẵng Đoàn Công Tác 72 /Tiên Sa Đà Nẵng Đoàn Công Tác 68 /Long Thành Biên Hỏa Đoàn Công Tác 75 Kontum, Pleiku
1-May 1972 Nha Kỹ Thuật Toán Yễm Trợ 158 (1972-1973)
STDAT-158 TEAM (Strategic Technical Directorate Assistance Team -158)
Thành Lập 1965
FOB1/Tiền Doanh 1 Phú Bài, Huế 1965, Khâm Đức 1966 FOB2/ Tiền Doanh 2 Kontum 1965 FOB3/Tiền Doanh 3 Ban Mê Thuộc 1965 / Kontum / Khe Sanh 1968 FOB4/ Non Nước Đà Nẵng1965, 1968 FOB5/ Ban Mê Thuộc 1968, Thủ Đức FOB6/ Đà Lạt 1965, Hồ Ngọc Tảo 1968
January 1971 SMAG (Special Mission Advisory Group) / 1971, 1972
1966, 1967, 1968 & 1969 C&C Command & Control
Thành Lập 1.11.1967 / November 1st, 1967 1967,1968, 1969, 1970,1971 CCN Command and Control North / Chiến Đoàn 1 Xung Kích Phú Bài, Non Nước CCC Command and Control Center / Chiến Đoàn 2 Xung Kích Kontum, Pleiku CCS Command and Control South / Chiến Đoàn 3 Xung Kích Ban Mê Thuộc TF1AE (Task Force One Advisory Element) 70,71 & 72 TF2AE ( Task Force Two Advisory Element) Kontum / 70,71&72 TF3AE (Task Force Three Advisory Element) Ban mê thuộc / 70,71&72
B53/ Long Thành 1970, 1971,1972 B50/ Project Omega FOB2 1966, 67, 68 Kontum B56/ 1967, 1968 Hồ Ngọc Tảo Căn Cứ Xuất Phát (Launch Site) cho xâm nhập ngoại biên Quảng Lợi, Benhet, Đức Cơ, Plei-Jereng, Tân Cảnh, Phú Bài, Khe Sanh và NKP (Nakaphadon) Thái. FOB1 (CCN) Launch Site (Căn Cứ Xuất Phát) Đông Hà, Khe Sanh, Phú Bài, NKP Thái Lan. FOB2 (CCC) Launch Site Benhet, Đức Cơ, Dakto, Pleime, Plei-Jereng, Tân Cảnh. FOB3 (CCS) Launch Site Quảng Lợi .
“NHỮNG NGƯỜI LÍNH MỘT THỜI BỊ LÃNG QUÊN”
-
*Diễn văn đọc trong ngày ra mắt 29 - 10 - 1995 tại Georgia *
Kính thưa Quý vị! Trước tiên, tôi thay mặt cho toàn thể những gia đình BKCT
Tại Atlanta nó...
Combined Studies Division Studies and Observations Groups STD Assistance Team
- ADMIN SOG-10 - INTEL SOG-20 - OPS SOG-30 o MAROPS SOG-31 § NAD/CSS SOG-37 o AIR OPS SOG-32 § AIR OPS SOG-75 § 1ST FLT DET § 15/90TH SOS § 20TH SOS / UH1-F § 219TH SQN VNAF CH34 § USN C-121 o PSYOPS SOG-33 § PSYOPS SOG-39 / SOG-70 § STUDIO (SAIGON) § ISLAND (DANANG) § VOF.PLFSS (HUE, PHUBAI) o ABN OPS (BP) SOG-34 § AGENT OPS SOG-36 § MONKEY MT FOB § TRAINING SOG-38 § CAMP LONG THANH - ABN OPS SOG-35 (SB) o CCS TF3AE – LSAD3 § FOB 5 / MLSN / MLSS o FOB/FOB2 CCC TF2AE – SMF o FOB 5 MLSN – MLSS o KHAM DUC FOB 3 o MLT 2 o C&C- CCN- TF1AE – AE § KHAM DUC / FOB 3 / MLT 2 § FOB4 / MLT 4 § FOB1 / MLT 1 § (Heavy Hook) / MLT 3 / NKP - SUPPLY SOG-40 - PLANS SOG-50 - COMM SOG-60 - COMPT SOG-90 - JPRC SOG-80
OPS SOG-30 - MAROPS SOG-31 o NAD/CSS / SOG-37
DET C5 5TH SFG(A) - DET B-50 (PROJ OMEGA) - B-51 (TMG) B-52 (DELTA) - DET B-53 (LONG THANH) - 403RD SOD B-57 (GAMMA) B-55 - DET B-56 (PROJ SIGMA)
ABN OPS (SB) SOG-35 DET B-50 (PROJ OMEGA) DET B-56 (PROJ SIGMA) - C&C / CCN/ TF1AE / AE68 - FOB/FOB2 / CCC / TF2AE / SMF - CCS / TF3AE / LSAD3 o FOB 5 MLSN / MLSS o KHAM DUC FOB 3 / MLT 2 o FOB 4 / MLT 4 o FOB1 / MLT 1 o (HEAVY HOOK) MLT3 / NKP o FOB/FOB2 CCC / TF2AE / SMF
Đại Tá Trần Văn Hổ
Thành Lập Sở Công Tác / Bổ túc C/H Nguyễn Như Đoàn Công Tác 75
Thành Lập tại Nha Trang ngày 1.1.1971 BCH Sở Công Tác / Trại Chương Dương BCH Đoàn 71, 72 và Đoàn 75 đồn trú tại Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ phía sau Phi Trường Nha Trang Chỉ Huy Trưởng Sở Công TácĐại Tá Ngô Thế Linh, 1972 dời vể Đà Nẵng CHT Đại Tá Trần Văn Hai, CHT cuối cùng Đại Tá Ngô Xuân Nghị. Đoàn Công Tác 71 Chỉ Huy Trưởng đầu tiên Thiếu Tá Trịnh Văn Viên Chỉ Huy Trưởng cuối cùng Trung Tá Bùi Văn Thiện Đoàn Công Tác 72 Chỉ Huy Trưởng đầu tiên Thiếu Tá Cẩm Ngọc Huân rồi đến Thiếu Tá Lê Hữu Minh kế tiếp Trung Tá Nguyễn Đức Phó cuối cùng Thiếu Tá Nguyễn Phan Tựu Đoàn Công Tác 75 Chỉ Huy Trưởng đầu tiên Thiếu Tá Nguyễn Đức Phó, năm 1972 CHT Thiếu Tá Văn Thạch Bích đơn vị di chuyển về Kontum chung doanh trại với Chiến Đoàn 2 Xung Kích, tháng 9 năm 1972 Trung Tá Ngô Đình Lưu, đầu năm 1973 di chuyển về trại Long Biên Pleiku. tháng 10 năm 1974 Trung Tá NguyễnThanh Văn nhận chức Chỉ Huy Trưởng và cho đến những ngày cuối cùng. Đoàn Công Tác 11Trung Tá Đào Đăng Đại và CHT cuối cùng Thiếu Tá Lê Hữu Minh. Đoàn Công Tác 68 Chỉ Huy Trưởng Trung Tá Hà Ngọc Oánhkế đến Trung Tá Nguyễn Văn Hy và Chỉ Huy Trường cuối cùng Trung Tá Trương Như Tài.
Đại Tá Trần Khắc Kính
1975 Nha Kỹ Thuật / Bộ Tổng Tham Mưu / Quân Lực VNCH
Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Đại Tá Đoàn Văn Nu Phụ Tá Điều Hành NKT Đại Tá Trần Xuân Đức Chỉ Huy Trưởng Sở Liên Lạc Đại Tá Nguyễn Minh Tiến Chỉ Huy Trưởng Sở Công Tác Đại Tá Ngô Xuân Nghị Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải Đại Tá Nguyễn Viết Tân Chỉ Huy Trưởng Sở Không Yễm Đại Tá Dư Quốc Lương Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế Đại Tá Ngô Thế Linh Chánh Sự Vụ Sở An Ninh Quân Đội Trung Tá Lò Ngân Dung Chánh Sự Vụ Sở Hành Quân Tình Báo Trung Tá Đào Đăng Đại Chánh Sự Vụ Sở Hành Chánh Tiếp Vận Trung Tá Nguyễn Văn Vinh Chánh Sự Vụ Sở Tâm Lý Chiến Trung Tá Đặng Xuân Thoại Trưởng Phòng 2 NKT Thiếu Tá Tôn Thất Luân Trưởng Phòng 3 NKT Thiếu Tá Lữ Triệu Khanh Trưởng Phòng Tổng Quản TrịThiếu Tá Nguyễn Văn Thạch Y Sĩ TrưởngĐại Úy Bác Sĩ Nguyễn Văn Hưng
Chỉ Huy Trưởng Đoàn 1 Liên Lạc Thiếu Tá Tống Hồ Huấn Chỉ huy Trưởng Đoàn 2 Liên Lạc Thiếu Tá Lê Minh Chỉ Huy Trưởng Đoàn 3 Liên Lạc Thiếu Tá Đoàn Kim Tuấn Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 11 Thiếu Tá Lê Hữu Minh Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 68 Trung Tá Trương Như Tài Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 71 Trung Tá Bùi Văn Thiện Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 72 Thiếu Tá Nguyễn Phan Tựu Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 75 Trung Tá Nguyễn Thanh Văn
- Đại Đội Trưởng Đại Đội Truyền 660 Truyền Tin NKT: Trung Tá : Nguyễn Văn Nhờ - Đại Đội Trưởng Đại Đội Công vụ/ BCH NKT Thiếu Tá; Hồ Văn Anh - Trung Đội Trưởng Trung Đội Quân cảnh 304/207 NKT: Thượng Sĩ Nguyễn Văn Gái - Trường Ban Xã Hội NKT: Trung Úy Nữ Quân Nhân : Lê Thị Bé Tư, và Tr/Úy Nữ Quân Nhân: Nguyễn Thị Lộc
General Singlaub Comander MACV-SOG VIETNAM
Sở Liên Lạc / Nha Kỹ Thuật / BTTM / QLVNCH
Đại Tá "Skip" SADLER Chỉ Huy Trưởng MACV-SOG / LONG THÀNH
Chương Trình Gươm Thiêng Ái QuốcCố Vấn Ngô Đình Nhu, Bác Sĩ Trần Kim Tuyến Sixieme Section Phòng 6Thiếu Tá Nguyễn Khánh, Trung Tá Trần Đình Lan Giám Đốc Nha Tổng Nghiên Huấn Bộ Quốc PhòngThiếu Tá Lê Văn Lung, Đại Úy Trần Khắc Kính Chánh Sở 32 ( Sở Liên Lạc) Đại Úy Nguyễn Khắc Bình Chánh Sở 42 (Sở Bảo Vệ) Đại Úy Trần Văn Thăng Chánh Sở 52 (Sở Công Tác)Nguyễn Văn Lý, Đàm Văn Qúy Chỉ Huy Trưỡng Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống "Trung Ương Cục"Đại Úy Lê Quang Tung, Đại Úy Trần Khắc Kính Chỉ Huy Trưỡng Sở Khai Thác / Bộ Tổng Tham Mưu Đại Tá Trần Văn Hổ CHT Sở Bắc (Phòng 45) Thiếu Tá Ngô Thế Linh CHT Sở Nam, Sở Liên Lạc Phủ Tổng ThốngĐại Tá Hồ Tiêu, Đại Úy Trần Văn Hổ Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Quan Sát Số 1Đại Úy Bùi Thế Minh Trưởng Phòng 35 Đại Úy Trần Khắc Kính, Trần Lai Miên Trưởng Phòng 45 (Sở Bắc)Đại Úy Ngô Thế Linh, Nguyễn Bão Thùy, Francois Đổ Văn Tiên, Nguyễn Nghệ Trưởng Phòng 55 (Sở Nam)Nguyễn Qúy Huỳnh, Trần Văn Minh Trưởng Phòng 65 (An Ninh Quân Đội)Lê Đình Ngân, Đàm Thế Công, Nguyễn Qúy Hùng Trưởng Phòng 75Lưu giử hồ sơ mật Trưởng Phòng 78 Tài chánh hành chánh trợ cấp hoạt động toán Trưởng Phòng 95 Đại Đội 660 Truyền Tin hoạt động Bắc Việt, Quốc ngoại, Quốc nội Đại Tá Mai Viết Triết Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 77 - Liên Đoàn 31 / Sở Khai Thác Địa Hình Phủ Tồng ThốngĐại Tá Lê Quang Tung Liên Đoàn 77 Thiếu Tá Phan Văn Huấn, Đại Úy Mặc Khách Sỉ Quan Chiến Tranh Ngoại Lệ Sở Liên Lạc/Phủ Tổng Thống:Đại Úy Ngô Thế Linh, Đại Úy Đàm Minh Viên, Trung Úy Nguyễn Khắc Hy, Trung Úy Nồng An Pang, Trung Úy Trần Bá Tuân, Trung Úy Văn Công Báu, Trung Uý Nguyễn Quang Trung, Trung Úy Nguyễn Bão Thùy, Trung Úy Lê Ngọc Cẩn, Trung Úy Phạm Văn Minh, Thiếu Úy Nguyễn Nghệ, Thiếu Úy Lê Quang Triệu Chỉ Huy Trưởng Sở Liên Lạc Nha Kỹ Thuật Đại Tá Hồ Tiêu, Trung Tá Liêu Quang Nghĩa, Đại Tá Nguyễn Văn Minh, Đại Tá Nguyễn Bá Trước, Giám Đốc Nha Kỹ Thuật / Bộ Tổng Tham MưuĐại Tá Trần Văn Hổ Y Sĩ Trưởng Nha Kỹ Thuật Thiếu Tá Bửu Trí Trưởng Phòng Hành Quân Huấn Luyện Trung Tá Vĩnh Thái Trung Tâm Huấn Luyện Quyết Thắng Trung Úy Nguyễn Văn Vinh, Trung Tá Nguyễn Văn Minh, Trung Tá Mặc Khách, Thiếu Tá Hy Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế Trung Tá Trần Văn Hai, Đại Tá Ngô Thế Linh Chỉ Huy Trưởng Sở Công Tác Đại Tá Ngô Thế Linh, Đại Tá Trần Văn Hai Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên HảiHải Quân Trung Tá Hồ Văn Kỳ Thoại, Thiếu Tá Ngô Thế Linh, Trung Úy Francois Đổ Văn Tiên, Chỉ Huy Trưởng Sở Không YễmĐại Tá Dư Quốc Lương Chỉ Huy Trưởng Chiến Đoàn 1 Xung Kích Thiếu Tá Nguyễn Tuấn Minh, Trung Tá Hồ Châu Tuấn, Thiếu Tá Nguyễn Hữu Trang, Trung Tá Nguyễn Thế Nhã, Trung Tá Nguyễn Hương Rĩnh, Thiếu Tá Nguyễn Văn Thụ Chỉ Huy Trưởng Chiến Đoàn 2 Xung KíchThiếu Tá Đổ Văn Tiên (Francois), Nguyễn Hương Rĩnh Chỉ Huy Trưởng Chiến Đoàn 3 Xung KíchTrung Tá Nguyễn Tuấn Minh Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 11 Trung Tá Đào Đăng Đại Đại Uý Đổ Văn Tiên, Thiếu Tá Sáng, Thiếu Tá Trần Bá Tuân, Thiếu Tá Lê Hữu Minh Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 68 Thiếu Tá Nguyễn Xuân Oánh Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 71 Thiếu Tá Văn Thạch Bích, Trung Tá Bùi Văn Thiện Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 72 Trung Tá Cẩm Ngọc Huân, Thiếu Tá Biền, Thiếu Tá Lê Hữu Minh, Trung Tá Nguyễn Đức Phó, Thiếu Tá Nguyễn Phan Tựu Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 75 Trung Tá Ngô Đình Lưu, Thiếu Tá Văn Thạch Bích, Trung Tá Nguyễn Thanh Văn Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Biệt Hải Trung Tá Trương Duy Tài, Trung Tá Trần Bá Tuân, HQ Trung Tá Nguyễn Hữu Hùng, HQ Trung Tá Hồ Văn Tánh Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Hải Tuần(Hài Quân QLVNCH) Trung Tá Nguyễn Mạnh Trí, Thiếu Tá Nguyễn Hữu Hùng, Đại Úy Trần Đổ Cẩm Giám Đốc Đài phát thanh Gươm Thiêng Ái QuốcĐại Úy Đổ Bá Tư Giám Đốc Đài Tiếng Nói Tự Do Trung Tá Vũ Quang Ninh
Xâm Nhập Miền Bắc
1. ARES 02/61Biển 1 Vẫn liên-lạc trong tháng 04/69. 2. ATLAS 03/61Thả-Dù 4 , 2 chết, 2 bị bắt khi xuống tới đất. 3. CASTER 05/61Thả Dù 4 Mất liên lạc 07/63 bên Lào 4. DIDO 06/61Thả Dù 4 Gửi báo cáo sai-lạc. Chấm dứt. 5. ECHO 06/61Thả Dù 3 Gửi báo cáo sai lạc cho đến 08/62. 6. TARZANKhông rõ Thả Dù 6 Liên lạc lần cuối 06/63, coi như bị địch bắt sống 7. EUROPA 02/61Thả Dù 5 Liên lạc lần cuối ngày 27/01/64từ BVN. 8. REMUS 16/04/62Thả Dù 6 Thêm 2 người 12/08/63, 3 người 23/04/64, 4 người Toán ALTER 22/10/64, 4 người 06/65, 2 người 21/08/67. Ngày 13/05/68 Bắc Việt loan tin bắt được quân Biệt-kích trong vùng hoạt động của toán Remus 9. TOURBILLON 16/05/62Thả Dù 8 Thêm 7 người toán COOTS 27/05/64, 7 người toán PERSEUS 24/06/64, 6 người toán VERSE 07/11/65, 2 người toán TOURBILLON BRAVO 24/12/66. Hiệu thính viên gử tín hiệu khẩn 01/67. Toán được xử dụng để đánh lạc hướng địch cho đến 04/69. 10. EROS 06/62Thả Dù 5 Gửi báo cáo sai-lạc. Chấm dứt. 11. PEGASUS 13/04/63Thả Dù 6 12. JASON 14/05/63Thả Dù 5 13. DAUPHINE 04/06/63Thả Dù 5 Bị bắt ít lâu sau khi xuống. 14. BELL 04/06/63Thả Dù 7 Thêm 7 người toán GRECO 14/11/64. Lần cuối cùng gửi điệnvăn 19/03/67. Bị bỏ rơi 03/07/67. 15. BECASSINE 06/63Thả Dù 6 16. BART 07/06/63Thả Dù 5 17. TELLUS 07/06/63Thả Dù 4 18. MIDAS 10/06/63Thả Dù 8 . 19. NIKE 10/06/63Thả Dù 6 20. GIANT 07/63Thả Dù 6 21. PACKER 07/63Thả Dù 6 22. EASY 09/08/63Thả Dù 8 Thêm 6 người toán PISCES 18/07/64, Thêm 5 người toán HORSE 05/65,Thêm 9 người 17/09/65. thêm 3 người 8/10/65 Toán (DOG/GECKO). Toán DOG/GECKO đổi tên là EASYALPHA nhẩy xuống 07/67. Lần cuối cùng liên lạc 26/04/68 báo chí ngoài Bắc loan báo bắt được 12 Biệt Kích quân, trong đó có toán trưởng. 23. Không tên 12/08/63Thả Dù 2 Tăng cường cho toán REMUS. 24. SWAN 04/09/63Thả Dù 6 . 25. BULL 07/10/63Thả Dù 7 26. RUBY 05/12/63Thả Dù 8 27. Không tên 23/04/64Thả Dù 3 Tăng cường cho toán REMUS. 28. ATTILA 25/04/64Thả Dù 6 . 29. LOTUS 19/05/64Thả Dù 6 30. COOTS 27/05/64Thả Dù 7 Tăng cường cho toán TOURBILLON. 31. SCORPION 17/06/64Thả Dù 7 32. BUFFALO 19/06/64Thả Dù 10 Bị bắt, đưa ra toà lãnh án. 33. EAGLE 28/06/64Thả Dù 6 Bản phân tích 06/68: Bị địch bắt, còn 3 người dự trù di chuyển về hướng Nam. Bắt đầu di chuyển 11/68. Còn liên lac trong năm 69. Thả Dù 6 Tăng cường cho toán EASY. 35. PERSEUS 24/07/64Thả Dù 7 Tăng cường cho toán TOURBILLON. 36. BOON 29/07/64Thả Dù 9 37. ALTER 22/10/64Thả Dù 4 Tăng cường cho toán REMUS. 38. GRECO 14/11/64Thả Dù 7 Tăng cường cho toán BELL. CENTAUR 28 Toán bị rớt máy bay C-123 ngày 10/12/64 nơi Ngũ Hoành Sơn Ðà Nẵng. Tử nạn REMUS ALPHA 05/65 5 Một phần của REMUS được lệnh triệt xuất qua Lào. Lần liên lạc cuối cùng 21/08/65. Tọa độ Vic 785367. “im lặng vô tuyến, đi Vạn Tượng (Lào) 39. HORSE 05/65Thả Dù 5 Tăng cường cho toán EASY. 40. DOG/GECKO 17/09/65Thả Dù 9 Tăng cường cho toán EASY. Sau bổ túc EASY ALPHAthành toán EASY ALPHA 30/10/65. Nhập lại toán EASY trong tháng 07/67. 41. VERSE 07/11/65Thả Dù 8 Tăng cường cho toán TOURBILLON. Hai người chết lúc thả dù. Toán hướng dẫn TOURBILLON về kỹ thuật thám sát đường mòn. 21/12/65, TOURBILLON chia 3 người qua toán VERSE. Toán VERSE tách ra. Ngày 27/07/67, radio Hà-Nội loan tin bắt sống toán. 42. ROMEO 19/11/65Trực Thăng 10 Tháng 10/66 nhận được điện văn rất rõ 'ROMEO đã bị bắt'.Lần cuối cùng liên lạc 05/08/68. Báo cáo mất tích 04/11/68. 43. KERN 05/03/66Thả Dù 9Một người chết lúc thả dù. Lần cuối cùng liên lạc 05/09/66. Bỏ rơi 07/12/66. 44. HECTOR 22/06/66Trực Thăng 15 Thêm 11 người toán HECTOR BRAVO 23/09/66. Hai toánkhông gặp được nhau. Bỏ rơi BRAVO 28/12/66. HECTOR liên lạc lần cuối 15/03/67. Bỏ rơi 26/06/67. 45. SAMSON 05/10/66Trực Thăng 8 Bãi đáp bên Lào. Liên lạc lần cuối 02/12/66. Bỏ rơi 01/03/67. 46. TOURBILLON 24/12/66Thả Dù 2 Tăng cường cho TOURBILLON. Ðem BRAVO theo máy nghelén điện thoại và máy dò thính. 47. HADLEY 26/01/67Trực Thăng 11 Xâm nhập vào miền Bắc bằng đướng bộ. Bản phân tích 06/68: Toán bị bắt ít lâu sau khi xâm nhập. Dùng để đánh lạc hướng địch quân từ 06/67. Ðược lệnh triệt xuất qua Lào. 03/69, toán báo cáo đã ở bên Lào cho trực thăng bốc về. Tìm không ra vị trí của toán. 48. HANSEN 22/04/67Trực Thăng 17 Toán chưa hề ra đến Bắc Việt Nam. Ðịch xuất hiện nơi bãiđáp. Yêu cầu triệt xuất. 49. Không tên 21/08/67 Thả Dù 2 Tăng cường cho toán REMUS. 50. GOLDFISH 13/09/67Ðường Biển 1 Xâm nhập bằng Plowman. Ðiệp vụ 327. Ðiệp viên tuyển mộtrong nhóm tù binh ở Paradise. Ðiệp viên sẽ nằm vùng 60- 90 ngày và triệt xuất bằng đường biển. Mất liên lạc. 51. RED DRAGON 21/09/67Thả Dù 7 Bị phân tán lúc thả dù. Người Hoa-Kỳ tin là họ bị bắt. Sĩ quanViệt-Nam cho rằng toán không sao trong bản báo cáo 06/68. Vẫn liên lạc cho đến tháng 04/69. 52. VOI 18/10/67Thả Dù 4 Mất liên lạc sau khi xâm nhập.
Chiến Sĩ Anh Hùng Nha Kỹ Thuật
Thiếu Tá Hồ Đăng Nhật Tử Trận ngày 25 tháng 3 năm 1975 trong lúc mở đường Liên Tỉnh Lộ Số 7 cho đoàn xe di tản từ cao nguyên về Tuy Hòa bị bắn B40 vào xe.
Thiếu Tá Nguyễn Văn Hải cùng ngồi chung xe với Thiếu Tá Hồ Đăng Nhật. Lôi Hổ Nguyễn Hữu Tài mang xác của Trung Tá Hải và Thiếu Tá Nhật ra khỏi xe Jeep A2.
Trung Tá Đặng Xuân Thoại Chánh Sở Tâm Lý Chiến / Nha Kỹ Thuật Tuẩn tiết bằng súng lục sau khi nghe Dương Văn Minh đầu hàng Việt Cộng.
Hồn Tữ Sĩ Gió Ù Ù Thổi / Tổ Quốc Tri Ân Phi Đoàn 219 Trực Thăng Thả Toán Nha Kỹ Thuật
1 PHAN THẾ LONG Tr/u 1965 Khâm Đức 2 NGUYỄN BẢO TÙNG Th/u 1965 Khâm Đức 3 BÙI VĂN LÀNH Th/s 1965 Khâm Đức 4 NGUYỄN VĂN MÀNH Th/u 1966 5 NGUYỄN HỮU KHÔI Tr/u 1966 6 NGUYỄN VĂN HAITh/s 1966 7 ĐINH HỮU HIỆP Đ/u Ashau 8 LÊ HỒNG LĨNH Tr/u Ashau 9 NGUYỄN MINH CHÂU Th/s Ashau 10 NGUYỄN PHI HÙNG Đ/u 11 NGUYỄN PHI HỔ Tr/u 12 BÙI QÚY THOAN Th/s 13 TRẦN VĂN THÁI Th/s 14 15 16 NGUYỄN VĂN MINH Tr/u 30/11/1968 gần đường mòn 922 Hạ lào 17 HƯỚNG VĂN NĂM TH/U 30/11/1968 gần đường mòn 922 Hạ lào 18 NGUYỄN VĂN THÂN Tr/s 1 30/11/1968 gần đường mòn 922 Hạ lào 19 NGUYỂN DU Tr/u tháng 3/1969 gan Leghorse 20 TÔN THẤT SINH Tr/u 4/4/1969 Ngã ba biên giới 21 VŨ TÙNG Th/u 4/4/1969 Ngã ba biên giới 22 NGUYỄN VĂN PHƯƠNG Tr/s 4/4/1969 Ngã ba biên giới 23 THÁI Th/u Tháng 5/1969 Núi Bạch Mã 24 TOẢN Tr/s 1 Tháng 5/1969 Núi Bạch Mã 25 HÀ KHẮC VỮNG Tr/s 1/6/1969 Quảng Ngãi 26 THÁI ANH KIỆT Th/u 10/6/1969 Ngã ba biên giới 27 NGÔ VIẾT VƯỢNG Đ/u 11/5/1970 Ngọn núi ngăn giữaDuc Co va Kontum 28 LÊ VĂN SANG Tr/u 11/5/1970 Ngọn núi ngăn giữa Duc Co va Kontum 29 PHẠM VĂN TRUẬT Tr/s 1 11/5/1970 Ngọn núi ngăn giữa Duc Co va Kontum 30 ĐẶNG HỮU CUNG Đ/u 11/5/1970 Ngọn núi ngăn giữaDuc Co va Kontum 31 ĐẠT Th/u 11/5/1970 Ngọn núi ngăn giữaDuc Co va Kontum 32 NGUYỄN HẢI LỘC Th/u 24/09/1970 Bù Dớp 33 NGUYỄN THANH GIANG Tr/u 1971 trận Ha Lào Lam sơn 719 Dồi 31 34 NGUYỄN VAN EM Tr/s 1971 trận Ha Lào Dồi 31 35 VŨ ĐỨC THẮNG Đ/u 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành 36 NGUYỄN NGỌC AN Th/u 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành 37 NGUYỄN VAN MAI Th/u 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành 38 TRẦN VĂN LONG Đ/u 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành 39 NGÔ VĂN THÀNH Th/u 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành 40 TRẦN VĂN LIÊN Tr/s 9/10/1971 Xã Minh Hung Thị trấn Chơn Thành 41 HÀ TÔN Đ/u Tháng 3/1972 Gần Non Nước Đa nẵng 42 HUỲNH TẤN PHƯỚC Tr/u Tháng6/1972 Quế sơn 43 PHAM VAN HƯỚNG Tr/s Tháng6/1972 Hướng Tây cây số 17 HUẾ 44 NGUYỄN THÀNH PHƯỚC Th/u 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài 45 TRẦN VĂN ĐỨC Tr/s 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài 46 HOÀ H/s 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài 47 NGUYỄN VĂN HIỆP Tr/u 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài 48 TRẦN VĂN ĐỨC Th/u 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài 49 LỘC Tr/s 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài 50 ĐỨC H/s 8/11/1972 Đầu phi trường Phú bài 51 NGUYEN THANH XUÂN Tr/s Tháng 8/1973 Băng Đông-BMT 52 LE VAN BỔN H/s Tháng 8/1973 Băng Đông-BMT 53 QUÁCH NGỌC THAO Th/u 11/3/1975 Phi Trường L.19 - Ban Me Thuật 54 NGUYỄN VĂN BE Th/u 11/3/1975 Phi Trường L.19 - Ban Me Thuật 55 ĐẶNG QUÂN Th/u 11/3/1975 Phi Trường L.19 - Ban Me Thuật 56 LÊ THẾ HÙNG Đ/u 13/3/1975 Phi Trường Phụng Dực B.50 BMT 57 DƯƠNG ĐỨC HẠNH Th/u 13/3/1975 Phi Trường Phụng Dực B.50 BMT 58 TRẦN MẠNH NGHIÊM Th/s 13/3/1975 Phi Trường Phụng Dực B.50 BMT 59 NGUYỄN VĂN ÂNH/s 13/3/1975 Phi Trường Phụng Dực B.50 BMT
Long Mả Phi Đoàn 219 Trực Thăng
TAPS
Day is done, gone the sun, from the hills, from the sky, all is well, safety rest, safety rest, all is well, fading the dims the sight, and a mar germs the sky gleaming, bright from afar, drawing night, falls the night. Dear one, rest!!!
Kèn Truy Điệu
Tữ Sĩ Nha Kỹ Thuật
Trung Sĩ Nguyễn Như An ● Vũ Tiến An ● Nguyễn Văn Ẩn ● Bùi Văn Ẩn ● Phúc An ● Phạm Ngọc Anh ● Trịnh Ngọc Anh ● Trịnh Quốc Anh ● Lê Tuấn Anh ● Dương Anh ● Lê Anh ● Dương Ngọc Ánh ● Phạm Ba ● Biệt Kích Phạm Văn Bá ● Đinh Công Bá ● Nguyễn Văn Bắc ● Đại Uý Nguyễn Văn Bạch ● Nguyễn Văn Ban ● Mang Banh ● Nguyễn Đình Baó ● Chu Chi Bảo ● Nguyễn Văn Bảy ● Huỳnh Văn Bé ● Mang Bí ● Đinh Công Bích ● Đaị Uý Võ Bình ● Nguyễn Văn Bình ● Nguyễn Bình ● Bùi Văn Cẩm ● Nhét Lo Cẩn ● Dừng Văn Cang ● Lò Đức Cầu ● Lò Viết Cầu ● Thạch Caven ● Chương Nàm Cháng ● Mang Chao ● Chuẩn Uý Lưu Thanh Châu ● Đinh Công Châu ● Đinh Công Châu ● Nguyễn Minh Châu ● Đinh Thế Châu ● Đinh Văn Châu ● Hoàng Văn Chiến ● Ngô Văn Chiến Phi ● Thiếu Úy Phan Văn Chiêu ● Nguyễn Văn Chinh ● Hoàng Ngọc Chính ● Mang Chơn ● Đinh Văn Chúc ● Dương Chức ● La Văn Chung ● Triệu Chung ● Nguyễn Chuyên ● Vòng A Có ● Bùi Văn Cỏi ● Huỳnh Con ● Hứa Viết Coc ● Trần Văn Củ ● Đại Uý Nguyễn Công Cử ● Đại Uý Nguyễn Công Cử ● Lu A Cui ● Trung Sĩ Cường ● Trung Uý Nguyễn Văn Cường ● Nguyễn Hùng Cường ● Nguyễn Văn Cường ● Trung Uý Cường (CôVi) ● Trung Tá Đào Đăng Đai ● Bế Ích Đạm ● Trần Như Đán ● Vân Đàn ● Nguyễn K Dang ● Vi Văn Đăng ● Nguyễn Văn Danh ● Nguyễn Văn Dao ● Đỗ Đăng Dậu ● Nguyễn Văn Dậu ● Hoàng Văn Đậu ● Không Văn Đậu ● Tống Văn Dền ● Buì Văn Diện ● Buì Văn Điện ● Phùng Điều ● Lò Văn Dinh ● Nông Công Định ● Nguyễn Khắc Định ● Tống Văn Dôi ● Quách Dỏm ● Cao Văn Dọn ● Lò Văn Dọn ● Nguyễn Đông ● Nguyễn Văn Du ● Nguyễn Văn Dua ● Trung Uý Nguyễn Dứa ● Trương Đình Đức ● Buì Văn Đức ● Nguyễn Văn Đức ● Trung Sĩ Dũng ● Huỳnh Tân Dũng ● Lê Văn Dũng ● Nguyễn Văn Dũng ● Nguyễn Văn Dũng ● Phạm Văn Dũng ● Phạm Công Dụng ● Biệt Hải Nguyễn Duyên ● Bế Viết Giang ● Nguyễn Văn Giáo ● Lò Văn Giát ● Trung Sĩ Vương Đình Ha ● Phan Ha ● Nguyễn Xuân Hạ ● Thiếu Tá Nguyễn Văn Haỉ ● Thiếu Uý Haỉ ● Khắc Haỉ ● Lê Văn Haỉ ● Lương Hằng ● Nguyễn Đức Hậu ● Nguyễn Thế Hiền ● Hứa Viết Hiền ● Lò Văn Hiền ● Đaị Uý Lâm Hưu Hiệp ● Lâm Thư Hiệp ● Nguyễn Văn Hiệp ● Quách Đình Hiếu ● Vũ Ngọc Hinh ● Vũ Hinh ● Đaị Tá Trần Văn Hô ● Trần Văn Hổ ● Nguyễn Văn Hóa ● Đaị Uý Văn Xuân Hòa ● Trung Sĩ Nguyễn Văn Hòa ● Lâm Xuân Hòa ● Phạm Thanh Hoaì ● Trần Văn Hoài ● Thiếu Uý Nguyễn Văn Hoanh ● Cao Văn Hồi ● Thượng Sỉ Hoàng Văn Hồng ● Hà Trung Huấn ● Nguyễn Văn Huấn ● Đào Huệ ● Trung Sĩ Hùng ● Trung Uý Nguyễn Mạnh Hùng ● Vũ Bão Hùng ● Đinh Thế Hùng ● Ngô Văn Hùng ● Nguyễn Văn Hùng ● Phạm Hùng ● Chuẩn Uý Vũ Trần Bảo Hưng ● Nguyễn Hưng ● Nguyễn Văn Hương ● Lê Hương ● Quách Đình Huyền ● Diệu Chính Ích ● Nguyễn Thanh Joan ● Hoàng Đình Khả ● Đỗ Văn Khaỉ ● Nguyễn Văn Khaỉ ● Đaị Uý Hoàng Công Khâm ● Hứa Viết Khim ● Đinh Như Khoa ● Phạm Trộng Khôi ● Nguyễn Văn Khứ ● Trung Uý Nguyễn Văn Khuê ● Trần Văn Khương ● Lưu Khương ● Nguyễn Văn Kiễm ● Mai Kiễm ● Bưu Kiễm ● Trung Sĩ Lê Văn Kim ● Thân Văn Kính ● Lê Văn Kình ● Buì Văn Ký ● Buì Đức Lạc ● Trung Sĩ Trần Văn Lai ● Nguyễn Thành Lai ● Nguyễn Văn Lâm ● Nguyễn Xuân Lãng ● Buì Văn Lành ● Nguyễn Đình Lãnh ● Nguyễn Đình Lãnh ● Phạm Lâu ● Ngô Liên ● Nguyễn Văn Liêng ● Dương Văn Liễu ● Đaị Tá Ngô Thế Linh ● Ngô Thế Linh ● Dương Văn Linh ● Nguyễn Văn Linh ● Hà Thương Lỉnh ● La Văn Loan ● Nguyễn Văn Lộc ● Lâm Lợi ● Nguyễn Đình Lợi ● T/s 1 Nguyễn Văn Long ● Huỳnh Nam Long ● Nguyễn Văn Long ● Nguyễn Văn Long ● Long (Lé) ● Thiếu Tá Tôn Thất Luân ● Tinh Minh Lung ● Trung Sĩ Lương ● Thiếu Tá Hoàng Khắc Lưu ● Trung Tá Ngô Đình Lưu ● Nguyễn Đình Lưu ● Đèo Văn Luyện ● Luyện (Casô) ● Nguyễn Văn Lý ● Trung Sĩ Tang Dù Lỹ ● Lê Văn Mai ● Mai (Già) ● Đaị Uý Trần Xuân Mẫn ● Trần Văn Minh ● Bành Viết Minh ● Nguyễn Minh ● Minh (Lai) ● Đinh Quí Muì ● Nguyễn Muì ● Chuẩn Uý Nguyễn Văn Mỹ ● Huỳnh Tân Na ● Chuẩn Uý Nguyễn Văn Nam ● Trung Sĩ Hồ Xuân Hoang Nam ● Đặng Nam ● Trần Nam ● Vũ Văn Năm ● Trung Sĩ Nguyễn Văn Ngà ● Đỗ Ngạc ● Mai Văn Ngàn ● Nguyễn Kim Ngân ● Mang Ngay ● Vũ Đình Nghị ● Trung Uý Nguyễn Văn Nghiêm ● Chuẩn Uý Nguyễn Văn Ngọc ● Phạm Văn Ngơị ● Trương Bá Ngữ ● Nguyễn Văn Nguyện ● Nguyễn Thế Nhã ● Thiếu Tá Hồ Đăng Nhật ● Nguyễn Văn Nho ● Mang Nhơn ● Nguyễn Văn Nhung ● Trung Sĩ Vi Văn Nô ● Buì Văn Nôi ● Thiếu Tá Nòng A Pang ● Nòng Au Pang ● Sền Sản Pắng ● Biệt Kích Đèo Văn Peng ● Trung Tá Nguyễn Đức Phó ● Lương Văn Phổ ● Nguyễn Văn Phôi ● Huỳnh Thanh Phong ● Binh Nhất Trần Phỏng ● Lưu Chí Phú ● Nguyễn Văn Phú ● Nguyễn Văn Phú ● Nông Văn Phú ● Si Phù ● Phạm Viết Phục ● Lò Văn Phúng ● Trung Sĩ Phước ● Lương Văn Phượng ● Đaị Uý Nguyễn Văn Quang ● Trung Sĩ Nguyễn Văn Quang ● Trần Quốc Quang ● Huỳnh Văn Quang ● Nguyễn Văn Quang ● Quang (Đen) ● Trần Văn Quí ● Trần Aí Quốc ● Nguyễn Quang Quơí ● Nguyễn Văn Quy ● Nguyễn Văn Quý ● Nguyễn Văn Quyết ● Quách Rả ● T/S I Nguyễn Văn Rất ● Buì Văn Ri ● Trung Tá Nguyễn Hương Rinh ● Nguyễn Hương Rinh ● Lò Văn Ron ● Quách Rọn ● Hoàng Văn Sạch ● Nguyễn Văn Sang ● Nguyễn Văn Sang ● Buì Văn Sất ● Liêu A Saú ● Nguyễn Sĩ ● T/S I Nguyễn Đức Sinh ● Phạm Ngọc Sinh ● Vương Đình Sính ● Lương Văn So ● Lâm So ● Hoàng Văn Soĩ ● Biệt Kích Nguyễn Văn Sơn ● Lê Đình Sơn ● Nguyễn Đình Sơn ● Nguyễn Ngọc Sơn ● Nòng Văn Song ● Trung Sĩ Sử ● Đinh Công Sửa ● Sooc Sum ● Mang Suoi ● Đinh Công Sưủ ● Trung Sĩ Trần Quang Taì ● Trung Sĩ Lê Văn Taĩ ● Hà Đăng Tâm ● Thiếu Úy Lê Văn Tâm ● Trương Đình Tâm ● Nguyễn Văn Tâm ● Chuẩn Uý Hoàng Ngọc Tang ● Trung Sĩ Tạ Tánh ● Đèo Văn Tập ● Nguyễn Văn Tập ● Diệu Chính Thạch ● Nguyễn Thạch ● Lò Khấm Thaí ● Lò Phạm Thái ● Hoàng Văn Thái ● Lê Văn Thân ● Trần Văn Thân ● Nguyễn Quốc Thắng ● Nguyễn Văn Thắng ● Thượng Sĩ Nguyễn Thanh ● Trung Sĩ Phạm Thanh ● Nguyễn Châu Thanh ● Đinh Công Thanh ● Vũ Hiến Thanh ● Nguyễn Văn Thanh ● Nguyễn Văn Thanh ● Đinh Công Thành ● Nguyễn Công Thành ● Nguyễn Hữu Thành ● Đoàn Viết Thạnh ● Phạm Thạnh ● Thanh (Đại Úy) ● Nguyễn Hưu Thao ● Nguyễn Văn Thế ● Nguyễn Văn Thế ● Mai Văn Thể ● Tống Văn Thể ● Nguyễn Văn Thi ● Nguyễn Trương Thộ ● Nguyễn Văn Thoaị ● Tống Văn Thôm ● Tống Văn Thôm ● Biệt Kích Trịnh Văn Thôn ● Phạm Cưu Thông ● Nguyễn Văn Thụ ● Nguyễn Văn Thứ ● Quách Thúc ● Nguyễn Văn Thức ● Hà Văn Thương ● Lương Trộng Thưởng ● Hà Trộng Thưởng ● Tạ Văn Thưởng ● Trung Sĩ Lê Hồng Thuỷ ● Trung Sĩ Đào Hồng Thuỷ ● Trần Văn Thuỷ ● Nguyễn Văn Tiệm ● Đaị Tá Nguyễn Minh Tiên ● Biệt Kích Triệu Tiến ● Lò Văn Tiến ● Đaị Tá Hồ Tiêu ● Nguyễn Văn Toán ● Trần Quang Toản ● Lương Văn Tôm ● Biệt Kích Quách Tỏm ● Đà Văn Tôn ● Nguyễn Hữu Trang ● Trương Nam Tráng ● Lưu Quang Trí ● Thiếu Tá Lê Quang Triêu ● Đặng Công Trình ● Nguyễn Văn Trình ● Chuẩn Uý Phạm Đình Trung ● Thiếu Uý Lê Văn Trung ● Trần Văn Trung ● Lê Tu ● Nguyễn Văn Tú ● Trung Sĩ Tủ ● Đỗ Văn Tư ● Hạ Si Nguyễn Văn Tứ ● Nguyễn Tua ● Trung Tá Trần Bá Tuân ● Trần Mai Tuân ● Biệt Kích Mai Văn Tuấn ● Hồ Châu Tuấn ● Mai Văn Tuấn ● Nguyễn Văn Tuấn ● Nguyễn Văn Tuấn ● Hà Văn Tun ● Đaị Tá Lê Quang Tùng ● Đaị Uý Lê Văn Tùng ● Vòng A Tưng ● Lê Văn Tụng ● Nguyễn Tươi ● Lê Tuy ● Đaị Uý Đào Hưu Tuyền Nguyễn Văn Tuyến ● Bùi Văn Út ● Phan Nhật Văn ● Trung Tá Nguyễn Thanh Văn ● Nguyễn Văn Vậy ● Trung Tá Nguyễn Văn Vinh ● Trung Uý Nguyễn Văn Vinh ● Nguyễn Văn Vinh ● Đỗ Văn Vong ● Nguyễn Văn Vụ ● Chuẩn Uý Vũ Trọng Vui ● Nguyễn Văn Vui ● Chuẩn Uý Nguyễn Văn Vương ● Vương Đình Vựơng ● Nguyễn Văn Vượng ● Đào Xuân ● Đặng Hùng Xung ● Đào Xung ● Văn Tú Xưng ● Lê Văn Xuyên ● Hoàng Văn Y ● Nguyễn Văn Yo ●
Các Chỉ Huy Trưỡng Đoàn 1, Chiến Đoàn 1, FOB1 Lôi Hổ
1- Thiếu Tá Nguyễn Tuấn Minh 2- Trung Tá Hồ Châu Tuấn 3- Thiếu Tá Nguyễn Hữu Trang 4- Trung Tá Nguyễn Thế Nhã 5-Trung Tá Nguyễn Hương Rĩnh 6-Thiếu Tá Nguyễn Văn Thụ 7- Thiếu Tá Tống Hồ Huấn
Đoàn Công Tác 75/SCT/NKT/BTTM/QLVNCH
Các Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 75
1-Thiếu Tá Nguyễn Đức Phó XLTV CHT 2- Trung Tá Vũ Dương Kiễm 3-Thiếu Tá Văn Thạch Bích 4-Trung Tá Ngô Đình Lưu, 5- Trung Tá NguyễnThanh Văn
Đoàn Công Tác 72/SCT/NKT/BTTM/QLVNCH
Các Chỉ Huy Trưỡng Đoàn Công Tác 72 SCT/NKT/BTTM/QLVNCH
Trung Tá Cẫm Ngọc Huân Thiếu Tá Lê Hữu Minh Trung Tá Nguyễn Đức Phó Thiếu Tá Nguyễn Phan Tựu
Đoàn 11 Sở Công Tác Nha Kỹ Thuật /BTTM/QLVNCH
Các Chỉ Huy Trưỡng Đoàn 11
1- Đại Uý Đổ Văn Tiên 2- Thiếu Tá Nguyễn Văn Sáng 3- Thiếu Tá Trần Bá Tuân 4- Trung Tá Đào Đăng Đại 5- Thiếu Tá Lê Hữu Minh
Đoàn 2 Sở Liên Lạc / Nha Kỹ Thuật
Chỉ Huy Trưởng Đoàn 2 Liên Lạc / Chiến Đoàn 2 Xung Kich / FOB2
1- Đại Úy Hồ Châu Tuấn 2- Thiếu Tá Văn Thạch Bích 3- Thiếu Tá Đổ Văn Tiên 4- Thiếu Tá Lê Minh
Huy Hiệu Nha Kỹ Thuật
MACVSOG ( Vietnamese)
MACVSOG (Millitary Assistance Command, Vietnam - Studies and Observation Group - Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam) là một đơn vị bán quân sự bí mật của quân đội Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Nằm trong kế hoạch 34A (OPLAN 34A), một chương trình tham vọng của Lầu Năm Góc gồm các hoạt động bán quân sự nhằm quấy nhiễu, trừng phạt và cuối cùng là lật đổ chính phủ Hà Nội, SOG đã thực hiện một loạt các hoạt động ngầm chống phá Bắc Việt Nam trong suốt giai đoạn 1964-1972. 4 nhiệm vụ cơ bản của SOG là: cài cắm gián điệp và biệt kích xuống Bắc Việt Nam; tiến hành chiến tranh tâm lý; tiến hành các hoạt động ngăn chặn và quấy rối trên biển; và hoạt động thám báo chống phá đường mòn Hồ Chí Minh.
SOG ra đời trong hoàn cảnh Tổng thống Kennedy kêu gọi quân đội ngoài việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực với Liên Xô còn phải sẵn sàng khi ứng phó với dạng xung đột nhỏ – chiến tranh không quy ước - như tại Việt Nam. Dù Lầu Năm Góc cho rằng quân đội có đủ sức đối phó với chiến tranh không quy ước bằng các lực lượng thông thường, Kennedy vẫn không thỏa mãn và yêu cầu quân đội lập ra một lực lượng đặc biệt thực hiện các hoạt động ngầm, khiến cho Hà Nội phát điên giống như cái cách mà họ đang tiến hành tại Nam Việt Nam với người Mỹ. Giới quân sự phản đối, nhưng dưới sức ép của Nhà Trắng, SOG được thành lập. Tuy nhiên, sự không công nhận của quân đội đối với SOG đã khiến cho rất nhiều hoạt động của SOG bị hạn chế và đem lại thành công ít ỏi.
SOG thành lập ngày 24-1-1964 tại Sài Gòn bởi Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV). Vào thời điểm mới thành lập, mọi nguồn lực, hoạt động, tổ chức của SOG đều bắt đầu từ con số không. Mặc dù được Nhà Trắng ủng hộ, SOG hầu như không nhận được sự hỗ trợ từ các lực lượng quân sự thông thường của Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng như CIA. Phải mất 1 năm sau, các bộ phận của SOG mới được hoàn chỉnh tương đối, kết cấu thành một mạng lưới phức tạp và cồng kềnh.
Tổ chức, Lãnh đạo & Giám sát
Tổ chức
Tổ chức của SOG gồm hạt nhân là bốn bộ phận nghiệp vụ chính: Bộ phận cài cắm & chỉ đạo các hoạt động gián điệp OP34 mật danh Timberwork; Bộ phận hoạt động bán quân sự trên biển OP37 mật danh Plowman; Bộ phận hoạt động tâm lý chiến OP39 mật danh Hulidor; Bộ phận hoạt động thám báo chống phá đường mòn Hồ Chí Minh OP35 mật danh Shinning Brass. Ngoài ra, SOG còn có một số bộ phận hỗ trợ như: Bộ phận bay phối thuộc OP36, bộ phận hành chính & nhân sự OP10, bộ phận hậu cần OP40, bộ phận thông tin OP60, bộ phận tài vụ OP90 … SOG cùng đối tác Tổng nha kỹ thuật chiến lược Nam Việt Nam STD quản lý trại huấn luyện Long Thành.
Trong hoạt động thám báo trên đường mòn Hồ Chí Minh, SOG còn lập ra một số căn cứ hoạt động tiền tiêu (FOB) nằm rải rác trên lãnh thổ Nam Việt Nam để kiểm soát và hỗ trợ các toán biệt kích. Căn cứ quan trọng nhất của SOG là căn cứ hoạt động tiền tiêu Khâm Đức (Khe Sanh), nơi phụ trách gần một nửa các hoạt động biệt kích tại Lào. Ngoài ra, SOG còn có các cơ sở điều phối không lưu trong hoạt động đánh phá đường mòn, như ba Trung tâm chỉ huy phía Bắc CCN, phía Trung CCC và phía Nam CCS.
Lãnh đạo
Cấp tư lệnh chỉ huy của SOG luôn là một đại tá bộ binh Mỹ. Việc tư lệnh SOG không phải là một vị trí cấp tướng phản ánh đúng thái độ của giới quân sự tại Lầu Năm Góc: SOG không được coi là một bộ phận cấu thành chiến lược trong bộ máy chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Quân đội coi SOG là đứa con ghẻ do Nhà Trắng muốn họ lập ra. Tư lệnh SOG hầu như không có quan hệ rộng rãi tại Washington, và không được coi trọng tại Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Hoa KỳMACV và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Điều này về sau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của SOG và là một yếu tố quyết định sự thành bại của tổ chức này.
Phó tư lệnh của SOG luôn là một sĩ quan không quân, nhưng không phải là người đang ở vị thế được thăng tiến – rất khó được lên cấp tướng. Cấp chỉ huy thứ ba tại SOG là một quan chức của CIA. Tuy nhiên, CIA chẳng mấy mặn mà với vai trò phụ giúp cho quân đội trong hoạt động ngầm. Vì vậy, viên phó CIA được cử sang SOG thường chủ yếu hoạt động tâm lý chiến – một lĩnh vực thường không được đề cao tại CIA.
Giám sát
Sự nhạy cảm trong các hoạt động mà SOG tiến hành mang lại khiến cho các nhà địa chính trị ở Washington lo ngại. Mặc dù hào hứng với kế hoạch nhằm gây rối chính phủ miền Bắc, các nhà hoạch định chính sách ở Nhà Trắng lại lo lắng rằng nếu các hoạt động của SOG bị lộ, Hoa Kỳ sẽ bị biến thành hình ảnh kẻ xâm lược khát máu đang cố lật đổ Bắc Việt Nam, điều mà họ luôn tuyên bố rằng không phải. Hơn nữa, sự thành công - nếu có - của SOG, sẽ gây ra tình hình bất ổn dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Hà Nội và khi đó, Trung Quốc có thể sẽ can thiệp. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao không muốn có một Triều Tiên thứ hai. Do vậy họ quyết tâm kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của SOG, hạn chế bất cứ hành động nào có thể làm tổn hại đến hình ảnh và thanh danh của Hoa Kỳ. Tất cả các kế hoạch hoạt động của SOG đều phải trải qua một khâu kiểm duyệt công phu, gửi lên cả Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, CIA và Bộ Ngoại giao trước khi có thể tiến hành. Và ở bất kỳ chỗ nào, kế hoạch đều có thể bị bác bỏ và trả lại, buộc SOG phải lập một kế hoạch mới. Sự cồng kềnh phức tạp này khiến cho rất nhiều các kế hoạch có triển vọng của SOG bị Washington bác bỏ, vì cho rằng “có khả năng gây tổn hại đến chiến lược chung” – chiến lược mà quân đội không coi SOG là một phần của nó. Ngoài ra, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân còn lập ra Văn phòng trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt SACSA, với chức năng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của SOG. Sĩ quan SACSA là người trực tiếp mang các bản kế hoạch của SOG qua các khâu kiểm duyệt tại Washington (Tuy nhiên, điều khôi hài là về sau này, SACSA lại đóng vai trò hỗ trợ cho SOG tại Washington, mặc dù mục đích ban đầu nó được lập ra để làm chậm lại chứ không phải ủng hộ cho sự phát triển của SOG).
Các giai đoạn hoạt động
Đối với từng bộ phận nghiệp vụ của SOG có một quá trình hoạt động khác nhau. Nếu như ba bộ phận cài cắm gián điệp OP34, hoạt động trên biển OP37 và hoạt động tâm lý chiến OP39 đều bắt đầu hoạt động từ năm 1964 khi SOG mới thành lập, và kết thúc vào năm 1968, khi Tổng thống Johnson ra lệnh ngừng toàn bộ chương trình hoạt động ngầm chống miền Bắc. Thì riêng bộ phận biệt kích & thám báo đường mòn Hồ Chí Minh OP35 đến năm 1965 mới chính thức hoạt động và kéo dài đến năm 1972, khi Hoa Kỳ rút khỏi chiến tranh.
Giai đoạn 1964-1968
Đây là giai đoạn mở đầu cho quá trình thành lập SOG, cũng là giai đoạn khó khăn nhất. Như đã nói ở phần trên, SOG không nhận được sự hỗ trợ tích cực của quân đội, nên buộc phải tự tìm kiếm nhân lực phục vụ cho mình. Ngay cả vậy, trong thành phần quân đội Hoa Kỳ lúc bấy giờ, không có nhiều nhân viên được huấn luyện về hoạt động đặc biệt cho các hoạt động của SOG. Sự khó khăn về nhân sự đã buộc SOG phải kiêm vai trò huấn luyện các sĩ quan trẻ nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm, giúp họ làm quen với các hoạt động của mình. Tuy nhiên, thời hạn công tác ở SOG là một năm, giống như các lực lượng khác ở Việt Nam. Điều đó gây khó khăn cho SOG, bởi mỗi nhân viên mới thường cần một năm để quen công tác. Do vậy thay vì hưởng lợi từ những sĩ quan mà mình đã đào tạo, SOG lại phải tiếp tục đào tạo một người mới.
Bộ phận gián điệp-biệt kích OP34
Trong 4 năm hoạt động, SOG đã tung vào miền Bắc gần 30 toán gián điệp-biệt kích, tổng cộng khoảng 250 người. Nếu kể cả số gián điệp đã được tung đi từ chương trình biệt kích của CIA mà SOG tiếp nhận, thì tổng số khoảng 500 người đã xâm nhập miền Bắc. Trong đó, chỉ có bốn toán gián điệp Eagle, Romeo, Hadley và Red Dragon của SOG và ba toán Tourbillon, Easy, Remus và một điệp viên đơn tuyến Ares của CIA được cho là vẫn còn hoạt động. Tuy nhiên, cách “thả tù mù” này, theo như cách gọi của các nhân viên OP34, tỏ ra không hiệu quả. Vào cuối năm 1967, chỉ huy OP34 Bob Kingston quyết định đánh giá lại toàn bộ chương trình hoạt động gián điệp-biệt kích của SOG với sự giúp đỡ của các chuyên gia CIA và DIA. Kết quả là một thảm họa: tất cả các toán mà SOG cho là còn hoạt động đều đã bị Hà Nội vô hiệu hóa từ lâu, và một số còn được sử dụng để chống lại SOG. Trên thực tế, 500 người đã được tung đi mà không một ai còn quay về.
Chương trình đánh lạc hướng (mật danh Forae): Mặc dù chương trình gián điệp-biệt kích đã sụp đổ sau khi trung tá Kingston quyết định ngưng mọi hoạt động, song các nhân viên của SOG nhận thấy chính phủ Hà Nội vẫn lo ngại về tình trạng gián điệp xâm nhập miền Bắc, và số gián điệp bị bắt giữ mà Hà Nội công bố lớn hơn con số điệp viên mà SOG đã tung đi. Điều đó khiến cho lãnh đạo SOG thích thú, và Kingston đã dựng nên một kế hoạch đánh lừa nhằm dựng nên một hệ thống hai mang chống lại Hà Nội. Dự án này gồm ba đề án chính làm cốt lõi: Borden, Urgency và Oodles, với nội dung cơ bản là dùng sự lo ngại của Hà Nội về hệ thống an ninh ở miền Bắc để gây rối loạn cho chính họ. Với một loạt các hoạt động nhỏ và bí mật, dự án Forae hy vọng sẽ làm Hà Nội phải giảm bớt nguồn lực để tăng cường an ninh cho miền Bắc, trong khi đáng nhẽ những nguồn lực này được tăng cường cho chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, tất cả kết thúc khi Tổng thống Hoa KỳJohnson ra lệnh ngừng các hoạt động chống miền Bắc vào năm 1968.
Bộ phận hoạt động trên biển OP37
Bộ phận cố vấn Hải quân phối thuộc (NAD) OP37, được thành lập tại Đà Nẵng năm 1964, với sự ủng hộ của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Bộ phận này thực hiện các hoạt động ngầm trên biển, đánh phá các cảng biển miền Bắc, quấy rối đường đi lại trên biển, phục kích và bắt giữ các tàu của Bắc Việt Nam và rải các tài liệu tâm lý chiến như truyền đơn… Hoạt động ngầm trên biển được Lầu Năm Góc cho rằng sẽ tạo ra hiệu quả lập tức tới Hà Nội, khiến chính phủ miền Bắc bị tổn thất và cuối cùng dẫn đến ngưng chiến tranh ở miền Nam. Dù được kỳ vọng như vậy, nhưng cuối cùng, hoạt động ngầm trên biển cũng như các bộ phận khác của SOG, do bị quá nhiều hạn chế, đã không thành công trong việc hoàn thành mục đích của mình.
OP37 sở hữu một số tàu tuần tiễu nhanh PTF gồm loại Nasty của Nauy và Swift của Hải quân để thực hiện nhiệm vụ. Đối tác của OP37 là Tổng nha kỹ thuật chiến lược STD và cơ quan an ninh bờ biển CSS của Cộng Hòa Việt Nam. Các điệp vụ do các tàu của SOG thực hiện có hiệu quả ít ỏi và chỉ gây khó chịu qua loa cho chính phủ Hà Nội. Mặc dù các hoạt động này đã khiến chính phủ miền Bắc phải tăng cường nguồn lực bảo vệ bờ biển, song xét cuối cùng, thành công là không đánh kể. Hầu hết các tàu Bắc Việt Nam mà PTF đã phá hủy là tàu đánh cá của ngư dân, rất ít trong số đó là tàu vũ trang. Các hoạt động pháo kích, tập kích ven bờ cũng khó khăn khi miền Bắc triển khai pháo bảo vệ bờ biển. Hoạt động của OP37 do đó tiếp tục bị thu hẹp dần. Cuối cùng, ngày 1-11-1968, do chính sách của Tổng thống Johnson, toàn bộ các hoạt động trên vĩ tuyến 17 đều bị ngưng lại, và OP37 ngừng hoạt động.
Bộ phận tâm lý chiến OP39
Bộ phận chiến tranh tâm lý OP39 của SOG được thành lập năm 1964, với mục đích là nhằm cho Hà Nội tin rằng họ có vấn đề về an ninh nội bộ, từ đó giảm dần nguồn lực bổ sung cho chiến trường miền Nam và cuối cùng là kết thúc chiến tranh. Để thực hiện mục tiêu này, OP39 đã có một loạt các hoạt động: lập ra phong trào chống đối giả tạo Gươm Thiêng Ái Quốc (SSPL), lập đài phát thanh tuyên truyền, rải truyền đơn và gói quà ra miền Bắc… nhằm thu phục dân chúng miền Bắc. Tuy vậy, giới chức Washington e ngại rằng nếu như quá mức, chính phủ Hà Nội có thể sụp đổ và Trung Quốc sẽ can thiệp. Sự ám ảnh đó đã khiến Washington cấm SOG hình thành một phong trào chống đối “thực sự” tại miền Bắc với mục tiêu lật đổ Hà Nội. Khôi hài là đây lại là mục tiêu chính mà các chỉ huy của SOG hướng tới cho chương trình tâm lý chiến. Khi hoạt động nghiêm túc nhất đã bị cấm, mọi hoạt động khác của OP39 đều không mang lại hiệu quả to lớn. Điều này không được thay đổi trong những năm tiếp theo, mặc dù các sếp của SOG đã cố gắng khai thông tại Washington dọn đường cho mục tiêu lớn nhất của họ. Cuối cùng, cũng với OP34 và OP37, bộ phận tâm lý chiến OP39 đã chấm dứt hoạt động cuối năm 1968 theo lệnh của Tổng thống Johnson
Bộ phận biệt kích & thám báo OP35
Đây là bộ phận lớn nhất của SOG, cũng là bộ phận thành công nhất trong các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc. OP35 tập trung vào việc tung các toán thám báo-biệt kích chống phá đường mòn Hồ Chí Minh, con đường vận tải huyết mạch của miền Bắc cho cuộc chiến tại miền Nam. Địa bàn hoạt động của OP35 lấn cả sang Lào, và đến năm 1967 mở rộng sang Campuchia. Các toán thám báo của OP35 có nhiệm vụ quan sát và phát hiện ra vị trí đóng quân của các đơn vị bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam, các kho hàng lương thực, xăng dầu… tập trung trên đường mòn Hồ Chí Minh, rồi chỉ điểm cho máy bay đến ném bom. Đây là hoạt động hết sức nguy hiểm và táo bạo. Mỗi toán thám báo thường gồm 3 nhân viên người Mỹ và 9 lính người dân tộc. Độ nhạy cảm cao do lo sợ việc lính Mỹ bị bắt khiến Washington mà điển hình là Bộ Ngoại giao, ngăn cấm việc SOG cho phép OP35 vào Lào trong suốt năm 1964. CIA cũng không muốn SOG vào Lào, bởi họ coi Lào là địa bàn hoạt động của riêng họ. Bước sang năm 1965, sự đấu tranh của SOG tại Washington, cộng với sự ủng hộ hiếm hoi của Lầu Năm Góc đã khiến Bộ Ngoại giao và CIA mất dần thế thượng phong trong việc cấm đoán SOG. Sở dĩ giới quân sự ủng hộ SOG vì quân đội rất cần các hoạt động thám báo như vậy trên đường mòn Hồ Chí Minh để giúp họ có được bức tranh tổng thể về chiến lược chiến tranh của miền Bắc tại Nam Việt Nam. Mặc dù nhượng bộ cho SOG được phép tung các toán thám báo vào Lào, Bộ Ngoại giao vẫn đặt ra một loạt các quy định khắt khe về giới hạn xâm nhập của các toán thám báo của SOG, và mọi kế hoạch của OP35 đều phải được báo trước cho Đại sứ quánHoa Kỳ tại Viên Chăn trước khi thực hiện. Bất chấp các hạn chế như vậy, OP35 có được sự thành công ban đầu. Trong những năm 1965-1967, các toán thám báo xâm nhập đường mòn đã phát hiện ra rất nhiều mục tiêu của QĐNDVN tại Lào và chỉ điểm cho máy bay đến ném bom, khiến cho Hà Nội bị bất ngờ và thiệt hại. Với trung bình 90 điệp vụ trong mỗi tháng, OP35 tỏ ra thực sự hiệu quả và được sự ủng hộ rất lớn của MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương. Năm 1967, hoạt động thám báo của SOG được mở rộng sang Campuchia, xâm nhập và phát hiện các mục tiêu của Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam.
Giai đoạn 1968-1972
Đây là giai đoạn mà SOG chỉ còn bộ phận nghiệp vụ thám báo và biệt kích OP35 là còn hoạt động. Các điệp vụ thám báo tiếp tục được mở rộng trên khắp đường mòn Hồ Chí Minh, gây khó khăn cho QĐNDVN và buộc miền Bắc phải cử lại một số lượng lớn bộ đội ở lại bảo vệ đường mòn. Dù đã có những thành công ban đầu, song dần dần, với việc Hà Nội bắt đầu tìm hiểu và nắm bắt được các quy luật hoạt động của OP35, thì các toán thám báo trở nên khó khăn hơn trong việc xâm nhập vào đường mòn. Một loạt các biện pháp an ninh cấp thấp nhưng rất hiệu quả của QĐNDVN đã được triển khai nhằm chống lại các toán thám báo xâm nhập, tạo nên một hệ thống an ninh tầng lớp dày đặc. Trong những năm 1968-1969, hầu hết các toán thám báo đều chỉ xâm nhập được trong một thời gian ngắn, sau đó phải rút ra khi bị tấn công. Một số toán bị tấn công mãnh liệt và thương vong nặng nề. Lúc này, QĐNDVN đã triển khai một lực lượng chuyên tìm diệt các toán thám báo của SOG, gọi là lực lượng đặc công. Các toán thám báo SOG gặp phải lực lượng này thường bị tiêu diệt không thương xót. Tỉ lệ thương vong của OP35 tăng lên theo thời gian. Năm 1969 tỉ lệ này đối với thám báo viên người Mỹ là 50% cho một điệp vụ, và tăng dần trong các năm tiếp theo. Đến năm 1970, khi Tổng thống Nixon bắt đầu rút dần lính Mỹ ra khỏi Việt Nam, lực lượng của SOG hầu như không bị ảnh hưởng. Các hoạt động thám báo tiếp tục nhộn nhịp, và SOG cung cấp cho MACV những chứng cứ có giá trị về việc miền Bắc mở rộng vùng ngã ba biên giới thành con đường vận tải chuyển quân và thiết bị vào chiến trường miền Nam. Trong bối cảnh lính Mỹ rút dần khỏi chiến tranh, đây những tin tức rất có giá trị với quân đội. Tuy nhiên, cũng với đó là cái giá phải trả rất lớn: nhiều thám báo viên Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với bộ đội miền Bắc. Các toán thám báo tuy nhận được sự hỗ trợ về không quân rất lớn nhưng vẫn bị tấn công và tổn thất. Những tháng cuối cùng của năm 1971, SOG tiếp tục chiến đấu “khi những người Mỹ khác đã về nhà”. Tuy nhiên, sau chiến dịch Lam Sơn 719, địa bàn hoạt động của SOG bị mất khá nhiều khi Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công miền Bắc của Nam Việt Nam. Cuối cùng, cũng với việc quân đội Hoa Kỳ rút hoàn toàn ra khỏi chiến tranh Việt Nam, SOG chính thức chấm dứt hoạt động. SOG giải thể ngày 30-4-1972 theo lệnh của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ
Các sĩ quan từng phục vụ SOG
Tư lệnh:
Đại tá Clyde Russell
Đại tá Don Blackburn
Đại tá Jack Singlaub
Đại tá Steve Cavanaugh
Đại tá Jack Isler
Đại tá Skip Sadler
Phó tư lệnh:
Trung tá Edward Partain
Các bộ phận nghiệp vụ của SOG
OP34
Chỉ huy
Trung tá Edward Partain
Trung tá Reginald Woolard
Trung tá Robert McLane
Trung tá Robert McKnight
Trung tá Bob Kingston
Phó chỉ huy
Thiếu tá Pete Hayes
Thiếu tá John Hada
OP37
Chỉ huy
Jack Owens
Bob Fay
William Hawkins
Norman Olson
Andrew Merget
Phó chỉ huy
Trung tá Robert Terry
Trung tá Mick Trainor
Trung tá Wesley Rice
OP39
Chỉ huy
Trung tá Herbert Weisshart
Trung tá Martin Marden
Trung tá Robert Bartelt
Trung tá Albert Mathwin
Trung tá Thomas Bowen
Trung tá Louis Bush
OP35 (tất cả các chỉ huy trưởng của SOG đều tham gia chỉ huy OP35)